Quốc tế

Phụ nữ tổn thương nhiều hơn trước biến đổi khí hậu

Mai Phương 23/11/2023 11:37

Chị Manju Devi đã phải chịu cơn đau trong 2 tháng khi làm việc tại một nông trại ở làng Syaraul, gần Thủ đô New Delhi, Ấn Độ.

anh-bai-chinh-22-11.jpg
Phụ nữ thu hoạch lúa mì ở làng Nanu, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Nguồn: AP.

Chị Devi không thể dừng việc phun thuốc trừ sâu, đôi khi phải đứng hàng giờ trong vùng nước sâu đến thắt lưng trên cánh đồng lúa, dưới cái nóng gay gắt. Cuối cùng, khi cơn đau trở nên quá sức chịu đựng, chị được đưa đến bệnh viện. Theo kết luận của bác sĩ, Devi bị sa tử cung và cần phải cắt bỏ. Nhưng để có những bữa ăn hằng ngày cho 2 đứa con lớn và 3 đứa cháu, chị Devi đã phải dùng thuốc giảm đau để trở lại đồng ruộng.

Khi hội nghị thượng đỉnh về khí hậu thường niên do Liên hợp quốc (LHQ) chủ trì - COP28 dự kiến diễn ra cuối tháng này tại Dubai, các nhà hoạt động đang kêu gọi giới hoạch định chính sách ứng phó với tác động không cân xứng của biến đổi khí hậu (BĐKH) đối với phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là những nơi nghèo đói.

Khuyến nghị của các nhà hoạt động bao gồm: đảm bảo quyền tiếp cận đất đai cho phụ nữ, thúc đẩy hợp tác xã của phụ nữ và khuyến khích phụ nữ lãnh đạo chính sách khí hậu. Họ cũng đề nghị các quốc gia cam kết chi nhiều tiền hơn để đảm bảo bình đẳng giới trong các chính sách khí hậu.

Trước đó, Nhóm 20 nhà lãnh đạo gặp nhau ở New Delhi vào tháng 9 cũng đã nhận ra vấn đề, kêu gọi đẩy nhanh hành động về khí hậu với cốt lõi là bình đẳng giới bằng cách tăng cường sự tham gia và lãnh đạo của phụ nữ trong việc giảm thiểu và thích ứng.

Bà Seema Bhaskaran - người theo dõi các vấn đề về giới cho tổ chức phi lợi nhuận Transform Rural India Foundation - cho biết, mối liên hệ giữa các căn bệnh như sa tử cung và BĐKH là gián tiếp nhưng vô cùng nghiêm trọng.

Theo bà Bhaskaran: Phụ nữ ở các cộng đồng nông thôn bị ảnh hưởng khí hậu thường phải hứng chịu gánh nặng của công việc đồng áng đòi hỏi thể lực nhiều hơn, vất vả hơn bởi những thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu như thời tiết thất thường và nhu cầu lao động gia tăng. Mặc dù biến đổi khí hậu không trực tiếp gây ra chứng sa tử cung, nhưng nó làm tăng thêm những thách thức tiềm ẩn khiến phụ nữ dễ mắc phải những vấn đề sức khỏe hơn.

Cách làng Syaraul khoảng 150 km, tại làng Nanu, bà Savita Singh, 62 tuổi, cho rằng BĐKH là nguyên nhân gây ra bệnh nhiễm trùng hóa học khiến bà mất một ngón tay vào tháng 8/2022. Khi sản lượng lúa mì giảm do BĐKH và sự gia tăng các cuộc tấn công của sâu bệnh, chồng bà Singh đã quyết định tăng cường sử dụng thuốc trừ sâu.

“Sâu bệnh xuất hiện nhiều, lượng thuốc trừ sâu và phân bón sử dụng trong trang trại tăng gấp ba lần nhưng tôi không có bất kỳ thiết bị an toàn nào, tay tôi bị bỏng do hóa chất và một ngón tay phải cắt cụt” – bà Singh nói.

Tại làng Pilakhana ở bang Uttar Pradesh, cô Babita Kumari - công nhân, 22 tuổi - bị thai chết lưu hồi năm 2021. Kumari cho rằng, đó là do cô phải làm việc ở lò gạch trong nhiều ngày dưới cái nóng gay gắt.

“Mẹ tôi làm việc ở lò gạch cả đời nhưng cái nóng cũng không đến nỗi tệ như vậy dù bà cũng làm việc hơn 8 tiếng một ngày như tôi. Nhưng trong 6-7 năm qua, nắng nóng trở nên không thể chịu nổi, chúng tôi không có lựa chọn nào ngoài việc chịu đựng” – cô Kumari nói.

Theo phân tích của Climate Central, nhóm các nhà khoa học độc lập có trụ sở tại Mỹ, BĐKH ít nhất đã làm tăng gấp đôi khả năng xảy ra đợt nắng nóng ở bang Uttar Pradesh trong năm nay.

Bà Bhaskaran lưu ý rằng, phụ nữ ở Ấn Độ thường đảm nhận vai trò chính trong nông nghiệp trong khi nam giới thường di cư đến khu vực thành thị, điều này khiến phụ nữ đặc biệt dễ bị tổn thương trước những tác động trực tiếp của BĐKH. Một cuộc khảo sát về lực lượng lao động của chính phủ giai đoạn 2021-2022 cho thấy, 75% số người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp là phụ nữ. Nhưng theo một cuộc điều tra khác, 14% đất nông nghiệp thuộc sở hữu phụ nữ.

Đối với bà Bhaskaran, việc này tạo nên bức tranh về những người phụ nữ hy sinh sức khỏe làm việc nhiều giờ trong điều kiện nắng nóng gay gắt, tiếp xúc với thuốc trừ sâu nhưng không được tiếp cận nước sạch. Trên hết, nhiều người bị suy dinh dưỡng vì họ thường ăn cuối cùng và ăn ít nhất nhà.

Bà Poonam Muttreja, nhà hoạt động vì quyền phụ nữ, đồng thời là người điều hành Tổ chức Dân số Ấn Độ, cho rằng, điều cần thiết là COP28 phải có hành động cụ thể giúp đỡ phụ nữ.

Theo bà Muttreja, COP28 không chỉ cung cấp hỗ trợ tài chính mà còn cần thúc đẩy và tạo điều kiện đưa các cân nhắc về giới vào tất cả các chính sách, sáng kiến và hành động liên quan đến khí hậu.

“Phải ưu tiên các chương trình nâng cao nhận thức nhấn mạnh những thách thức sức khỏe cụ thể mà phụ nữ phải đối mặt sau BĐKH như một bước quan trọng hướng tới nâng cao nhận thức cộng đồng. Những nỗ lực này cũng sẽ đóng vai trò như lời kêu gọi hành động đối với các chính phủ, tổ chức và cộng đồng nhằm ưu tiên sức khỏe và hạnh phúc của phụ nữ như thành phần trung tâm trong các sáng kiến về khí hậu” - bà Muttreja nói thêm.

Theo bà Poonam Muttreja – một nhà hoạt động vì quyền phụ nữ, COP28 không chỉ cung cấp hỗ trợ tài chính mà còn cần thúc đẩy và tạo điều kiện đưa các cân nhắc về giới vào tất cả các chính sách, sáng kiến và hành động liên quan đến khí hậu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phụ nữ tổn thương nhiều hơn trước biến đổi khí hậu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO