Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, trên địa bàn huyện Cẩm Khê, Tam Nông, Yên Lập đã có mưa to kéo dài từ ngày 18 đến 21/7 gây thiệt hại về người, nhà ở, hoa màu cũng như các công trình giao thông công cộng. Ngay sau mưa lũ, chính quyền các địa phương cùng nhân dân đang tập trung khắc phục hậu quả, ổn định đời sống.
Lực lượng dân quân tự vệ tham gia giúp người dân dọn vệ sinh đường giao thông sau mưa lũ, đảm bảo giao thông thông suốt tại khu 11, xã Đồng Lương.
* Theo thống kê của huyện Cẩm Khê, toàn huyện có toàn huyện có 158ha lúa, hơn 105ha ngô, rau màu bị ngập, 174ha ao, hồ nuôi trồng thuỷ sản, 47ha cây trồng ven sông bị nhấn chìm; 60 nhà bị ngập, 21 nhà bị cô lập về giao thông. Tính đến thời điểm 13 giờ ngày 22/7, nước lũ đã rút khoảng 2m, hầu hết nhà dân không còn tình trạng ngập nước. Hiện các địa phương đang tập trung huy động lực lượng dân quân tự vệ, công an xã, cán bộ khu... cùng với nhân dân dọn dẹp nhà cửa, đường giao thông để sớm ổn định cuộc sống. Với diện tích lúa, hoa màu vẫn ngập cục bộ, huyện đang thực hiện các biện pháp để tiêu úng.
Người dân xã Đồng Lương, tập trung dọn bùn đất tại đường giao thông liên thôn.
Hỗ trợ người dân dọn dẹp nhà cửa.
* Tại huyện Tam Nông, mưa lũ cũng đã khiến 830 hộ dân tại các xã Tề Lễ, Quang Húc, Xuân Quang… phải di chuyển khẩn cấp, nhiều nhà bị ngập nước từ 1-3m; trên 150ha hoa màu bị thiệt hại. Đến sáng nay 22/7, nước lũ bắt đầu rút nhưng vẫn chậm, xã Quang Húc có 237 hộ bị ngập nước và vẫn có khoảng 30% số hộ nhà vẫn bị ngập do cống tiêu thoát chậm; xã Tề Lễ có 370 hộ vẫn đang bị ngập do nước rút chậm. Tại các trụ sở UBND xã, trường học, trạm y tế, bưu điện… nước đã rút, các lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ, công an xã, cán bộ xã… tập trung dọn dẹp, khắc phục. Hiện các địa phương đang tập trung tuyên truyền người dân khi lũ rút sớm dọn dẹp vệ sinh đồng thời huy động lực lượng để trợ giúp.
Lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ tham gia dọn dẹp tại trụ sở UBND xã Tề Lễ.
Các lực lượng được huy động cùng phối hợp hỗ trợ dọn dẹp tại trường THCS Tề Lễ.
Đoàn viên thanh niên và sinh viên tình nguyện vệ sinh trường tiểu học Quang Húc sau khi lũ rút.
Công nhân Điện lực Tam Nông kiểm tra hành lang tuyến đảm bảo an toàn khi đóng điện tại xã Quang Húc.
* Tại huyện Yên Lập, mưa lũ đã khiến 80 hộ dân tại 3 thôn thuộc khu 12 của xã Ngọc Đồng bị cô lập. Sau khi nước rút, UBND huyện đã tổ chức thăm hỏi những gia đình bị thiệt hại do mưa lũ; chỉ đạo huy động các lực lượng hỗ trợ người dân dọn dẹp vệ sinh, chuyển đồ đạc về nơi ở cũ đảm bảo giúp người dân sớm ổn định cuộc sống; lực lượng y tế huyện triển khai các biện pháp tiêu độc khử trùng, đảm bảo vệ sinh môi trường sau mưa lũ. Đối với các tuyến đường giao thông bị sạt lở, triển khai các phương án, san gạt đất đá, đảm bảo giao thông thông suốt
* Tiếp tục khắc phục những hậu quả do mưa lũ, sáng ngày 22/7, huyện Tân Sơn đã thành lập 4 đoàn công tác đến trực tiếp cơ sở chỉ đạo ứng phó, khắc phục thiệt hại, kiên quyết di dời các hộ dân vẫn ở khu vực nguy cơ sạt lở cao; kịp thời thăm hỏi, động viên các hộ dân bị thiệt hại về người và tài sản, chỉ đạo địa phương tiếp tục lập rào chắn, cảnh báo nhanh các điểm sạt lở ta luy, thực hiện vệ sinh môi trường, không để xảy ra dịch bệnh sau mưa lũ… Hiện toàn huyện có 5 xã với khoảng 9.000 hộ bị chia cắt; còn nhiều tuyến đường bị sạt lở; không còn mưa, mực nước trên các sông, suối rút nhanh, tuy nhiên vẫn còn một số điểm có nguy cơ sạt lở rất cao như: Xóm Dù, Lạng - xã Xuân Sơn, xóm Nhàng - xã Kim Thượng, xóm Bãi Muỗi - xã Xuân Đài… Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện thực hiện duy trì trực ban nghiêm túc 24/24h, tiếp tục theo dõi chặt chẽ, chủ động phương án ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ và kịp thời báo cáo tỉnh.
Đối với những hộ có người bị thiệt mạng và nhà bị sập đổ hoàn toàn, huyện cùng địa phương, các cơ quan, ban ngành đã kịp thời đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ khẩn cấp mỗi hộ 10 triệu đồng để bà con ổn định cuộc sống... Với hơn 700ha lúa bị thiệt hại, huyện có kế hoạch hỗ trợ 10 triệu đồng/ha để người dân khôi phục sản xuất. Đối với những diện tích không thể khắc phục, huyện và địa phương hướng dẫn người dân chuyển sang trồng màu và các cây trồng khác phù hợp với thực tế cơ sở.
Cầu treo khu Bến Gạo, xã Văn Luông, huyện Tân Sơn bị hư hỏng nặng.
Theo ông Nguyễn Tài Thu - Phó Chủ tịch UBND xã Thu Cúc, đêm ngày 20, rạng ngày 21/7, trên địa bàn xã có mưa to đến rất to, nhờ chủ động trực 24/24h, thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ nên đã hạn chế tối đa thiệt hại xảy ra. Tuy nhiên do ngập lụt, toàn xã có hơn 200ha lúa, ngô cùng nhiều diện tích hoa màu bị thiệt hại (trong đó khoảng 76ha mất trắng do nằm ở ven sống, suối), trôi mất 7 cột điện và nhà văn hóa khu Ú…; trên tuyến QL 32 đi Sơn La bị sạt 4 điểm, gây gián đoạn về giao thông. Ngay sau đó, chính quyền xã và các đoàn thể, cùng với người dân đã có mặt kịp thời hỗ trợ người dân di chuyển tài sản, đưa người đến nơi an toàn, phối hợp với Đội 5 giao thông của Công ty CP đường bộ Phú Thọ tích cực xử lý các điểm sạt lở, đến sáng ngày 22-7 cả 4 điểm cơ bản đã thông xe ô tô đi được, tình hình an ninh trật tự đảm bảo an toàn. Hiện nay, các cán bộ xã tiếp tục xuống các khu dân cư nắm bắt tình hình, thống kê thiệt hại để có giải pháp xử lý kịp thời. Về sản xuất nông nghiệp, xã vận động, hướng dẫn người dân khắc phục những diện tích có thể, như gieo thẳng lúa và chuyển đổi sang cây trồng khác những diện tích không thể khắc phục, không để trống diện tích…
* Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Thanh Sơn, từ ngày 18 đến ngày 21/7, do hoàn lưu cơn bão số 3 trên địa bàn huyện đã có mưa lớn xảy ra gây ngập úng, sạt lở đất... Đến 13h00' ngày 22-7, toàn huyện bị thiệt hại: Ngập 3.509 hộ; 6 doanh nghiệp (ván bóc, xây dựng, chế biến và kinh doanh thịt chua) bị thiệt hại; về cơ sở hạ tầng, 10 điểm giao thông tại các xã Sơn Hùng, Địch Quả, Hương Cần, Yên Sơn, Tân Minh, Thượng Cửu; 5 trường học bị ngập úng hỏng hoàn toàn sách, tài liệu và trang thiết bị dạy học; đổ 150m tường rào Trạm Y tế xã Sơn Hùng, trụ sở Công an huyện; hỏng 1 máy phát điện và gây thiệt hại hệ thống điện tại 6 xã (đổ, gãy cột, dây đường cao thế, hạ thế, công tơ, thiết bị, phương tiện…); ngập 3.600 xe máy, ô tô; về nông nghiệp, ngập 523,8ha lúa và 254,6ha ngô, thiệt hai trên 2.000 con lợn và trên 36.600 con gia cầm, trên 34ha ao nuôi thả cá… Ước tổng thiệt hại trên địa bàn huyện là 326,32 tỷ đồng.
Các chiến sỹ dọn rửa bùn, đất tại nghĩa trang liệt sỹ huyện Thanh Sơn.
Ông Đỗ Văn Tuần, khu Khánh, thị trấn Thanh Sơn cho biết: Được các cấp chính quyền cảnh báo, từ tối ngày 20/7, gia đình đã sẵn sàng trong tư thế di sản tài sản. Nhưng đến khoảng 2h sáng ngày 21/7, nước bắt đầu lên và lên rất nhanh, đến 6h sáng đã ngập mái nhà, gia đình hầu như không kịp sơ tán tài sản… Theo nhiều người dân thị trấn Thanh Sơn cho biết, từ năm 1975 đến nay mới xảy ra tình trạng nước lên nhanh và mạnh như vậy, hầu như người dân không kịp sơ tán tài sản, nhiều diện tích của thị trấn Thanh Sơn ngập sâu khoảng 2m trong nước lũ.
Chính quyền và người dân hỗ trợ gia đình bà Nguyễn Thị Việt ở xóm Khuôn, xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn di chuyển đồ đạc khi nước lên.
Có mặt chỉ đạo tại hiện trường, theo lãnh đạo UBND huyện Thanh Sơn, hơn 40 năm qua mới thấy nước lũ lên rất nhanh như trận lũ năm nay. Nhờ chuẩn bị từ trước nên trên địa bàn huyện không có thiệt hại về người. Hiện nay, huyện đang tích cực phối hợp với lực lượng bộ đội, công an di chuyển người và nhiều tài sản đến nơi an toàn, kịp thời đưa nhiều người đi cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện… Huyện đã tập trung chỉ đạo khắc phục sau mưa lũ, đối với các xã, thị trấn (đặc biệt là các xã bị ảnh hưởng nặng như: Sơn Hùng, Thục Luyện và Thị trấn Thanh Sơn) tiếp tục huy động lực lượng dân quân phối hợp với bà con khắc phục ngay các điểm ngập khi nước rút, dọn dẹp môi trường, nhà xưởng, tiến hành khử trùng tiêu độc…; tiếp tục rà soát, thống kê tài sản bị thiệt hại, theo dõi diễn biến mưa lũ trên địa bàn và báo cáo hàng ngày (sáng 9h - chiều 15h) tình hình thiệt hại và công tác khắc phục về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện. Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện phối hợp với thành viên Ban chỉ đạo phân công trực 24/24h theo quy định, nắm bắt kịp thời diễn biến thời tiết, tổng hợp báo cáo tình hình thiệt hại; đề xuất phương án hỗ trợ khắc phục sau thiên tai...
* Tại huyện Hạ Hòa: Theo thống kê, trên địa bàn huyện Hạ Hòa đã có 332 hộ dân phải di dời, gần 800 ngôi nhà có nguy cơ bị ngập; 32 nhà bị tốc mái; 11 cột điện bị gãy đổ; gần 500ha lúa, 135ha ngô, 15ha lạc, 90ha cây ăn quả bị ngập và 159ha thủy sản bị tràn.
Hiền Lương là địa phương có số hộ dân phải di dời và ngập nhiều nhất trong cơn lũ vừa qua, toàn xã có trên 1.000 hộ thì có đến hơn 1/3 số hộ bị ngập. Trong đó, có 18 ngôi nhà bị ngập hoàn toàn, phải sơ tán cả người và tài sản. Sau gần 2 ngày thức trắng chờ nước rút, giờ đây người dân lại dồn sức hối hả cào bùn, gánh đất, quét dọn nhà cửa, kê lại đồ đạc, giặt giũ chăn màn, quần áo, hong khô lúa và các đồ dùng tránh bị ẩm mốc gây hư hỏng.
Ông Nguyễn Xuân Lương ở khu 1, là hộ dân bị ngập hoàn toàn cho biết: “Nhà tôi bị ngập từ chiều ngày 20-7, sau hơn 1 ngày thì nước bắt đầu rút nhưng vì có nhiều bùn đất, rác và cây cối mắc lại nên vẫn chưa thể dọn đồ về nhà được. Gia đình tôi phải đi mượn bàn trang, cây kéo, máy bơm, xô chậu các loại dọn dẹp bùn đất, quét đi, quét lại nhiều lần mới có thể đi lại và sinh hoạt. Phần tường nhà bị ngập cũng đã bị chuyển sang màu bùn đất...”.
Dọc các tuyến đường trục xã, liên thôn, ngõ xóm, người dân cũng đang tích cực quét dọn, thu gom, xử lý cây cối, rác thải sau cơn lũ.
Ông Lê Đăng Hùng - Chủ tịch UBND xã cho biết: Ngay sau khi nước rút, chúng tôi đã huy động toàn bộ lực lượng công an, dân quân tự vệ, đoàn viên, thanh niên và người dân tham gia vệ sinh môi trường, giúp đỡ các gia đình vận chuyển đồ đạc. Đối với các hộ neo đơn, người già, xã phân công từng nhóm người để giúp đỡ người dân từng bước ổn định sống.”
Lực lượng công an, dân quân tự vệ, cán bộ xã, đoàn thanh niên giúp đỡ người dân xã Hiền Lương quét dọn đường đảm bảo nhu cầu đi lại.
Để khắc phục hậu quả sau mưa lũ, huyện Hạ Hòa đã phối hợp với các địa phương huy động nguồn nhân lực tại chỗ gồm: Công an, dân quân tự vệ, thanh niên và người dân ở các địa phương ít bị ảnh hưởng đến giúp đỡ các xã bị thiệt hại sửa chữa nhà cửa, cào bỏ bùn đất, thu dọn, xử lý rác, xác động vật và khử trùng nguồn nước. Các cán bộ y tế từ huyện đến cơ sở trực tiếp đến các khu dân cư bị ngập hướng dẫn người dân ăn chín, uống sôi, sử dụng nước sạch để đề phòng dịch bệnh; nhanh chóng xử lý, khắc phục các sự cố về đường giao thông, hệ thống lưới điện, đảm bảo cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Đối với sản xuất, huyện chỉ đạo các địa phương thực hiện chăm sóc, phục hồi, phòng trừ sâu bệnh cho các diện tích lúa và hoa màu có khả năng khôi phục; các diện tích bị mất trắng, nhanh chóng chuyển sang các loại cây ngắn ngày để đảm bảo đúng khung lịch thời vụ; gia cố bờ ao, chuẩn bị nguồn giống khôi phục lại diện tích thủy sản đã bị thiệt hại…
* Tại huyện Thanh Ba: Đợt mưa lũ vừa qua, huyện Thanh Ba đã có trên 110 ha lúa, 140 ha ngô, 52 ha lúa bị ngập úng; 18 hộ dân ở các xã Mạn Lạn, Hoàng Cương, Vũ Yển đã phải di dời.
Khu 9, xã Mạn Lạn địa phương bị ảnh hưởng nặng nề. Toàn khu có hơn 100 hộ thì có đến hơn nửa số hộ bị ngập, nhiều hộ phải di dời toàn bộ người và tài sản. Nhiều vườn đỗ, cà, rau màu của người dân đến ngày thu hoạch đều bị bùn lũ san phẳng. Bắt đầu từ 15h ngày 21/7, nước lũ có chiều hướng rút, các hộ dân đã tập trung quét dọn, tránh để lâu bùn đất khô cứng khó xử lý và mùi hôi thối bốc lên. Nhiều hộ nằm ven sông, lượng bùn đất nhiều, dày từ 10-20cm, người dân phải dùng máy hút bùn mới có thể di chuyển được ra khỏi khu vực trong nhà và ngoài sân.
Đến sáng ngày 22/7, một số tuyến đường ngõ xóm ở khu 9, vẫn trong tình trạng lầy lội bùn đất, các hộ dân cơ bản đã trở về nhà dọn dẹp, ổn định cuộc sống.
Gia đình ông Nguyễn Quang Vinh ở khu 9, xã Mạn Lạn sử dụng máy bơm để hút nước, bùn đất ra khỏi sân.
Tại các địa phương khác bị ảnh hưởng do mưa lũ, công tác khắc phục thiệt hại cũng đang được khẩn trương thực hiện. Dự báo, thời gian tới tình hình thời tiết có những diễn biến phức tạp vì vậy bên cạnh các biện pháp khắc phục, các địa phương cần chủ động các biện pháp phòng chống nhằm giảm thiểu thiệt hại xuống thấp nhất.