Nhắc đến Nam Định, người ngoài tỉnh thường nhắc đến di tích Đền Trần-Chùa Tháp, gắn liền với lịch sử vương triều Trần; nhắc đến Quần thể di tích Phủ Dầy, gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu; nhắc đến chợ Viềng, nơi hội tụ, lan tỏa những nét đặc trưng của đời sống kinh tế, văn hóa, tín ngưỡng vùng đồng bằng sồng Hồng. Nhưng không chỉ có vậy, “trong lòng” Nam Định còn có một miền giáo đường với nhiều giá trị riêng có…
Bùi Chu là một trong 26 Giáo phận trên cả nước. Diện tích không lớn, nằm trọn trong địa bàn 6 huyện phía Nam sông Đào của tỉnh Nam Định, nhưng được biết đến là Giáo phận có số lượng giáo dân, giáo xứ đông, riêng giáo dân chiếm khoảng 25% dân số của tỉnh. Nhiều xã ven biển thuộc các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng gần như toàn tòng Công giáo, cứ vài cây số vuông lại có một nhà thờ sừng sững, uy nghi. Trước đây, khi quốc lộ 21 chưa được nâng cấp, chỉ mấy chục km mà cảm thấy đường về Tòa Giám mục Bùi Chu (xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường) rất xa. Giờ ngược lại, chỉ hơn 30 phút từ TP Nam Định xe đã đỗ ở sân Tòa Giám mục. Đến các giáo xứ nằm xa trung tâm nhất của Giáo phận ở mạn ven biển cũng chỉ mất chừng 60 phút xe chạy…
Lần mở những trang sách sử mới hay, đồng bào Công giáo Bùi Chu là cộng đồng được “đón tin mừng” từ rất sớm. Theo sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” của Quốc sử quán triều Nguyễn, vào năm 1555 đã có người Tây Dương là Y-nê-khu đến các xã Ninh Cường, Quần Anh, Trà Lũ (thuộc địa bàn Giáo phận Bùi Chu ngày nay) truyền giáo đạo Gia Tô, được giáo sử Công giáo ghi nhận là hoạt động truyền giáo đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam. Lịch sử cũng chép rằng, những huyện ven biển của Nam Định đều là những vùng đất mới, được hình thành từ công cuộc quai đê, lấn biển. Trong công cuộc ấy, đồng bào lương-giáo nơi đây đã chung sức, đồng lòng “trị thủy”, đối mặt, chống chọi với bão gió. Từ đó mở đất, lập nên những xóm làng, xứ đạo trù phú như ngày nay, chung sống thuận hòa, gắn kết. Chẳng nói đâu xa, việc ô tô con giờ đây có thể đi lại, ngược xuôi trong nhiều thôn làng, xứ đạo nơi đây chính là nhờ nghĩa cử hiến đất, góp đất của người dân địa phương, trong đó có rất đông các gia đình công giáo.
Nhưng thú vị nhất chính là sự chân chất, hiền lành, thật thà của con người nơi đây. Hình ảnh thường thấy ở nhiều gia đình công giáo ở các huyện ven biển của Nam Định là ngày ngày chồng ra khơi đánh cá, vợ ở nhà đan lưới, làm muối, chăm sóc đàn con. Ngày lễ họ cùng nhau đến nhà thờ bày tỏ lòng kính Chúa. Trong cuộc sống có phần xô bồ hiện nay, được tiếp xúc, chuyện trò với những con người miền biển hiền hòa, chất phác, nghe họ kể về cuộc sống, công việc, phong tục, tập quán, tín ngưỡng của mình chẳng phải là điều thú vị?
Nói tới các xứ đạo ven biển là nói tới nghề làm muối. Đây được xem là nghề cực nhọc, vất vả, trong khi thu nhập không cao. Như hiện tại, 10 đến 15kg muối mới đổi được 1kg gạo. Nhưng cuộc sống thì không thể thiếu hạt muối. Do vậy, bao đời nay người dân nơi đây vẫn tần tảo mưa nắng trên đồng để làm ra hạt muối. Hãy về đây để sẻ chia với những nỗi khó khăn, vất vả của cái nghề “một người làm lo cho cả nghìn người nhưng cả nghìn người không nuôi nổi một người” này. Thủy, hải sản, nhất là con ngao là thực phẩm phổ biến, được các bà nội trợ từ nông thôn đến thành thị ưa dùng. Vùng ven biển Nam Định là vựa ngao lớn ở miền Bắc. Ở đây, đồng bào lương-giáo Nam Định đang là chủ nhân của những bãi ngao rộng lớn ven biển; những cơ sở nuôi trồng, chế biến thủy hải sản quy mô lớn. Chỉ xem người dân thực hiện quy trình nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản như thế nào đã thấy thật thú vị. Thú vị hơn nếu biết, nhờ con ngao nhiều gia đình ở đây đã xây được nhà lầu, sắm được xe hơi nhưng nhiều phen họ cũng lâm cảnh “ngao ngán” vì ngao mắc dịch, ế ẩm.
Không chỉ có đánh cá, làm muối, nuôi trồng thủy sản, nhiều xứ đạo nơi đây gắn liền với những nghề truyền thống nổi tiếng. Đến xứ đạo Kiên Lao (Xuân Tiến - Xuân Trường), ngoài được chiêm ngưỡng công trình Đền Thánh đồ sộ, tráng lệ không thua kém các công trình nhà thờ ở phương Tây, ta còn có dịp được tìm hiểu người dân xứ đạo giàu có, sầm uất này tài hoa đến thế nào với nghề cơ khí truyền thống. Trước đây người công giáo Kiên Lao chỉ làm ra những sản phẩm gia dụng thông thường như dao, kéo, các loại nông cụ như lưỡi cày, lưỡi cuốc. Giờ đây họ có thể tự thiết kế, sản xuất ra nhiều loại máy móc công cụ đòi hỏi kỹ thuật cao như máy tuốt lúa, máy chế biến thức ăn chăn nuôi, máy trộn đảo bê tông, lò đốt rác thải. Người Kiên Lao tự hào các sản phẩm do mình làm ra đã và đang góp phần hỗ trợ đắc lực cho đời “tam nông”.
Đến xứ đạo Báo Đáp (xã Hồng Quang, Nam Trực) ta cũng sẽ được chiêm ngưỡng công trình Đền Thánh Báo Đáp giữa xóm làng, ruộng đồng, cây cỏ. Từ hàng trăm năm nay, ngoài ruộng đồng, người dân xứ đạo vẫn duy trì nghề làm đồ chơi Trung thu và nhiều đồ chơi khác cho trẻ em. Giờ đây, đã thành lệ, vào kỳ nghỉ hè, học sinh ở Nam Định thường đến Bảo tàng tỉnh để xem nghệ nhân làng Báo Đáp trình diễn nghệ thuật nặn tò he, làm trống bỏi. Chưa hết, Báo Đáp còn nổi tiếng là xứ đạo mà ở đó, hầu hết người dân đều có thể thổi kèn Tây, đánh trống, chơi đàn piano, kéo đàn violon… Xứ đạo có đội kèn Tây lên tới hàng trăm người, có đội bát âm, đội trống và có hẳn một dàn nhạc giao hưởng do chính cha xứ làm nhạc trưởng. Những ngày lễ trọng của xứ đạo Báo Đáp thực sự là một lễ hội của âm nhạc.
Quá trình mở đất, lập làng, xứ đạo, cộng đồng Công giáo đông đảo ở đây đã sản sinh, lưu giữ nhiều sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc. Tham dự Ngày hội cách mạng do huyện Hải Hậu tổ chức vào dịp Quốc khánh hằng năm, không thể không trầm trồ khi được thưởng thức nghệ thuật thổi kèn đồng, đánh trống cà rùng... do người Công giáo địa phương trình diễn. Từ lâu, tiếng kèn đồng của các “nghệ sĩ” ở các xứ đạo ở Nam Định đã vượt khỏi khuôn viên nhà thờ, ngân lên trong các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội ở trong và ngoài tỉnh.
Nói đến miền giáo đường ở Nam Định không thể quên nhắc đến Tòa giám mục Bùi Chu (xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường)-trung tâm của Giáo phận. Ngoài những công trình tôn giáo cấp giáo phận, nơi đây có Cô nhi viện Thánh An hàng trăm năm tuổi, do Thánh An thành lập. Nhiều năm qua địa chỉ này đã đón nhận nhiều cảnh đời bất hạnh, nhiều nhất là những em bé bị bỏ rơi. Ở đây, các em được nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy bảo. Nguồn kinh phí hoạt động của cô nhi viện dựa hoàn toàn vào lòng hảo tâm của các tập thể, cá nhân. Đến đây mới biết có rất nhiều linh mục, tu sĩ, các bà sơ đã và đang âm thầm, lặng lẽ bù đắp lại phần nào sự bất hạnh ấy bằng những việc làm đầy ắp yêu thương.
Kính Chúa, yêu nước, tài hoa, đam mê âm nhạc nên ở mỗi người Công giáo Nam Định chúng tôi có dịp tiếp xúc đều toát lên phong thái thư thả, “sáng lễ, chiều kinh”, lạc quan, hồn nhiên và nhân hậu.
Sau hành trình tham quan các làng quê, xứ đạo, hãy tìm xuống Vườn Quốc gia Xuân Thủy - địa danh nổi tiếng về sự đa dạng của hệ sinh thái rừng ngập mặn. Chỉ cần thuê một chiếc thuyền ta đã có thể được hòa mình trong hàng trăm héc ta rừng ngập mặn. Vào mùa chim di trú, có tới hàng ngàn cá thể chim di trú quý hiếm tìm về “sân chim” này (trong đó có loài sếu đầu đỏ, cò mỏ thìa…) nghỉ ngơi, dưỡng sức cho hành trình tiếp theo. Một lần, sau hành trình ấy, người viết bài được nghỉ qua đêm tại một cơ sở lưu trú homestay ở xã Giao Xuân (Giao Thủy), gần Vườn Quốc gia Xuân Thủy. Thật thú vị khi giữa không gian yên bình, sạch sẽ, thoáng mát của làng quê, xứ đạo ven biển được nghe chủ nhà chuyện trò về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo của mình bằng tất cả sự mộc mạc, chất phác…