Năm nào cũng thế, người dân trên quần đảo Samoa lại tổ chức một cuộc thi sắc đẹp đặc biệt dành cho “Fa’afafine” - chỉ những cậu bé được nuôi dạy và xem như phụ nữ. “Tôi tin rằng mình sinh ra đã là Fa’afafine. Dù cơ thể là nam, nhưng tính nữ của tôi mạnh hơn”- Velda Collins, một người dân Samoa nói.
Ngôi nhà truyền thống trên quần đảo Samoa.
1. Tập tục này bắt đầu từ niềm tin tín ngưỡng rằng trong mỗi con người đều có phần nam và phần nữ, đôi khi đó là “một phụ nữ bị mắc kẹt trong cơ thể đàn ông”. Nhưng, họ không phải là những người đồng tính, mà đó là một nét được công nhận trong văn hóa Samoa. Người tham gia cuộc thi Fa’afafine không nhằm mục đích giành giải thưởng mà hướng tới những trải nghiệm giải phóng bản thân.
Quần đảo Samoa nằm ở Nam Thái Bình Dương. Hòn đảo lớn nhất và đông dân nhất là Tutuila. Bên cạnh đó, những hòn đảo khác như Manu’a, Rose (đảo san hô) và đảo Swains cũng khá đông đúc. Cuộc điều tra mới đây cho biết, đảo có gần 20.000 người, trên tổng diện tích gần 3.000 km².
Tới nay, người ta vẫn không xác định rõ thời điểm nào trên quần đảo này xuất hiện con người. Có thể là 1.000 năm, cũng có thể là 5.000 năm trước công nguyên. Nhưng với những di chỉ nhân chủng học có thể khẳng định người Polynesia là chủ nhân đầu tiên của quần đảo, cho dù bây giờ người ta gọi họ là “thổ dân”.
Tới đầu thế kỷ 18, các nhà thám hiểm châu Âu mới biết tới quần đảo Samoa, tuy rằng sau đó bắng đi thời gian rất dài cũng không có cuộc “ghé thăm” quy mô nào. Hòn đảo vẫn biệt lập trong đại dương, vẫn tồn tại theo cách riêng của nó.
Hồ bơi Upolu.
Cho tới cuối thế kỷ 18, theo chân những nhà truyền giáo, một số người châu Âu đã tới sinh cơ lập nghiệp ở Samoa, đầu tiên là đảo Tutuila. Trong một ghi chép của vị giáo sĩ John Williams (thuộc Hội Truyền giáo London) cho biết, đây vốn là một hòn đảo “gần như hoang” với rất ít người sinh sống. Họ ở trong giai đoạn tự cung tự cấp, không giao tiếp với thế giới bên ngoài. “Chúng tôi đã đưa họ về sống gần nhau, lập nên ngôi làng đầu tiên, trong đó có một nhà thờ dùng làm nơi tập hợp mọi người mỗi khi có việc gì đó chung cho cả cộng đồng, nhất là vào mùa mưa bão vì ở đây thường xuất hiện những trận sóng thần”- vị giáo sĩ viết.
Phải cho đến sau năm 1920, những đoàn tàu lênh đênh trên Thái Bình Dương mới ghé lại đây nhiều hơn. Và cũng từ đó người từ nhiều nơi đến đây định cư mới nhiều lên. Những ngôi làng Samoa chính thức mọc lên trong giai đoạn này cùng với sự mở mang kinh tế của những người di cư Âu - Mỹ.
Khu vực nổi tiếng nhất của Samoa có tên gọi Pago Pago. Đây cũng là thủ phủ hành chính, trung tâm thương mại và cũng là nơi tổ chức các lễ hội lớn trong năm.
Khách sạn ở Pago Pago.
Quần đảo Samoa có 13 đảo chính, cùng với một số bãi đá ngầm không có người ở. Do chơi vơi giữa đại dương nên cách “sống sót” duy nhất của cư dân là khả năng bơi lội và cách tìm kiếm thực phẩm biển. Không một người Samoa nào lại không biết bơi, ngay cả trong những ngày sóng to thì họ vẫn ngụp lặn trong nước biển một cách bình thường. Có lẽ vì thế mà dù thường gặp những trận sóng thần, nhưng số người bị chết không nhiều.
Từ tháng 4 năm trước cho tới tháng 11 năm sau là mùa bão. Khi đó biển động dữ dội, những đợt sóng cao ngất đánh vào bờ liên tục. Có khi sóng biển còn tràn qua các hòn đảo. Khi đó, người ta phải trèo lên những ngọn cây cao để tránh nước.
Tháng 9/2009, quần đảo này phải hứng chịu một trận sóng thần khủng khiếp, khiến 82 người thiệt mạng cùng hàng chục người mất tích, hàng trăm người bị thương, nhiều ngôi làng bị tàn phá. Người ta ghi nhận, 4 con sóng thần cao từ 4 đến 6m ập vào bờ biển và vươn ra khoảng 1,6 km đất liền. Theo Russell Hunter, phóng viên tờ Samoa Observer, thì sóng thần tấn công quần đảo Samoa lúc sáng sớm - thời điểm lũ trẻ đến trường, đã giết chết nhiều đứa trẻ vô tội.
Một gia đình người Samoa.
2. Nhà thám hiểm người Hà Lan, Jacob Roggeveen và nhà hàng hải người Pháp Louis Antoine de Bougainvill được cư dân trên quần đảo này coi là những người có công đầu trong việc “nói cho thế giới biết về Samoa”. Dù trên đảo không dựng tượng của hai người, nhưng họ sống trong trái tim người dan trên đảo, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Khi giải thích về 2 ngày nghỉ cuối tuần khác biệt của cư dân Samoa, người ta cho rằng có thể hoặc là Jacob, hoặc là Louis đã nhầm lẫn thời gian khi không có cuốn lịch trong tay. Vì rằng, tới nay người Samoa vẫn coi thứ 6 và thứ 7 là thứ 7 và chủ nhật. Trong 2 ngày này, mọi công việc tạm xếp lại, người ta được nghỉ ngơi, tổ chức những cuộc vui nho nhỏ. Những cuộc vui đó bắt đầu từ tối thứ 5 và kết húc vào tối thứ 7. Thường thì trong lúc này, những người hàng xóm đến nhà nhau trò chuyện và ăn uống. Nam nữ thanh niên thì tổ chức hát, nhảy múa.
Là một quần đảo trong lòng đại dương, Samoa cũng là một “vườn thiên nhiên” quý giá của thế giới với nhiều loài động, thực vật đặc sắc. Trong đó có loài chim Ptilinopus. Nó là loài chim không tìm được ở bất cứ nơi nào trên trái đất, có bộ lông sặc sỡ và tiếng hót vô cùng trong trẻo.
Đến Samoa, người ta còn thích thú khi được ghé thăm những ngôi làng của người bản địa, mà làng Tula có lẽ là điểm dừng chân thú vị nhất. Tuy tiếp xúc với khá nhiều khách du lịch, kể cả các diễn viên Hollywood, nhưng người làng vẫn “không thích thú” đối với phụ nữ mặc quần soóc ngắn, vì theo họ điều đó sẽ “ảnh hưởng không tốt tới lũ trẻ”.
Bích Quyên