Tiêm vaccine là biện pháp quan trọng để phòng, chống dịch Covid-19. Đối với phụ nữ mang thai lại càng cần thiết hơn khi đang mang thêm trong mình một sinh linh bé bỏng.
Hành trình vượt cạn đặc biệt
Tôi đã trải qua một hành trình vượt cạn đặc biệt nhất trong đời, mà cũng là một hành trình với ngập tràn nỗi lo sợ lớn trong đời, sinh con khi mắc Covid-19.
Tôi mang thai và mắc Covid-19 trong đợt dịch lần thứ 4 bùng phát. Khi đó, các phương tiện truyền thông nói nhiều về một chủng virus Corona mới là Omicron, chủng virus mà theo các chuyên gia y tế, là chủng gây bệnh nhẹ hơn so với chủng xuất hiện trước đó (Delta) nhưng tốc độ lây nhiễm rất cao, gấp 7 lần ở người chưa tiêm vaccine và 3 lần ở người đã tiêm. Nếu không kiểm soát, số mắc tăng quá mức, sẽ tăng ca nặng.
Với phụ nữ mang thai trên 39 tuần, khi mắc Covid-19 cần liên hệ bệnh viện để được tư vấn và đưa ra phác đồ điều trị hợp lý nhất. Tôi liên hệ với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cơ sở 2 (khi đó là Trung tâm điều trị thai phụ mắc Covid-19). Sản phụ mắc Covid-19 khi nhập viện chỉ được mang theo rất ít đồ cá nhân. Cũng không cho phép có người nhà đi cùng. Bước chân vào đến tầng 3, nơi có phòng chờ sinh, phòng hậu phẫu, phòng mổ… là rất đông các sản phụ giống như tôi đang mặc những bộ váy rộng thùng thình, đi chầm chậm.
Chị Nguyễn Thị Thu Hương (sinh năm 1989, ở Mê Linh, Hà Nội) cho biết, chị vừa nhập viện vì mắc Covid-19. Hiện tuổi thai ở tuần 38 nhưng bác sĩ chỉ định phải mổ bắt con ngay. Tương tự giống sản phụ Hương là rất đông những người khác gần đến ngày sinh đang chờ một cơn đau đến thật gần, hoặc xin chỉ định mổ để dự phòng những rủi ro xảy đến.
Trong phòng theo dõi sức khỏe sản phụ trước sinh, để lại trong tâm trí tôi là những tiếng ho, những khuôn mặt với khẩu trang kín mít, tiếng chạy máy monitor, tiếng máy đo tim thai đập… Cứ một lúc lại có tiếng nói phát ra từ bộ đàm của các y, bác sĩ từ tầng 3 gọi lên tầng 4, hay từ tầng 5 gọi xuống tầng 3 thông báo về tình trạng bệnh nhân mới nhập viện, hay có ca cần cấp cứu.
BS Đỗ Tuấn Đạt - Trưởng kíp trực khi đó chia sẻ: Số lượng mẹ bầu mắc Covid-19 rất nhiều. Khi mắc Covid-19 các mẹ thường có triệu chứng nặng hơn và dễ chuyển từ tình trạng nhẹ sang trung bình hoặc nặng. Rất nhiều mẹ không tiêm vaccine (chiếm tới hơn 50% trong khu điều trị) và các trường hợp chuyển nặng đều rơi vào các mẹ này.
Với trường hợp của tôi, bác sĩ khuyên mổ để phòng tránh nguy cơ cho cả mẹ và con trước diễn biến bệnh Covid-19 có thể trở nặng, mặc dù tôi đã được tiêm 2 mũi vaccine.
Những sản phụ phải sinh trong khu điều trị Covid-19 đều chỉ được nhìn con cách xa chừng 2 m. Rồi các mẹ được chuyển qua phòng hậu phẫu, còn các con chuyển xuống phòng sơ sinh. Những ngày sau đó là phấp phỏng lo âu về tình trạng của con, là sự cố gắng tự chăm sóc bản thân khi không có người thân bên cạnh.
Nhiều rủi ro khi không tiêm vaccine ngừa Covid-19
Ở trong Khu điều trị Covid-19 của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cơ sở 2, tôi chứng kiến hàng ngày tiếng xe cấp cứu mỗi sáng sớm, mỗi buổi chiều, có khi cả buổi đêm. Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận vài chục ca bệnh Covid-19 là phụ nữ mang thai, tai biến sản phụ khoa. Có những trường hợp khi vào viện đã trong tình trạng nguy kịch.
Tôi được thông báo sẽ mổ khoảng 4h chiều, sau hơn 1 ngày nhập viện điều trị. Nhưng phải đến hơn 1 tiếng rưỡi sau mới được lên bàn mổ vì có liên tiếp các ca sản phụ phải vào mổ cấp cứu, không thể chờ đợi được.
Kết thúc ca mổ, nằm kế bên tôi ở phòng hậu phẫu là một sản phụ sinh năm 1986, mang thai lần 4 được 32 tuần. Chị kè kè bên mình dây thở ô xy, vì cứ bỏ ra là hụt hơi không thở được. Chị mắc Covid-19 trước khi vào viện hơn chục ngày. Khi có biểu hiện bệnh là ho, sốt, chị tự mua thuốc về uống. Sốt hơn 1 tuần, uống thuốc hạ sốt nhiều không đỡ mới đi vào viện. Nhưng khi nhập viện rồi thì em bé lại không còn tim thai.
Trò chuyện lâu mới biết, chị chưa tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 nào cả: “Chủ quan quá bạn ạ, mình cứ nghĩ sốt bình thường xong là khỏi. Cũng không nghĩ sẽ mất con. Giá như mình vào viện sớm hơn. Giá như mình tiêm vaccine… Con đã được gần 8 tháng rồi mà không giữ được. Thật sự ân hận lắm”.
Một điều dưỡng đang thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm điều trị cũng cho hay: Vào Trung tâm điều trị thai phụ mắc Covid-19, tôi và mọi người đều nhận thấy những thai phụ đã tiêm phòng vaccine thường có triệu chứng nhẹ và nhanh hồi phục hơn những thai phụ chưa được tiêm vaccine. Với những người trở nặng, tôi cũng tận mắt thấy những giọt nước mắt hối hận của họ khi đã do dự không tiêm vaccine. Họ đều nói 2 từ “giá như” em tiêm vaccine rồi. Những giây phút nhìn họ một mình chống lại bệnh tật, chúng tôi chỉ cố gắng động viên để họ lạc quan hơn và phối hợp tốt trong chăm sóc, điều trị.
Sau 6 tiếng nằm dưới phòng hậu phẫu, tôi được chuyển lên tầng 5 để theo dõi sức khỏe sau sinh. Trong phòng đã có sẵn hai sản phụ nói chuyện rôm rả. Một sản phụ là N.T.T.T, chuyển dạ sinh thường con ở tuần thai 23 đang gọi điện cho người quen kể về quá trình vượt cạn của mình. Đây là một bà mẹ trẻ, sinh năm 1995, (ở Đống Đa, Hà Nội). Một sản phụ khác sinh mổ khi thai được 38 tuần.
Tôi nhớ rõ, sản phụ T kể với người quen qua điện thoại về đứa con vừa sinh, trắng trẻo, có đủ bộ phận hình hài đáng yêu lắm, dù sinh ở tuần thai rất nhỏ… Ấy thế mà niềm vui chẳng được bao lâu. Trong lúc mọi người đang ngủ thiếp đi giữa những cơn đau trằn trọc thì tiếng khóc nức nở từ cuối phòng cứ rít lên ầng ậc. Một sản phụ nằm bên cạnh trách mắng, “mày có thôi khóc đi không, còn khóc nữa mai kia mắt bị lòa thì đừng trách”. Thế nhưng tiếng khóc vẫn không thể ngừng.
“Em không khóc không được. Em đau lắm. Các chị có con mang về, còn em thì không” - T nói trong nước mắt. Tôi phần nào hiểu ra vấn đề nhưng không biết an ủi em thế nào, chỉ sợ nói thêm một câu em lại khóc nhiều hơn nên đành im lặng…
ThS.BSCKII Nguyễn Công Định - Giám đốc Trung tâm khám và điều trị, chăm sóc sức khỏe sinh sản - Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội Cơ sở 2 khẳng định, phụ nữ mang thai rất nên tiêm vaccine ngừa Covid-19. Các mẹ cần tiêm tối thiểu 2 mũi vaccine. Nếu được thì tiêm 3 mũi là tốt nhất. Để chẳng may có "va" phải F0 thì cũng sẵn sàng đủ “vũ khí” để chống lại bệnh.
“Khi chúng tôi ở trong khu điều trị cho thai phụ F0 thì tỷ lệ giữa những người bị nặng có tiêm vaccine thấp hơn rất nhiều so với những bà mẹ chưa tiêm ngừa vaccine. Khi tư vấn cho các bà bầu, tôi cũng thấy có thực trạng các mẹ không muốn tiêm vì sợ ảnh hưởng tới em bé, sợ tác dụng phụ của vaccine… Nhưng các mẹ cần nhớ, khi mắc bệnh thì việc đầu tiên là em bé sẽ bị ảnh hưởng. Khi mẹ mệt mỏi, thiếu ô xy thì chính em bé sẽ là người bị chịu nhiều tác động. Thứ hai, những lo ngại do mắc phải Covid-19 nó gấp nhiều lần so với tác dụng phụ của vaccine.
Trong thời gian tôi tham gia trực tại cơ sở 2, hôm nào cũng có 4-5 thai phụ mắc Covid-19 nặng, có trên 90% rơi vào các bà mẹ không tiêm vaccine. Vì vậy, khuyến cáo thêm lần nữa, các bà mẹ nếu có cơ hội tiêm vaccine, không chần chừ gì nữa hãy đi tiêm ngay lập tức” - BS Định chia sẻ.