UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị yêu cầu các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn để đảm bảo cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp năm 2020 và thời gian tới đạt hiệu quả.
Đập Đồng Cam - công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Phú Yên.
Theo nội dung Chỉ thị, trong năm 2020, số đợt nắng nóng có thể xảy ra 7-9 đợt và có khả năng xuất hiện 3-5 đợt nắng nóng kéo dài. Tình hình thiếu nước, khô hạn là rất lớn, khả năng xâm nhập mặn sâu vào vùng cửa sông, ven biển. Do đó công tác đảm bảo nước tưới cho vụ Đông Xuân 2019-2020 cũng như vụ Hè Thu 2020 trong thời gian tới gặp nhiều khó khăn, nhất là các vùng có công trình thủy lợi nhỏ xa nguồn cung cấp.
UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm kê, đánh giá thực trạng nguồn nước tại các hồ chứa, hệ thống thủy lợi trên địa bàn, tính toán cân bằng nước để điều chỉnh, bổ sung phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với thực tế nguồn nước, đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; có kế hoạch phân phối nước và điều chỉnh hợp lý nguồn nước bị thiếu hụt để đảm bảo cung cấp nước đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu (sinh hoạt, chăn nuôi…), sản xuất nông nghiệp năm 2020 và thời gian tới.
Đồng thời, chủ động rà soát phương án chống hạn để xây dựng kịch bản ứng phó, giải pháp trước mắt và lâu dài; có giải pháp đảm bảo cấp nước sinh hoạt tới từng hộ, thôn, bản, xã ở các vùng thường xuyên thiếu nước sinh hoạt (đặc biệt chú ý vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển).
Trường hợp cấp bách không còn nguồn nước cho sinh hoạt, cần có phương án sử dụng phương tiện chở nước đến từng cụm dân cư. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Lập Đề án các công trình cấp nước tập trung theo thứ tự ưu tiên để đăng ký dự án bằng nguồn ngân sách và huy động nguồn vốn khác trong thời gian tới.
Các đơn vị quản lý khai thác công trình thuỷ lợi, các địa phương phải lập và thực hiện nghiêm túc các phương án chống hạn đã đề ra; kiểm tra các phương tiện bơm tưới, thường xuyên bảo dưỡng máy móc, tu sửa công trình, xử lý các sự cố hư hỏng; tuyệt đối không để tình trạng phải cấp nước đồng thời trên toàn khu vực làm quá tải năng lực của hệ thống thủy nông gây ra sự cố công trình, kênh mương dẫn tới việc cấp nước không kịp thời gây hạn cục bộ.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương chủ động sử dụng kinh phí từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn kinh phí hợp pháp khác để tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn; trường hợp nguồn kinh phí vượt quá khả năng của địa phương báo cáo về Sở NN và PTNT tổng hợp, gửi Sở Tài chính tham mưu trình UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ theo quy định.
Quang Khánh