Văn hóa

Phú Thọ: Những “báu vật” ở Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng

Ngô Hùng - Tùng Vy - Ngọc Phúc 15/04/2024 08:15

Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng, quần thể đền, chùa thờ các vua Hùng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh (TP Việt Trì, Phú Thọ) là nơi lưu giữ nhiều “báu vật” hiếm có.

bau-vat-6.jpg
Đền Hùng, nơi thờ các vị vua Hùng đã có công dựng nước. Ngày 10/3 (Âm lịch) hằng năm, nơi đây sẽ tổ chức quốc lễ, ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Ảnh: Ngọc Phúc.
bau-vat-8.jpg
Những ngày cuối tuần, lễ, Tết... Đền Hùng thu hút rất đông du khách thập phương đến dâng hương, tưởng nhớ công ơn của các vua Hùng. Tuy nhiên, ít ai biết được, nơi đây còn lưu giữ nhiều "báu vật" hiếm có. Ảnh: Khôi Nguyên.
bau-vat-9.jpg
Trước cửa chùa Thiên Quang có cây vạn tuế được các nhà khoa học ước tính đã 800 tuổi. Cây cao hơn 5m, đường kính gốc khoảng 35 cm, thân nghiêng khoảng 30 độ. Đặc biệt, cây có ba nhánh tỏa ra các hướng, tượng trưng cho ba miền Bắc - Trung - Nam chung một cội nguồn. Ảnh: Ngô Hùng.
bau-vat-7.jpg
Ngày 19/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Đền Hùng, dưới cây vạn tuế Người nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô. Câu nói "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước" ra đời dịp này. Ảnh: Ngô Hùng.
bau-vat-11.jpg
Ngoài ra, rừng quốc gia Đền Hùng (rộng 538ha) có hệ thực vật đa dạng và phong phú với 636 loài cây thuộc 429 chi của 144 họ thực vật. Trong đó có 15 loài thực vật quý hiếm có tên trong sách đỏ, 204 loài cây có tác dụng làm thuốc, nhiều cây cổ thụ trên 100 năm tuổi. Rừng quốc gia Đền Hùng còn có 95 loài động vật có xương sống, trong đó có 7 loài quý hiếm cần được bảo vệ và 175 loài côn trùng. Ảnh: Tùng Vy.
bau-vat-4.jpg
Ở sân đền Trung (còn có tên gọi là Hùng Vương tổ miếu) có bộ bàn đá 8 chỗ ngồi. Tương truyền đây là nơi các vua Hùng cùng với các lạc hầu, lạc tướng bàn việc nước. Ảnh: Ngô Hùng.
bau-vat-3.jpg
Đền Thượng - nơi các vua Hùng làm lễ tế Trời đất, thần Núi và thần Lúa. Đây cũng là địa điểm chính diễn ra các nghi thức quan trọng nhất trong ngày giỗ Tổ hằng năm. Ảnh: Ngô Hùng.
bau-vat-2.jpg
Ở sân đền Thượng còn có Cột đá thờ. Theo tích xưa, Hùng Vương thứ 18 không có con trai, nghe lời con rể là Tản Viên nhường ngôi cho người cháu họ là Thục Phán. Cảm kích, Thục Phán dựng cột đá trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thề: Nước Nam sẽ trường tồn, miếu thờ Hùng Vương sẽ còn mãi. Tuy nhiên, dấu tích cột đá nguyên bản đã thất lạc. Năm 1968, cột đá thề được dựng mới như một biểu tượng đoàn kết dân tộc. Năm 2010, các chuyên gia tìm, dựng cột đá bằng mã não nguyên khối, có khả năng trường tồn với thời gian, thay thế cột đá thề trước đó. Ảnh: Ngô Hùng.
bau-vat-5.jpg
Tại đền Giếng, có Giếng Rồng, tương truyền đây là nơi Tổ Mẫu Âu Cơ sau khi sinh ra bọc trăm trứng nở thành trăm người con, đã dùng nước giếng tắm cho các con. Năm 2002, các nhà khoa học phát hiện trong lòng giếng nhiều dấu tích văn hóa. Ảnh: Ngô Hùng.
bau-vat.jpg
Ngoài ra, tại ngã 5 đền Giếng có bức phù điêu bằng đồng được làm dựa trên câu chuyện Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên phong mang nhiều ý nghĩa lịch sử cũng như lời căn dặn của Người về đạo lý "uống nước nhớ nguồn". Ảnh: Ngô Hùng.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phú Thọ: Những “báu vật” ở Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng