Hiện nay, tỉnh Phú Thọ có khoảng 4.300 ha bưởi các loại; trong đó, có khoảng 2.700 ha diện tích bưởi đã và đang cho thu hoạch.
Để khai thác lợi thế thổ nhưỡng đất ở từng vùng, từng địa phương, những năm gần đây ngoài những diện tích bưởi đặc sản Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ đã triển khai đồng loạt trồng giống bưởi Diễn nhằm phát triển cây bưởi trở thành cây trồng chủ lực.
Thanh Thủy là một trong những huyện triển khai trồng bưởi Diễn với quy mô khá lớn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Xác định là cây trồng mũi nhọn, những năm gầy đây, Thanh Thủy đã thực hiện quy hoạch, phát triển cây ăn quả thành vùng tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhiều gia đình đã chuyển đổi diện tích vườn tạp sang trồng cây bưởi có giá trị cao.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Thủy, đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân trồng và chăm sóc theo đúng quy trình để đảm bảo chất lượng cây trồng, phấn đấu đến hết năm 2020, diện tích trồng bưởi toàn huyện đạt 380 ha, năng suất đạt khoảng 135 tạ/ha, tổng sản lượng đạt trên 1.530 tấn, giá trị thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích đạt 300 - 400 triệu đồng/ha/năm.
Xã Trung Nghĩa là một trong những xã có nhiều lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển cây ăn quả, nhất là cây bưởi của huyện Thanh Thủy. Năm 2017, toàn xã có gần 40ha bưởi, đến năm 2019 diện tích bưởi của xã đã tăng lên gần gấp đôi; trong đó có tới 70% diện tích là bưởi Diễn.
Coi cây bưởi là loại cây chủ lực trong phát triển kinh tế, xã Trung Nghĩa sẽ tiếp tục khuyến khích bà con mở rộng diện tích, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ở xã Trung Nghĩa đã có một số hộ dân thành công trong việc liên kết sản xuất thực phẩm sạch, chất lượng cao, đem lại thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/năm.
Còn tại huyện Đoan Hùng, bưởi được xác định là cây trồng chủ lực với sản lượng bưởi quả năm 2019 ước đạt 20.000 tấn, tăng 25% so với năm 2018, giá trị sản phẩm ước đạt trên 300 tỷ đồng. Tổng diện tích bưởi hiện có trên địa bàn huyện đạt trên 2.450ha; trong đó diện tích cho thu hoạch là 1.600ha.
Thời gian qua, huyện đã xây dựng một số mô hình đầu tư, thâm canh, hỗ trợ bao bì, tem điện tử truy xuất nguồn gốc, thí điểm ký kết tiêu thụ sản phẩm. Năm 2019, sản phẩm bưởi đặc sản tiếp tục được vinh danh là một trong 75 thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam. Là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao song việc nâng cao giá trị kinh tế từ cây trồng này còn khó khăn do khâu liên kết sản xuất còn yếu, kỹ thuật áp dụng chưa đồng bộ.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Đoan Hùng cho biết, huyện khuyến khích nông dân liên kết thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh bưởi để tăng cường năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh, trên cơ sở đó sẽ tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp tiêu thụ gắn với vùng sản xuất theo hướng ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. “So sánh với các cây trồng khác, 1ha bưởi thu nhập cao gấp 6 lần trồng lúa, gấp 20 lần cây lâm nghiệp, gấp 5 lần cây chè…”, Ông Minh chia sẻ.
Tuy đạt được kết quả quan trọng song việc phát triển cây bưởi trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế khiến hiệu quả chưa xứng với tiềm năng. Trước hết, sản xuất bưởi chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ, phân tán, diện tích vùng trồng tập trung thấp.
Tư tưởng một số bộ phận nông dân còn mang tính tiểu nông, chưa chú trọng vào đầu tư thâm canh, sản xuất hàng hóa, xây dựng và phát triển thương hiệu. Diện tích trồng mới chủ yếu vẫn còn ở quy mô nông hộ, thiếu những mô hình sản xuất lớn có tính liên kết giữa các hộ trồng bưởi trong sản xuất và kinh doanh. Mức độ đầu tư cho cây bưởi chưa đúng mức so với cả chu trình phát triển của cây, việc ứng dụng các biện pháp kỹ thuật chưa đồng bộ…