Hiện nay, các vườn dừa tại Bến Tre đã phục hồi sau đợt hạn mặn kéo dài từ đầu năm 2020. Người trồng dừa đang tích cực áp dụng các giải pháp ngăn mặn trữ ngọt, chuyển sang canh tác theo hướng hữu cơ giúp dừa có khả năng chống chịu mặn trong thời gian tới.
Nhìn đọt dừa xanh trở lại, trái dừa to hơn trước, ông Nguyễn Văn Thanh, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) mới có thể ngủ ngon giấc. Ông Thanh cho biết, sau đợt hạn mặn kéo dài hơn 6 tháng từ đầu năm 2020, hơn 1,4 ha vườn dừa khô nguyên liệu của gia đình bị ảnh hưởng mặn, dừa nhỏ trái kích thước trọng lượng chỉ bằng 1/3 so với trái dừa bình thường.
Thu nhập từ vườn dừa giảm nghiêm trọng, do dừa quá nhỏ thương lái không mua, nếu mua góp chung 3 trái chỉ tính giá 1 trái dừa bình thường. Nhưng theo ông Thanh, hiện nay dừa đã dần phục hồi sau hạn mặn, các đợt trái sau này đã to lên, thương lái không còn chê như trước đây.
Ông Thanh cho hay, sau hạn mặn ông tập trung các giải pháp cứu cây dừa để dừa nhanh chóng phục hồi như: rải vôi, bón phân đúng cách… kết hợp trời mưa nhiều nên cây dừa của ông dần hồi phục, đọt dừa không bị teo lại, dừa vẫn cho ra đồng đều.
Ông Thanh chia sẻ, mặc dù là cây dừa chịu mặn, nhưng sau khi hết mặn phải chăm sóc bón phân tưới nước để dừa giải độc, rửa phèn, mặn không tích tục trong đất, nên cây mới nhanh chóng phục hồi. Bên cạnh đó, do năm trước ông Thanh không đắp đập ngăn mặn nên để nước mặn vào sâu trong vườn dừa ảnh hưởng đến phát triển của cây. Hiện tại ông Thanh cho đắp đập ngăn mặn, tích trữ nước ngọt để ứng phó hạn mặn trong thời gian tới.
Theo ông Trần Văn Hùng, xã Định Thủy huyện Mỏ Cày Nam, so với cây trồng khác (bưởi, chôm chôm, sầu riêng…) cây dừa có khả năng hồi phục sau mặn nhanh hơn. Mặt khác, cây dừa mỗi tháng sẽ cho một lần quả, vì vậy nếu bị ảnh hưởng một vài tháng, các tháng còn lại nếu chăm sóc tốt các đợt quả sau sẽ không bị ảnh hưởng đến chất lượng. Ngoài ra, nếu trồng theo phương pháp hữu cơ khả năng chống chọi với hạn, mặn trong cây dừa sẽ tăng cao, cây dừa ít bị ảnh hưởng hơn.
Ông Hùng chia sẻ, sau bốn tháng cây dừa bị ảnh hưởng hạn mặn, trái dừa nhỏ đi. Nhưng hiện tại vườn dừa hơn 1 ha của ông Hùng đã phục hồi hơn 85% diện tích, sau 1 tháng nữa cây dừa trở lại cho trái bình thường. Ông Hùng đã tập trung cho ngăn đập cao hơn lúc trước để tránh nước mặn tràn vào, kết hợp bón phân hữu cơ giúp cây dừa tập trung dinh dưỡng, vượt qua hạn, mặn trong mùa tới.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, toàn tỉnh Bến Tre có hơn 72 nghìn ha dừa, diện tích dừa thu hoạch hơn 65 nghìn ha, đa số là dừa khô nguyên liệu, với sản lượng hơn 600 triệu trái/năm. Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay cây dừa tại Bến Tre đang phục hồi rất tốt sau đợt hạn mặn kéo dài từ đầu năm, tùy theo từng vùng trồng có khả năng từ đầu tháng 1/2021 cây dừa sẽ phục hồi hoàn toàn.
Ông Đức phân tích, cây dừa sẽ cho khoảng 12 đợt trái trong năm. Do đó, nếu bị ảnh hưởng hạn mặn, cây dừa sẽ mất vài tháng để phục hồi, các tháng sau sẽ cho trái bình thường. Ông Đức cũng khuyến cáo, để giúp cây dừa ứng phó tốt với hạn, mặn người dân cần chăm sóc, bón phân cây dừa sau khi hạn mặn diễn ra để cây dừa nhanh chóng phục hồi.