Ngày 26/5, Vụ Thanh toán và Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước) thông tin về Ngày không tiền mặt (16/6).
Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, thanh toán số đã trở thành xu hướng tất yếu. Số lượng và giá trị thanh toán không tiền mặt tăng qua các thời kỳ, cho thấy tốc độ tăng trưởng tốt. Bình quân một ngày ghi nhận gần 800.000 tỷ đồng. Năm 2022 cả nước có đến 4,8 tỷ giao dịch không tiền mặt, dự báo, năm 2023 có trên 8 tỷ giao dịch.
Theo ông Tuấn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ thanh toán không tiền mặt, nhất là thanh toán điện tử trong năm qua tiếp tục được chú trọng đầu tư, mở rộng, nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội. Tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng đạt 74,63%. Giao dịch thanh toán không tiền mặt tăng 53,51% về số lượng, trong đó, giao dịch qua kênh internet tăng 88,11% về số lượng và 7,43% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 65,55% về số lượng và 13,31% về giá trị... Tính đến cuối năm 2022, có 40 ngân hàng đã triển khai chính thức quy trình mở tài khoản thanh toán eKYC với hơn 11,9 triệu tài khoản thanh toán mở bằng eKYC đang hoạt động; có 22 ngân hàng triển khai chính thức mở thẻ eKYC với gần 10,8 triệu thẻ mở bằng eKYC đang hoạt động.
Tuy nhiên, mức độ phủ sóng thanh toán không tiền mặt chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, một số dịch vụ công, các trung tâm thương mại, hệ thống bán lẻ hiện đại.
Ở lĩnh vực bán lẻ thị trường nội địa, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, thành phố đã có những gia tăng nhất định trong hoạt động thanh toán không tiền mặt, cụ thể có gần 40% giao dịch không tiền mặt. Hầu hết các kênh bán lẻ hiện đại đã sử dụng giao dịch không tiền mặt, trong đó có tổng cộng 237 siêu thị, 47 trung tâm thương mại, hơn 3.000 cửa hàng tiện ích đã thực hiện. Riêng 60.000 tiểu thương đang kinh doanh ở 3 chợ đầu mối và 237 chợ truyền thống cộng với 14.000 cửa hàng tạp hóa có quy mô tương đối được Sở Công thương hỗ trợ sử dụng ứng dụng chợ truyền thống online. Đến nay, đã có 32 chợ ứng dụng nền tảng. Với ứng dụng này, tiểu thương không chỉ 6 tiếng hoạt động mà có thể hoạt động dài hơn với nhiều tương tác.
Thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách để thanh toán không tiền mặt đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để thiết lập hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, thống nhất nhằm tạo thuận lợi và thúc đẩy kết nối liên thông mang lợi ích tổng thể cho người dân, doanh nghiệp. Song song đó, mở rộng ứng dụng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động. Triển khai hiệu quả việc thí điểm dịch vụ Mobile-Money nhằm thúc đẩy thanh toán không tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công. Ngoài ra, ngành ngân hàng sẽ tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong ngành.