Nhiều người từ ngoại tỉnh đến TP Đà Nẵng mưu sinh, 15.000 đồng để có một đĩa cơm, với họ, là số tiền không nhỏ. Bởi vậy, quán cơm mang Nụ cười Đà Nẵng (số 2, Phan Thanh, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) - quán cơm 2.000 đồng đầu tiên ở thành phố này, đã mang niềm vui đến nhiều người.
Một thực khách thường xuyên của quán cơm 2.000đ.
Quán cơm được chị Trần Thị Minh Nguyệt (38 tuổi, trú tại Đà Nẵng) khai trương vào ngày 6/7 vừa rồi. Chị bỏ tiền túi, thuê mặt bằng, xây một ki ốt. Chị in ra 120 tờ giấy mời cơm, đèo xe máy dạo quanh Đà Nẵng, tìm đến các bác xe ôm, chị bán vé số… Qua Facebook, cùng mối quan hệ, nhiều tình nguyện viên tìm đến quán cơm để phục vụ. Chị cùng mẹ chị phụ trách nấu ăn. Quán cơm từ đó hình thành.
Chị Nguyệt cho biết, mở quán bởi chị biết ở Đà Nẵng vẫn còn rất nhiều người mà với họ, 15.000 đồng cho 1 đĩa cơm cũng là vấn đề. Không như nhiều quán cơm 2.000 khác, tiền hoạt động của “Nụ cười Đà Nẵng” do mình chị bỏ ra, tuyệt đối không nhận ủng hộ tiền mặt, chỉ nhận hiện vật như gạo, rau củ quả…
Chị kể, từ khi mở quán, trưa nào cũng có người tìm đến ủng hộ. Bạn sinh viên nọ đạp xe tới cho bó rau, cụ già nọ đi bộ tới cho mấy cân thịt, lại có cả những người đi xe hơi, mang đến cả mấy bao gạo. Họ đóng góp mà không để lại tên tuổi gì. “Nhưng mình vẫn công khai sự ủng hộ của họ lên Facebook, coi như là cách để mình tạ ơn. Bạn thấy đấy, lòng tốt luôn ở quanh ta” – chị Nguyệt cho biết.
Chị Nguyệt (người thứ hai từ phải sang) cùng các bạn tình nguyện viên.
Chuyện chị ấn tượng nhất là có 2 anh chạy xe thồ chờ khách cạnh quán, bảo qua ăn, nhưng 2 anh từ chối với lí do để giành cơm cho người nghèo hơn. Mỗi trưa 150 suất, chị luôn luân phiên thay đổi món ăn, cơm thêm thì miễn phí, có thêm trái cây tráng miệng. Quán mở cửa vào trưa thứ 2 thứ 4, thứ 6 hàng tuần. Khách rất đông, nên chừng 11h30 là hết cơm, đây là điều chị trăn trở.
Trên con đường Phan Thanh ngược xuôi xe cộ, xin ghé mắt về phía “Nụ cười Đà Nẵng”, nơi luôn có những nụ cười. Ở góc quán, có một tủ sách nho nhỏ, để khách đọc lúc chờ cơm. Những tình nguyện viên trao vé cơm cho khách, đỡ khách từ xe lăn, khách xếp hàng trật tự, cái nóng cùng mồ hôi không làm bớt đi những nụ cười.
Cụ ông Phạm Hoàng, quê ở tận Quảng Ngãi, ra Đà Nẵng bán vé số đã 5 năm. Cụ bị chứng teo cơ, liệt cả hai chân, ấy vậy cũng có vợ, sinh con, đứa con 31 tuổi của cụ vừa thực hiện ca mổ tim. “Có quán cơm này, tui tiết kiệm được ít tiền, gửi về chữa bệnh cho con”, ông Phạm Hoàng nói.
Sách được bày trên kệ, khách đọc lúc chờ cơm.
Bạn Trần Thị Lan Hương là tình nguyện viên của quán. Bạn là sinh viên, sau giờ học, tranh thủ đến đây để bưng bê. “Mình sẽ rủ thêm nhiều bạn nữa cùng đồng hành với quán” - Lan Hương nói. Còn bạn Trần Hòa Nhân, tuy đã đi làm, nhưng trưa nào cũng tranh thủ đến phục vụ. Bạn bộc bạch: “2.000 đĩa cơm, đấy là một cách để trợ giúp những người trên hành trình thoát khổ. Mình muốn Đà Nẵng có thêm quán cơm thế này, để người lao động biết vẫn có nhiều người quan tâm đến họ”.
“Từ ngày 5/8 tới, hàng tuần, quán sẽ mở thêm “trưa thứ năm hạnh phúc”, tức ngày này, khách sẽ được phục vụ những đặc sản như bún bò, phở, mì Quảng với giá cũng chỉ 2.000 đồng. Mình tính cuối năm, mở thêm một quán 2.000 đồng nữa ở gần khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu), nơi tập trung rất đông sinh viên, người lao động” – chị Nguyệt cho biết.