Tình trạng thiếu trường, lớp, quá tải học sinh không chỉ chờ đến khi phụ huynh phải bốc thăm để giành quyền cho con đi học trường công lập ở quận Hoàng Mai mới lộ diện rõ mà đã tái diễn nhiều năm nay. Trước sức ép ngày một lớn, đòi hỏi cơ quan chức năng cần phải có giải pháp căn cơ.
Khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục tư thục
Tại địa bàn quận Hoàng Mai, không riêng Trường Mầm non Hoàng Liệt, hầu hết các trường ở các cấp học khác đều rơi vào tình trạng quá tải. Là một trong số quận huyện có dân số đông nhất TP Hà Nội, quận Hoàng Mai đang phải đối diện với áp lực lớn về trường, lớp cho số hơn 98.000 học sinh trên địa bàn.
Toàn quận hiện có 227 toà nhà chung cư cao tầng, 202 nhà chung cư cũ, và sẽ tiếp tục xây dựng 5 toà nhà chung cư nữa tại phường Hoàng Liệt. Riêng phường Hoàng Liệt có 85 toà chung cư và 5 toà đang xây dựng.
Năm học 2022-2023, quận có 89 trường, trong đó 59 trường công lập, 30 trường ngoài công lập. Số học sinh là hơn 98.000 học sinh, bình quân 4 năm liên tiếp từ năm 2021 đến nay, mỗi năm tăng 3.836 học sinh.
Để đảm bảo đúng theo quy định của Bộ GDĐT về số học sinh/lớp, quận Hoàng Mai hiện còn thiếu 36 trường học.
Liên quan đến công tác quy hoạch, rà soát mạng lưới trường lớp giai đoạn 2021-2025 và dự kiến đến năm 2030 trên địa bàn quận Hoàng Mai, ông Trần Quý Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho hay, tổng số các ô quy hoạch là 193 ô, trong đó 96 ô mầm non, 48 ô tiểu học, 35 ô THCS, 14 ô THPT. Giai đoạn 2021-2025 có 56 ô quy hoạch, trong đó công lập là 40, còn ngoài công lập là 16. Giai đoạn 2026-2030 có 79 ô quy hoạch, trong đó công lập là 60, còn ngoài công lập là 19.
Ông Thái cho biết, UBND quận Hoàng Mai tiếp tục rà soát hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường lớp, tài chính đầu tư, cơ sở vật chất, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học.
Riêng phường Hoàng Liệt dự kiến trong thời gian tới xây dựng 2 trường tại các ô đất có diện tích 7.400 m2 và 1.934 m2 cho năm học 2023-2024 để tăng số trường lớp mầm non để đáp ứng nhu cầu của trẻ.
Bên cạnh đó, khuyến khích huy động và tạo điều kiện hỗ trợ các tổ chức cá nhân tham gia phát triển giáo dục đào tạo, khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục dân lập, tư thục đáp ứng nhu cầu giáo dục.
Làm gì để không còn tình trạng bốc thăm vào trường công lập?
Bàn về vấn đề này, TS.LS Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam nhấn mạnh quyền được học tập của trẻ em.
TS.LS Cường nhận định, nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu trường, lớp hiện nay do quy hoạch phát triển giáo dục chưa hợp lý, chưa phù hợp nên dẫn đến tình trạng nhiều địa phương quá tải ở một số điểm trường dẫn đến khó khăn cho phụ huynh và nguy cơ phát sinh tiêu cực trong hoạt động tuyển dụng, tiếp nhận học sinh đến trường.
Trong khi đó, quy hoạch về giáo dục sẽ phải có tính dự báo trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế xã hội, trên cơ sở phát triển nhà ở, đô thị hóa ở mỗi khu vực, mỗi địa phương.
Do đó, TS.LS Cường cho rằng: “Địa phương nào còn thiếu trường, thiếu lớp, còn tình trạng phụ huynh chen lấn, xô đẩy để mua hồ sơ, còn tình trạng phải bốc phiếu để tìm kiếm cơ hội cho con học tập thì cần phải xem xét trách nhiệm trong công tác quy hoạch, phát triển giáo dục ở địa phương”.
Dưới góc độ quy hoạch đô thị, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng, tình trạng thiếu trường, lớp, quá tải học sinh không chỉ chờ đến khi phụ huynh phải bốc thăm để giành quyền cho con đi học trường công lập ở quận Hoàng Mai mới lộ diện rõ mà đã tái diễn nhiều năm nay và chưa được giải quyết triệt để.
Trao đổi với PV, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nêu quan điểm, vấn đề thiếu trường tại các thành phố lớn như Hà Nội không phải do thiếu quỹ đất. Ngay ở quận Hoàng Mai, địa bàn này cũng dành quỹ đất cho xây dựng trường, lớp. Yêu cầu có đầy đủ, hợp lý về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như: trường học, trạm y tế, chợ… là một trong những tiêu chí để phê duyệt quy hoạch.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, có 2 nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu trường học là xây dựng không bảo đảm đồng bộ, chỉ chú trọng công trình tạo lợi nhuận như nhà chung cư, dịch vụ thương mại, còn những công trình hạ tầng xã hội như trường học, nhà trẻ thì ít được đôn đốc, thúc đẩy doanh nghiệp xây dựng cũng không mặn mà. Vì vậy, nhiều khu vực đất dành cho quy hoạch xây dựng trường học nhưng chậm hoặc không được giải phóng mặt bằng, không kiểm soát chặt chẽ.
Trong khi thiếu cả trường công lập lẫn trường tư thực thì chúng ta lại chưa chú trọng đến việc khuyến khích, chế độ ưu đãi để cho có thể huy động nhiều doanh nghiệp vào xây dựng.
“Vấn đề đặt ra hiện nay là phải chăng chúng ta không chỉ giám sát quá trình đầu tư xây dựng các khu đô thị mà cần có điều kiện đồng bộ để khi đưa các khu đô thị, các nhà chung cư và người dân đến ở tại khu vực này bắt buộc phải có đủ hạ tầng kỹ thuật”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm đặt câu hỏi và cho rằng đây là bất cập đang tồn tại.
Trước sức ép thiếu trường lớp ngày một lớn, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh: “Việc tổ chức quy hoạch không đúng là trách nhiệm cơ quan chức năng. Để giải quyết vấn đề này, thời gian tới cần tăng cường quản lý, có chính sách ưu đãi, huy động nguồn lực xã hội trong đầu tư xây dựng trường học”.