Đối với mỗi dân tộc, phong tục hôn nhân có những điểm khác nhau. Những nghi thức hôn nhân được hình thành trong quá khứ, theo thời gian cũng có sự thay đổi để phù hợp với cuộc sống. Phong tục hôn nhân của bà con Khmer Nam Bộ cũng vậy.
Đoàn nhà trai đưa chú rể sang nhà gái.
1.Tài liệu tại Bảo tàng Nhân học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, nêu khá kĩ về hôn nhân của đồng bào Khmer Nam Bộ, với nhiều nét đặc sắc.
Bà con Khmer Nam Bộ sinh sống chủ yếu tại các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang. Tới nay, bà con vẫn giữ lại nhiều tập tục mang tính bản sắc. Những giá trị văn hóa đó được thể hiện trong đời sống thường ngày, trong đó có phong tục hôn nhân.
Với đồng bào Khmer Nam Bộ, nam nữ đến tuổi trưởng thành thì được tự do tìm hiểu nhau để tiến đến hôn nhân. Nhìn chung, phong tục hôn nhân được chia thành 4 giai đoạn: giai đoạn trước “lễ nói”, lễ nói, lễ hỏi và lễ cưới. Trong đó, lễ cưới (Pithi Apea Pìea) là quan trọng nhất.
Cô dâu đứng đón chú rể theo phong tục.
Trước “lễ nói”, hai họ xem ngày tháng năm sinh của chú rể và cô dâu có hợp tuổi hay không. Nếu hợp, lúc bấy giờ sẽ tiến hành các bước tiếp theo. Như vậy, trên thực tế, việc cưới hỏi bắt đầu từ đám nói đến hỏi và cưới. Trong đám nói, bao giờ nhà trai cũng mời người mối đại diện thưa chuyện với nhà gái. Ngày trước, người làm mối đại diện phía nhà trai là một người phụ nữ đã có gia đình, đức hạnh, có cuộc sống hạnh phúc. Lễ hỏi chỉ diễn ra sau khi nhà trai đã chọn được ngày lành tháng tốt dự định cho hôn lễ. Với lễ cưới, trước kia bà con thường tổ chức ba ngày bên nhà gái.
Tới nay, các nghi thức trong hôn nhân của đồng bào Khmer Nam Bộ vẫn được cộng đồng gìn giữ, tôn trọng, tuy rằng đã giản lược để phù hợp với cuộc sống hiện tại. Ví dụ như không còn việc nhà gái đòi hỏi sính lễ và thời gian tổ chức cuối rút ngắn, và có thể tổ chức ở cả hai nhà.
Vào đám cưới, một nghi thức rất đặc biệt của đồng bào Khmer Nam Bộ là việc “cắt bông cau”. Cha mẹ chú rể nhờ hai người thanh niên chưa vợ đi cắt bông cau (quan niệm của bà con là bông vàng, bông bạc), mang về để ở một nơi cùng chiếc đèn dầu nhỏ thắp nhang khẩn cầu cho đôi vợ chồng trăm năm được hạnh phúc. “Bông cau” gồm 3 bó: bó thứ nhất tạ ơn cha (21 sợi cau được buộc bằng chỉ trắng với 21 miếng cau và trầu), bó thứ hai để tạ ơn mẹ (12 sợi cau được buộc bằng chỉ trắng với 12 miếng cau và trầu), bó thứ ba để tạ ơn anh chị (6 sợi cau được buộc bằng chỉ trắng với 6 miếng cau và trầu).
Có nơi là buồng bông cau (bông cau còn nguyên trong bẹ) được cắt theo hình cánh cung. Mâm lễ này sẽ được mang tới nhà gái khi đón cô dâu. Trước khi hôn lễ kết thúc, cha mẹ thân tộc hai bên buộc chỉ đỏ tay cô dâu và chú rể, để mong ước cuộc sống của đôi vợ chồng sẽ gắn chặt vào nhau mãi mãi. Cũng có nơi lễ này được thực hiện trước khi cô dâu chú rể vào phòng hoa chúc.
Một đặc sắc nữa của hôn lễ đồng bào Khmer Nam Bộ là tục “quét chiếu”. Khi cô dâu và chú rể vào phòng thì có một người cao tuổi theo sau. Đó là người khỏe mạnh, đông con, nhiều cháu. Người này đem chiếc chiếu ra và hỏi: “Có ai chuộc chiếu không?”. Lúc đó chú rể bước ra nhận chiếu trải ra và mời cô dâu cùng vị chủ lễ ngồi, rồi để lên chiếu một vật có giá trị để tặng những người đã giúp đỡ trong việc tổ chức hôn nhân. Cũng có nơi lễ quét chiếu (trái chiếu) được thực hiện do hai người phụ nữ do phía nhà gái chọn.
2.Còn theo tác già Lâm Thanh Quang, mùa cưới truyền thống của người Khmer Nam Bộ bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch, khi mùa màng đã thu hoạch xong. Đây cũng là lúc họ chuẩn bị cho lễ mừng năm mới (Chol Chnăm Thmây).
Một điểm rất đáng chú ý, trong hôn nhân của đồng bào Khmer Nam Bộ có lễ cúng “ông Tà”. Vậy, ông Tà là gì? Trên đường vào các phum sóc của đồng bào người ta thường thấy miếu thờ ông Tà. Ông Tà hiện thân ở những hòn đá cuội bóng láng, thể hiện cho sự thanh khiết, giản dị tự nhiên, trong sạch, cứng rắn và khỏe mạnh. Đó chính là vị thần che chở, bảo vệ con dân trong phum sóc. Như vậy, ông Tà cũng có thể coi là thần hoàng làng đối với đồng bào người Kinh.
Khi đoàn nhà trai sang nhà gái, họ sẽ dừng chân tại nơi thờ ông Tà, đặt mâm lễ và khấn vái. Lễ vật thường gồm có cốm dẹp, trái cây, chuối... và một mâm thức ăn. Đây được coi là nghi lễ nhà trai trình diện với “thần hoàng làng” phía nhà gái.
Việc trình diện và tỏ lòng biết ơn ấy cũng được thể hiện tại bữa cơm chung đầu tiên của gia đình hai bên. Cô dâu chú rể sẽ dâng cơm cho cha mẹ hai bên để tỏ lòng hiếu thảo.
Cuối cùng, có thể thấy trong hôn lễ của đồng bào Khmer Nam Bộ bao giờ cũng có điệu múa Lâm Thon. Điệu múa do trai gái trong phum sóc thể hiện, lên tới cao trào trước khi kết thúc hôn lễ. Đó cũng được xem là lời chúc phúc vui vẻ nhất, hân hoan nhất cho đôi vợ chồng trẻ, để họ vững vàng bước vào cuộc sống mới.
Nhìn chung, hôn lễ của đồng bào Khmer Nam Bộ với những nghi thức được giữ gìn cho đến ngày nay toát lên niềm hy vọng cuộc sống hôn nhân bền vững, đôi vợ chồng sẽ sống với nhau cho đến trọn đời. Hôn nhân không chỉ được gia đình hai bên ưng thuận, mà còn được sự ghi nhận của cộng đồng và đấng thần linh. Chính vì thế, đám cưới vừa rộn rã lại vừa trang trọng, trang nghiêm, nhắc nhở đôi vợ chồng ăn ở với nhau phải đạo để không phụ lòng mọi người đã chứng kiến, đã ủng hộ và chia vui với họ.
Tiến hành nghi thức buộc chỉ cho cô dâu chú rể. Một điểm rất đáng chú ý, trong hôn nhân của đồng bào Khmer Nam Bộ có lễ cúng “ông Tà”. Vậy, ông Tà là gì? Trên đường vào các phum sóc của đồng bào người ta thường thấy miếu thờ ông Tà. Ông Tà hiện thân ở những hòn đá cuội bóng láng, thể hiện cho sự thanh khiết, giản dị tự nhiên, trong sạch, cứng rắn và khỏe mạnh. Đó chính là vị thần che chở, bảo vệ con dân trong phum sóc. Như vậy, ông Tà cũng có thể coi là thần hoàng làng đối với đồng bào người Kinh. |