Hạ viện Nhật Bản trong ngày 16/7 đã thông qua Dự luật về an ninh quốc gia trong đó cho phép quân đội nước này được tham chiến ở nước ngoài, bất chấp hàng nghìn người biểu tình xuyên đêm trước tòa nhà Quốc hội với quan điểm ghi rõ trên các biển hiệu: “Không chiến tranh, Không giết chóc”.
Dự luật được Hạ viện thông qua đã gây bùng nổ làn sóng phản ứng và nhiều tranh cãi ở Nhật Bản. (Nguồn: Reuters).
Một ủy ban của Hạ viện Nhật Bản đã thông qua gói Dự luật trên, trong đó cho phép gỡ bỏ quyền phòng vệ tập thể đối với quân đội nước này hoặc cho phép quân đội chiến đấu để bảo vệ một nước đồng minh – như Mỹ. Tuy nhiên, động thái trên đang vấp phải phản ứng rất mạnh mẽ từ người dân, những người đang lên kế hoạch sẽ tiếp tục tổ chức nhiều cuộc tuần hành phản đối trong thời gian tới đây.
Hàng nghìn người biểu tình – mà theo các nhà tổ chức, con số có thể lên tới 100.000 người - đã tụ tập bên ngoài tòa nhà Quốc hội Nhật Bản để phản đối việc thông qua gói Dự luật trên. Nhiều người biểu tình còn tổ chức tuần hành xuyên đêm 15/7, giơ cao các biểu ngữ kêu gọi Thủ tướng Shinzo Abe từ chức và bác bỏ gói Dự luật trên. Trong ngày 16-7, đoàn người biểu tình tiếp tục tổ chức các cuộc tuần hành dưới trời mưa để phản ứng với chính quyền ông Abe.
Sau khi được Hạ viện thông qua, Dự luật sẽ tiếp tục được chuyển đến Thượng viện Nhật Bản, và nếu như không được thông qua trong vòng 60 ngày, nó sẽ được chuyển lại về Hạ viện, nơi liên minh của ông Abe dễ dàng thông qua Dự luật nhờ đại đa số chiếm tới 2/3 số ghế. Trong phát biểu thúc đẩy Dự luật này, ông Abe nói rằng Dự luật an ninh mới - vốn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ chính quyền Washington - là đặc biệt quan trọng với nước Nhật trong bối cảnh đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là từ phía Trung Quốc.
“Tình hình an ninh xung quanh Nhật Bản đang ngày càng khắc nghiệt” – ông Abe nói trước báo giới Nhật – “Các Dự luật này là hết sức quan trọng trong việc bảo vệ cuộc sống người dân Nhật Bản và ngăn chặn một cuộc chiến tranh”.
Điểm mới trong Luật An ninh lần này có thêm điều khoản quy định đối phó trực tiếp với những hành động tấn công từ bên ngoài đe dọa an ninh Nhật Bản, đồng thời cũng cho phép Nhật Bản sẽ có quyền thực hiện quyền phòng vệ tập thể theo những yêu cầu cụ thể khi sử dụng lực lượng phòng vệ ở nước ngoài. Luật An ninh mới còn bổ sung điều khoản mở rộng quyền hạn thực hiện nhiệm vụ và sử dụng vũ khí của lực lượng phòng vệ. Tuy nhiên, điều khoản này cũng nhấn mạnh thêm điều kiện phái cử lực lượng phòng vệ ra nước ngoài cần được Quốc hội thông qua.
Việc liên minh cầm quyền của ông Abe thúc đẩy Dự luật an ninh gây tranh cãi tại Hạ viện là một bước đến gần mục tiêu mở rộng vai trò của Lực lượng phòng vệ (SDF) ở nước ngoài, nhằm siết chặt liên minh với Mỹ. Đây được coi là một dấu ấn lớn trong việc thay đổi chính sách an ninh của Nhật kể từ sau Thế chiến II.
Tuy nhiên, theo quan điểm của các chính trị gia đối lập thì các Dự luật này, một khi có hiệu lực, có thể khiến Nhật Bản bị lôi kéo vào các cuộc xung đột mà Mỹ dẫn đầu trên khắp thế giới và vi phạm Điều 9 của Hiến pháp hòa bình của họ. Lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập Katsuya Okada hiện đang là người dẫn đầu làn sóng phản đối việc thông qua Dự luật này, ông kêu gọi chính quyền Thủ tướng Abe nên rút lại Dự luật trên và nên thừa nhận thất bại vì không thuyết phục được người dân.
Ông Abe, người trở lại văn phòng Thủ tướng vào năm 2012 với cam kết sẽ tăng cường sức mạnh phòng thủ của Nhật Bản và tái xây dựng nền kinh tế nước nhà, hiện đang chịu nhiều chỉ trích vì thúc giục thông qua gói Dự luật này. Hiện nay, một số điều tra mà các hãng truyền thông trong nước thực hiện cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông đã trượt xuống chỉ còn 40%, chủ yếu do các chính sách mà ông Abe chủ trương cùng kế hoạch tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân.
Một số nhà phân tích trong nước thậm chí còn bắt đầu so sánh ông Abe với các lãnh đạo Nhật từ thời chiến vì chạy theo một hiệp ước an ninh với phía Mỹ. Trong khi một số khác lại tin rằng các chính sách mà ông Abe đang theo đuổi cuối cùng sẽ được người dân ủng hộ mạnh mẽ và ông sẽ tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc bầu cử diễn ra trong tháng 9 tới để trở thành lãnh đạo của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) trong nhiệm kỳ 3 năm.