Thông tin về việc phục dựng Thành Cổ Loa đang thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu và nhiều người dân sinh sống trong khu vực di tích. Tiếp theo số báo 307, Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Lại Quang Tới - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).
Khu di tích Thành Cổ Loa.
PV: Thưa ông, trong qui hoạch tổng thể khu di tích Thành Cổ Loa, dù chỉ đặt ra việc phục dựng một số đoạn trong thành nội, nhưng chừng ấy cũng đủ để “đánh thức” một tòa thành cổ nhất, độc đáo nhất trong lịch sử Việt Nam?
PGS.TS Lại Quang Tới: Tôi hoàn toàn đồng tình với việc phục dựng lại di tích Thành Cổ Loa vì đây là vấn đề mà lịch sử để lại. Bởi nếu ta không qui hoạch thì với kiểu quản lý di tích của chúng ta hiện nay chính người dân dù vô tình hay cố ý cũng sẽ phá di tích.
Tuy nhiên, không hẳn là lỗi của người dân mà đây cũng là một vấn đề bất cập trong việc quản lý đất đai đặc biệt là với các di tích. Bởi khi các cấp xã, cấp huyện đã cấp sổ đỏ cho người dân thì người dân có quyền xây dựng trên mảnh đất thuộc sở hữu của họ.
Ở đây chính là sự thiếu đồng bộ trong việc phối hợp giữa Ban quản lý di tích và chính quyền địa phương. Thế nhưng ở trường hợp khu di tích Thành Cổ Loa, nếu di dời các hộ dân đang sinh sống trong lòng di tích tôi hoàn toàn không đồng tình.
Vậy theo ông, làm thế nào để vừa phục dựng Thành Cổ Loa trở thành công viên lịch sử- sinh thái- nhân văn, vừa duy trì cuộc sống của người dân trong lòng di tích mà không ảnh hưởng đến quá trình bảo tồn?
- Căn cứ vào điều kiện thực tế nếu giải phóng toàn bộ cư dân ở di tích Cổ Loa sẽ tốn rất nhiều kinh phí. Trong đó có một vấn đề đặt ra là chưa chắc Ban quản lý di tích đã bảo vệ tốt di tích bằng chính người dân. Hiện nay, trong việc qui hoạch các di tích luôn đặt ra một vấn đề là sẽ tạo nên một cuộc sống cộng sinh trong việc gìn giữ di tích và người dân. Bởi chúng ta khai thác di tích không chỉ ở vấn đề lịch sử, văn hóa mà cả về du lịch.
Ví dụ như nơi thờ An Dương Vương Thục Phán rải ở cả 8 xã tại Cổ Loa. Mặc dù các di tích thờ tự này chỉ có niên đại từ thế kỷ thứ 17, 18 nhưng đây là một trong những thành tố cấu thành nên hệ thống di tích thành Cổ Loa và nhà nước Âu Lạc. Vì vậy, điều đó đặt ra một băn khoăn rõ ràng là nếu di dời hết dân thì có nên di dời những di tích đó đi không?
Mặt khác, tôi muốn nói vai trò chính quyền và những người quản lý di tích, ngoài trách nhiệm là bảo tồn thì họ còn phải phát huy được sức mạnh cộng đồng để bảo vệ di tích. Trong đó điều quan trọng nhất là hãy việc gắn quyền lợi của người dân vào di tích. Đơn cử như khuyến khích người dân tổ chức khôi phục những làng nghề. Lúc đó bản thân chính người dân sẽ là những chủ thể chính.
Ở đây vấn đề là chúng ta là có hạn chế việc xây nhà bê tông, kiên cố hay không hay vẫn bảo lưu những ngôi nhà lợp ngói truyền thống của vùng Đồng Bằng Bắc Bộ. Tôi được biết hiện nay ở Cổ Loa vẫn đang còn lưu giữ nhiều ngôi nhà có niên đại từ thế kỷ 18, 19 bằng gỗ. Vậy tại sao chúng ta không khai thác chính những tài nguyên này trong phát triển du lịch mà chỉ nghĩ đến việc giải phóng dân.
Theo tôi, bây giờ không thể giải phóng được mà chỉ nên hạn chế xây nhà cao tầng. Các ngôi nhà của người dân trong khu vực di tích Cổ Loa là không thể di chuyển. Chúng ta nên phát huy khả năng, năng lực, điều kiện của những ngôi nhà đó để góp phần bảo vệ thành Cổ Loa và khai thác du lịch. Được biết trên thế giới cũng chưa có quốc gia nào “đuổi” dân ra khỏi di tích cả.
Thưa ông, các chuyên gia đã nhận định, khả năng phục dựng Thành Cổ Loa có khả năng đạt được 70%. Theo ông khó nhất trong việc phục dựng công trình này là gì?
- Công việc phục dựng phụ thuộc nhiều vào kinh phí và năng lực những người trực tiếp thực hiện phục dựng. Trong đó, quan trọng nhất là việc nghiên cứu rõ kỹ thuật đắp thành thời An Dương Vương như thế nào để quyết định phương thức để phục hồi. Bài toán ở đây là chúng ta phục hồi bằng phương thức thủ công của ngày xưa hay đào bằng máy móc.
Trong đó, quan điểm của tôi là “đắp xong chưa chắc đã xong” mà còn phải theo dõi để xem xem để có được một kinh thành trường tồn hàng ngàn năm như thì đã phải chịu những tác động của thời tiết, môi trường, xã hội như thế nào? Rõ ràng, khi đắp xong cần có một quá trình để theo dõi.
Trước đây chúng ta đã nghiên cứu về địa tầng Cổ Loa, về cách thức đắp thành. Do đó, trước mắt chúng ta cứ căn cứ theo những tài liệu nghiên cứu để thực hiện. Tuy nhiên, chúng ta nên chú trọng sự liên kết chặt chẽ giữa bên thi công và các nhà chuyên môn kể từ khi khởi công cho đến lúc kết thúc.
Trong đó, việc quan trọng nhất là việc kiểm tra tốc độ lún trong vòng một tuần, một tháng hay khi nắng, khi mưa phải có máy móc tính toán rõ ràng cụ thể. Bởi sự trường tồn của thành Cổ Loa đến nay vẫn còn vững chắc như vậy thì khối lượng đất đá trước đây phải cao hơn số lượng thực tế rất nhiều.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải có những thử nghiệm ở từng khu vực, chứ không nên làm ào ào, từ đó mới rút được kinh nghiệm và tìm ra phương pháp hiệu quả nhất.
Trân trọng cảm ơn ông!