Hôm qua chị bạn cùng cơ quan hớn hở cho tôi xem tin nhắn của cậu con trai 19 tuổi. Chị bảo mới vài tháng trước thôi, thời điểm này nó còn giận dỗi, trách móc bố mẹ không lo cho con “thoát” nghĩa vụ quân sự...
Vậy mà mới đây, ngày 8/3 chị nhận được tin nhắn chúc mừng của con trai khi con đang đóng quân tại một đơn vị ở Hòa Bình. Chị bảo đã lặng nhiều phút đi khi đọc tin con nhắn: “ở đâu có mẹ ở đó là nhà, ở đâu có mẹ ở đó có cơm ăn…con kính chúc mẹ mạnh khỏe”.
Chị kể, hồi con mới nhập ngũ, nhớ và lo cho con nên mỗi tháng gia đình lên thăm con một lần. Lần nào lên thăm con cũng phải giấu đi những giọt nước mắt. Cậu ấy buồn, không nguôi trách giận cha mẹ…vì đã “đưa con vào nơi gian khổ”. Đang được bố mẹ chăm bẵm, tự do bay nhảy, ngày rời vòng tay gia đình lên đường nhập ngũ, con trai chị thậm chí còn giận mẹ đến mức không nói câu nào.
Thời điểm còn ở nhà, con trai chị dù 18- 19 tuổi nhưng vẫn ỉ lại mẹ, gần như chưa tự nấu cơm, giặt giũ … nhưng giờ hôm nào cũng phải dậy từ 5 giờ sáng, tập thể dục, ăn sáng rồi tập luyện và lao động. Hàng ngày phải tự chăm sóc bản thân, giặt giũ quần áo và làm những việc mà như con trai kể …là chưa từng phải làm.
Nhưng hôm rồi, sau mấy tháng xa nhà, sống đời quân ngũ, con chị đã biết gửi tin nhắn chúc mẹ và hỏi thăm người thân trong gia đình. Con trai nói mẹ đừng quá lo cho con mà hãy giữ sức khỏe cho mình và gia đình giữa lúc dịch bệnh đang lan tràn. Thậm chí cậu còn khôi hài: “Con ở trong đơn vị an toàn hơn, con covid nó không qua được cổng doanh trại…”
Luôn sợ con khó, khổ hay thiệt thòi so với bạn bè là tâm lý chung của những bậc phụ huynh, ngay cả ở những gia đình không có điều kiện nên hầu như bố mẹ nào cũng hết sức lo cho con cái. Có lẽ chính điều này đã khiến giới trẻ ỷ lại vào cha mẹ, chỉ biết đòi hỏi mà quên đi cảm xúc, suy nghĩ của người khác. Dù không đáp ứng tất cả những yêu cầu của con một cách vô điều kiện, cũng luôn dạy con phải biết chia sẻ, quan tâm và có trách nhiệm với người thân, với bạn bè nhưng tôi có cảm giác con mình đang chỉ biết “nhận” chứ không biết “cho”.
Và theo chị bạn tôi, quyết định để con nhập ngũ là một quyết định vô cùng khó khăn của gia đình chị. Ông bà nội ngoại thương cháu vất vả thì can ngăn. Nhưng vợ chồng chị tin quân đội là một trường học lớn đồng thời cũng là niềm tự hào, là tiếng gọi thiêng liêng của “tuổi hai mươi”. Quân đội là nơi rèn luyện những kỹ năng để chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù, hay đơn giản hơn với con trai chị là chiến thắng nỗi sợ của bản thân, tự chăm sóc cho chính mình và nghĩ đến cha mẹ…
Như PGS.TS Huỳnh Văn Sơn- Trường ĐH Sư phạm TP HCM từng lý giải: Tâm lý của con người thường diễn ra theo hướng: Những gì gần gũi nhất với mình người ta thường cảm thấy bình thường. Sự bình thường ấy làm cho người ta mặc nhiên là mình đáng có, xứng đáng được và không cần thiết phải quá quan tâm. Cũng theo ông Sơn, khi con cái bớt quan tâm bố mẹ thì dần dần sẽ tạo nên những khoảng cách ngày càng lớn. Mối quan hệ này sẽ thiếu những chất keo gắn kết và đến một lúc nào đó, người con dễ trở nên hờ hững và thậm chí dần vô tâm trước những đấng sinh thành.
Cậu con trai 19 tuổi của chị đã từng có giai đoạn sống đơn giản đến mức không biết chăm lo cho bản thân, thậm chí còn làm buồn lòng người thân. Nhưng giờ cậu ấy đã từng bước trưởng thành, biết làm những việc dù rất nhỏ nhưng tạo nên thi vị cho cuộc sống. Điều đó là “Quà tặng” vô cùng ý nghĩa với mẹ.