Vì nhu cầu, không biết về tính xác thực trong giao dịch mua bán, chính người mua giấy khám sức khỏe đã vi phạm pháp luật và đang tiếp tay cho những hành vi vi phạm pháp luật.
Hàng chục tờ giấy “khám sức khỏe của người lái xe” được nhân viên giao hàng tìm giao tận tay đến một khách hàng tại khu vực huyện Mê Linh (TP Hà Nội) khiến người chứng kiến không khỏi bất ngờ. Theo quan sát, về hình thức của những tờ giấy khám sức khỏe gồm đầy đủ các thông tin như: Được dán ảnh và đóng dấu; các phần nội dung khám đều được nhận xét của các bác sĩ chuyên môn là đạt tiêu chuẩn, đủ sức khỏe lái xe và cuối cùng là chữ ký của người kết luận cũng được đóng dấu với thông tin của đơn vị y tế.
Tuy nhiên, điều bất ngờ ở đây là tất cả những tờ giấy khám sức khỏe này đều để trống thông tin của khách hàng, chữ ký của bác sĩ và con dấu thể hiện thông tin thuộc về Công ty cổ phần Bệnh viện Giao thông vận tải (Bệnh viện GTVT).
Qua tìm hiểu thông tin trên mạng Internet, PV dễ dàng tiếp nhận những thông tin rao bán giấy khám sức khỏe. Liên hệ với người bán, người này khẳng định có thể cung cấp đủ giấy khám sức khỏe học lái xe, giấy khám sức khỏe đi học, giấy khám sức khỏe đi làm của bệnh viện đủ tiêu chuẩn cấp là Bệnh viện GTVT.
Chỉ cần gửi ảnh của người cần giấy khám sức khỏe là được, người bán có thể cung cấp với số lượng lớn, giao hàng tận nơi nếu ở Hà Nội hoặc có thể gửi qua dịch vụ chuyển phát nếu ở xa. Giá của giấy khám sức khỏe học lái xe là 180 ngàn đồng; giá của giấy khám sức khỏe đi học, đi làm là 150 ngàn đồng. Nếu lấy hàng với số lượng lớn thì có thể được... giảm giá.
Với lý do cần gấp giấy để đăng ký học giấy phép lái xe ô tô và xin việc đi làm, PV đã gửi hình ảnh của một trường hợp là người khuyết tật cho người bán và khớp giá 350 ngàn đồng, nhận hàng tại Hà Nội thì được người bán cho số điện thoại liên hệ, ngay hôm sau có người giao đến tận nơi. Tất cả những kết luận, chữ ký của bác sĩ, con dấu cũng thể hiện “người khuyết tật” này đủ điều kiện lái xe, đi làm.
Câu hỏi mà chúng tôi đặt ra là đây có phải là trường hợp ký khống giấy khám sức khỏe của các bác sĩ tại Bệnh viện GTVT hay hoàn toàn là việc giả mạo chữ ký, con dấu, giấy tờ của các đối tượng với tổ chức, cá nhân; vô số những giấy tờ như thế này nếu được người dùng gửi kèm hồ sơ xin học, xin việc được kiểm soát và xác thực ra sao để không xảy ra những hệ lụy; cơ quan chức năng kiểm tra và xử lý thế nào,...
Quan sát những tờ giấy khám sức khỏe mà PV thu thập được, BSCKI. Nguyễn Công Sơn (Trưởng phòng KH – TH, Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT) cho biết, tất cả những bác sĩ có tên trong đó đều đã và đang công tác tại bệnh viện. Tuy nhiên, đây là giấy giả, giả về cả chữ ký và con dấu (con dấu của viện bằng đồng nên chữ khi đóng dấu bị nhòe).
Ông Sơn khẳng định, bệnh viện là cơ sở uy tín trong việc cấp mọi loại hình giấy khám sức khỏe nên nhiều tổ chức, cá nhân đã làm giả giấy của bệnh viện. Quy trình khám sức khỏe của bệnh viện rất chặt chẽ, tất cả thông tin khách hàng đều được lưu trữ trong máy tính và có thể truy cứu trong vòng 10 năm.
Hồ sơ lưu và hồ sơ cấp cho khách hàng đều dán ảnh, đóng dấu, tem và chữ ký của bác sĩ khám chuyên môn đã được đăng ký mẫu. Sau khi khám đủ các chuyên khoa bác sĩ mới kết luận và đóng dấu của bệnh viện. Mỗi mẫu xét nghiệm đều có mã định danh riêng để tra cứu trên hồ sơ lưu trữ.
Theo ông Sơn, trong trường hợp đổi GPLX, nếu Sở Giao thông nào trong cả nước hoặc Cục Đường bộ và các bệnh viện có kết nối với dữ liệu quốc gia của dịch vụ công mới có thể tra cứu được. Hiện tại, việc nộp hồ sơ cấp mới GPLX, đi học, đi làm hầu như chưa có hệ thống lưu trữ chung để có thể tra cứu và xác định được tính xác thực của các loại giấy tờ trong hồ sơ của công dân, nên việc xác định được là giấy tờ thật hay giả rất khó được phát hiện bởi đơn vị tiếp nhận. Việc người sử dụng dùng giấy khám sức khỏe giả có thể sẽ phải chịu thiệt thòi trong tương lai khi xảy ra những tình huống bất khả kháng.
Các cơ quan chức năng như Sở GTVT Hà Nội, Cơ quan Công an các địa phương và Cơ quan Công an của TP. Hà Nội đã nhiều lần làm việc với Bệnh viện GTVT để xác minh vì liên quan đến giấy khám sức khỏe “mang tên” Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT.
Cụ thể, ngày 30/3/2021 Cơ quan CSĐT (Công an quận Hà Đông, TP. Hà Nội) đã xác minh, thu thập mẫu chữ ký của một số bác sĩ, mẫu 6 con dấu của Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT và xác minh trong khoảng thời gian từ đầu tháng 3/2021 có trường hợp nào tên là Vũ Thanh B. (30 tuổi, HKTT tại Nam Dương, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định; nơi ở: Phòng 513, chung cư An Lạc, Trung Văn, Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) đến khám và được cấp giấy khám sức khỏe hay không.
Qua tra cứu thông tin tại bệnh viện thì trường hợp Vũ Thanh B. có đến khám và được bệnh viện cấp 01 giấy khám sức khỏe cho người lái xe vào ngày 29/1/2021.