Ngày 21/7, TP Cần Thơ phong toả 1 xã vì nơi đây xuất hiện 1 ca dương tính SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Có thể phương pháp phong toả này sẽ làm cho người dân bất ngờ, nhưng chỉ có cách này mới mong truy vết và ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 sang các địa phương khác trong bối cảnh rất khó truy vết các nguồn lây.
“Đưa chợ ra phố”
Ông Nguyễn Thành Út, Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, TP Cần Thơ cho biết, đơn vị đã ký quyết định áp dụng biện pháp phong tỏa toàn bộ xã Trường Xuân để phòng dịch Covid-19 ngay sau khi ở xã này xuất hiện ca dương tính với SARS-CoV-2.
Xã Trường Xuân có diện tích trên 2.800ha, gồm 3.215 hộ với trên 12.328 nhân khẩu. Thời gian áp dụng từ 0h ngày 20/7 cho đến khi có thông báo mới.
Hiện tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP Cần Thơ đang diễn biến rất phức tạp. Tính từ ngày 8/7 đến ngày 20/7, thành phố có 217 trường hợp mắc Covid-19. Trước đó, ngày 20/7, Cần Thơ đã có 2 trường hợp tử vong đầu tiên do mắc Covid-19.
Mới đây một bệnh viện dã chiến ở quận Bình Thủy với quy mô khoảng 100 giường cũng đã được Cần Thơ cho kích hoạt và tiếp nhận bệnh nhân. Thành phố đang tiếp tục thành lập Bệnh viện dã chiến Cái Răng để điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn.
Thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ các chợ truyền thống và các cửa hàng bán đồ thiết yếu bị đóng cửa, để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn thực phẩm hàng ngày, TP Cần Thơ đã đưa vào thí điểm mô hình “đưa chợ ra phố” trên một số tuyến đường lớn như đường Trần Văn Hoài, quận Ninh Kiều hay quận Bình Thuỷ.
Tại đây, các gian bán hàng bán đủ các loại thực phẩm tươi, sạch phục vụ cho người dân với giá cả bình ổn. Khu vực bán sẽ được bố trí rộng rãi, thoáng mát, bảo đảm các điều kiện an toàn phòng, chống dịch, người mua lẫn người bán phải tuân thủ khuyến cáo 5K. Chợ hoạt động từ sáng đến chiều và liên tục trong suốt thời gian giãn cách xã hội, bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Tạo “luồng xanh” để lưu thông hàng hoá
Hiện Sở GTVT các địa phương trong khu vực miền Tây Nam Bộ đang tổ chức phân luồng giao thông (luồng xanh) nhằm tạo thuận lợi cho phương tiện vận chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh và đi tới các địa phương khác.
Các đơn vị vận tải, lái xe khi tham gia giao thông trên “luồng xanh” yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng quy định của Bộ Y tế. Đơn vị vận tải khi được cấp thẻ nhận diện, thực hiện in giấy nhận diện phương tiện kèm theo mã QR Code lên giấy (khổ A5) để dán trên kính phía trước và in lên giấy (khổ A4) để dán thêm lên kính hai bên cửa xe nhằm tạo thuận lợi cho việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng và hạn chế tiếp xúc để ngăn sự lây lan dịch bệnh.
Đơn vị vận tải, lái xe phải cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin đã đăng ký cấp Thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên “luồng xanh” và các thông tin cung cấp cho các chốt kiểm soát liên ngành và các Sở GTVT trong quá trình vận chuyển.
Lái xe phải chấp hành nghiêm sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng trên đường và tại các chốt kiểm soát dịch bệnh để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Ông Trang Trường Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng cho biết: Việc lập “luồng xanh” nhằm tạo điều kiện thuận lợi và ưu tiên cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa, vận chuyển công nhân, chuyên gia có Thẻ nhận diện phương tiện được lưu thông thông suốt 24/24h.
Đồng thời giảm thời gian kiểm tra, kiểm soát khi phương tiện đi qua các chốt kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Sóc Trăng.
Cũng theo ông Thanh, mã QR Code trên thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên “luồng xanh” vận tải sẽ tự động hủy trong các trường hợp khi hết thời hạn ghi trên Thẻ nhận diện.