Phum sóc khởi sắc

Phương Nghi 18/08/2015 15:17

Những ngày này, về với các ấp, xóm, phum sóc ở Cà Mau, nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, điều cảm nhận đầu tiên cuả chúng tôi là diện mạo các phum sóc đang khởi sắc, đời sống của người dân nông thôn không ngừng được cải thiện.

Diện mạo nông thôn xã Thanh Tùng khởi sắc có sự đóng góp rất nhiều của người dân

Trên tuyến đường nhựa phẳng lì, chúng tôi đến xã Khánh Hòa (huyện U Minh) điểm sáng thoát nghèo vùng dân tộc ở Cà Mau. Trước đây, hầu hết bà con trong xã sống bằng nghề nông nhưng ruộng đất ít, nên cái nghèo đeo bám từng hộ. Tới mùa lúa là bà con lại đi gặt lúa thuê, đi làm đồng thuê, đào ao nuôi tôm...Lúc có việc làm thì có tiền chi xài, lúc hết mùa vụ thì không có việc, phải mượn ăn trước trả sau.

Bí thư Đảng ủy xã Khánh Hòa Trần Văn Thuộc cho biết: “Giờ thì đến Khánh Hòa đường sá đi lại dễ dàng, đường nhựa về đến tận trung tâm xã nên học sinh đi học đều lắm, các lớp học không còn vắng hoe hoắt như xưa. Đó là chưa kể đến việc hàng nông sản được chuyển đi nhanh chóng, bán được giá. Quan trọng nhất là người Khmer không còn cảnh đi làm thuê, làm thời vụ để kiếm cơm nữa. Bà con đang chủ động làm giàu cho mình”.

Còn trong phong trào xóa hộ đói, giảm hộ nghèo thì không thể không kể đến xã Khánh An (huyện U Minh) đã có nhiều cách làm hay trong việc tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ nông dân liên kết với doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt, lãnh đạo địa phương còn phân công đảng viên giúp đỡ hộ nghèo; mỗi chi bộ giúp ít nhất 1 hộ thoát nghèo trong năm; tạo việc làm cho lao động bằng cách phối hợp với doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tuyển lao động là người địa phương, giới thiệu việc làm trong và ngoài tỉnh…Từ cách làm trên, Khánh An đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 13,38% (năm 2010) xuống còn 3,63% (năm 2014), đạt được 16/19 tiêu chí, phấn đấu đến cuối năm 2015 đạt chuẩn NTM.

Chùa Rạch Giồng (xã Hồ Thị Kỷ) nơi sinh hoạt tôn giáo của đồng bào dân tộc Khmer được tu sửa, trang trí đẹp hơn

Xã Hồ Nhị Kỷ (huyện Thới Bình) trong những năm qua cũng nổi lên như một điểm sáng của Cà Mau. Ông Hữu Thảo – Chủ tịch xã cho biết: “Những năm qua, xã Hồ Thị Kỷ được Nhà nước đầu tư hệ thống lưới điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng khang trang. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer đã giảm rõ rệt nhờ thực hiện có hiệu quả Chương trình 134 và 135 của Chính phủ. Từ đó, diện mạo vùng đồng bào dân tộc ngày càng khởi sắc, đổi mới hơn so với những năm trước đây; niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Nhà nước được củng cố và nâng cao”.

Tâm trạng phấn khởi chị Trương Thị Chắc ở ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỷ vui vẻ nói: “Được chính quyền địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện cho vay vốn đầu tư sản xuất nên hiện tại cuộc sống gia đình tôi đã ổn định, sản xuất phát triển, có của ăn của để, sửa sang lại nhà cửa khang trang đón Tết”. Còn ông Lý Thăng Trắng – Trưởng ban quản pháp Chùa Rạch Giồng, xã Hộ Thị Kỷ cho biết: “Vừa rồi, chúng tôi tiến hành trùng tu, sửa chữa lại Chùa Rạch Giồng cho khang trang, được bà con bổn đạo rất đồng tình ủng hộ”.

Còn ở xã Thanh Tùng (huyện Đầm Dơi) ngoài sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, sự hỗ trợ tích cực của cấp uỷ, chính quyền địa phương, cộng với ý chí tự lực vươn lên của các hộ nghèo mà trên địa bàn xã đã có không ít hộ thoát nghèo bền vững. Nếu như năm 2013, hộ nghèo là 303 hộ, chiếm hơn 13%, cận nghèo 96 hộ, chiếm 4,1%, thì đến cuối năm 2014 Thanh Tùng chỉ còn 228 hộ nghèo giảm gần 4% và cận nghèo còn 66 hộ giảm hơn 1%.

Bà con Khmer đón đón tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây

Trao đổi với chúng tôi Phó Chủ tịch UBND Huỳnh Minh Lạc cho biết: “Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Những năm gần đây, Thanh Tùng thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, trong đó mỗi ấp đều có phân công cấp uỷ viên phụ trách và mỗi đảng viên của Chi bộ ấp thì nhận giúp đỡ ít nhất 1 hộ nghèo”. Ðiển hình ở ấp Tân Ðiền B có anh Ngô Văn Mực (hộ nghèo người dân tộc Khmer), từ 7 công đất sản xuất ban đầu, hiện nay anh đã có trong tay 2 ha đất nuôi tôm, cua, cá kết hợp, bình quân mỗi năm thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng. Riêng mô hình nuôi sò huyết xen canh của anh bình quân mỗi vụ nuôi thu nhập từ 20 - 30 triệu đồng. Từ 1 hộ nghèo, nhờ chí thú làm ăn, cần cù lao động, nay gia đình đã trở thành hộ giàu. Không chỉ làm giàu cho riêng mình, anh còn hỗ trợ cho 10 hộ dân tộc nghèo mượn vốn sản xuất, bình quân mỗi hộ từ 4 - 5 triệu đồng; trực tiếp giúp đỡ 1 hộ dân tộc nghèo.

Thời gian qua, các cấp, các ngành ở Cà Mau tập trung nhiều giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc, cơ sở hạ tầng được xây dựng đồng bộ, đời sống của nhân dân được cải thiện đáng kể, vùng đồng bào dân tộc đã có bước phát triển về mọi mặt.

Ông Triệu Quang Lợi - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cà Mau cho biết: Năm 2014, việc triển khai thực hiện các chính sách cho vùng và hộ đồng bào dân tộc đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, đã tiến hành hỗ trợ cho 11.436 hộ với số tiền 4,338 tỷ đồng, giao đất cho 146 hộ, với diện tích được giao là 343.001m2; Chương trình 135 đã đầu tư 11 tỷ đồng phát triển cơ sở hạ tầng cho 11 xã đặc biệt khó khăn…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phum sóc khởi sắc