Quân đội Thái Lan củng cố quyền lực bằng Hiến pháp mới?

Khánh Duy 07/08/2016 19:11

Người dân Thái Lan đã bắt đầu đi bỏ phiếu trong ngày 7/8 trong một cuộc trưng cầu dân ý về Hiến pháp mới được quân đội nước này hậu thuẫn, có thể mở ra cuộc tổng tuyển cử trong năm 2017 nhưng lại yêu cầu chính phủ tương lai phải tuân thủ các điều khoản mà quân đội đề ra.

Quân đội Thái Lan củng cố quyền lực bằng Hiến pháp mới?

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha tham gia bỏ phiếu tịa thủ đô Bangkok. (Nguồn: Bloomberg).

Theo Reuters, đây là phép thử lớn đầu tiên đối với chính quyền Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, người đã đàn áp các hoạt động chính trị trong suốt 2 năm qua kể từ khi ông giành quyền trong một cuộc đảo chính hồi năm 2014. Sau khi bỏ phiếu tại thủ đô Bangkok, ông Prayuth đã thúc giục người dân tham gia bỏ phiếu, dù thực tế rằng dư luận không mấy mặn mà. Kết quả bỏ phiếu được công bố vào 20h00 cùng ngày.

“Đây là tương lai của Thái Lan” – ông Prayuth nói, thêm rằng “đây là nền dân chủ nên tất cả cử tri hợp lệ hãy tham gia”.

Cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra, người đã bị cấm hoạt động chính trị trong vòng 5 năm hồi tháng 1/2015 sau khi một cơ quan lập pháp được quân đội chỉ định buộc tội quản lý không tốt chương trình trợ giá gạo, cũng tham gia bỏ phiếu vào cuối tuần qua. Nói truowcs giới truyền thông trong nước và quốc tế, bà cũng thúc giục người dân Thái đi bỏ phiếu: “Tôi thực sự nghĩ rằng đây là một ngày quan trọng của Thái Lan, bởi đó là dân chủ, vậy nên hãy đảm bảo rằng người dân hiểu được điều đó”.

Ông Prayuth cũng tuyên bố rằng sẽ không từ chức nếu người dân lựa chọn bác bỏ Hiến pháp mới và rằng một cuộc tổng tuyển cử vẫn sẽ được tổ chức vào năm sau dù kết quả có ra sao.

Quân đội đã từng hai lần lật đổ chính phủ của gia tộc Shinawatra chỉ trong vòng một thập kỷ đầy biến động chính trị ở Thái Lan. Giới phê bình cho rằng việc bỏ phiếu cho Hiến pháp mới là một bước đi của quân đội nhằm che đậy sự thất bại của họ trong việc ngăn chặn tầm ảnh hưởng của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đối với chính trường Thái Lan dù đã bị lật đổ hồi năm 2006.

Dù đang phải sống lưu vong, nhưng ông Thaksin vẫn duy trì tầm ảnh hưởng mạnh mẽ, đặc biệt là với khu vực nông thông ở phía Bắc. Ông Thaksin đã gọi Hiến pháp mới là “sự điên rồ”, cho rằng nó sẽ giúp duy trì quyền lực quân đội và khiến cho Thái Lan không thể được quản lý.

Hãng tin Reuters cũng thực hiện phỏng vấn với một số quan chức kỳ cựu của nước này, trong đó cho thấy phía quân đội đang có tham vọng ngăn chặn hoàn toàn các cuộc đảo chính có thể xảy ra trong tương lai bằng Hiến pháp mới, trong đó nhằm làm suy yếu các đảng phái chính trị và đảm bảo vài trò quản lý của quân đội đối với nền chính trị và kinh tế nước nhà.

Theo Hiến pháp mới – nếu được thông qua sẽ là Hiến pháp thứ 20 của Thái Lan kể từ năm 1932 – có phần gây tranh cãi nhất là cho phép 250 ghế ở Thượng viện hoàn toàn do chính quyền quân đội bổ nhiệm. Trước cuộc đảo chính, hơn một nửa số ghế Thượng viện được bầu cử và số còn lại là chỉ định. Thay đổi này có nghĩa là các nhà làm luật do quân đội bổ nhiệm luôn chiếm số đông hơn các lãnh đạo được bầu trong Quốc hội Thái Lan.

Tái hòa giải chững bước

Dù kết quả cuộc trưng cầu này có ra sao đi chăng nữa, thì LHQ cũng vẫn mong muốn có một cuộc đối thoại giữa quân đội và các đảng phái chính trị ở Thái Lan; ông Luc Stevens, Đại diện Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan, cho hay.

“Sẽ không có sự tái hòa giải nếu như một bên nói rằng “Hãy cùng tái hòa giải dựa trên các điều khoản của chúng tôi”” – ông Stevens nói – “Nếu không muốn từ bỏ bất kỳ ai ở quốc gia này, bạn cần phải nghĩ về một tiến trình toàn diện, một cuộc đối thoại cởi mở nhằm đảo bảo rằng người dân có thể thể hiện ý kiến của họ”.

Trước đó, các đảng phái chính trị lớn nhất ở Thái Lan, trong đó có cả một đảng trung thành với ông Thaksin, đã tẩy chay Hiến pháp này. Tuy nhiên, chính quyền của ông Prayuth lại cấm tất cả các bên được tổ chức chiến dịch vận động. Đã có hai sinh viên tại tỉnh miền Bắc Chaiyanphum bị bắt giữ và buộc tội hôm thứ Bảy vì rải truyền đơn thúc giục người đân bỏ phiếu chống lại Hiến pháp mới.

Đây chỉ là một trong số hàng chục chính trị gia và nhà hoạt động bị bắt giữ trước kỳ trưng cầu dân ý về Hiến pháp. Tổ chức Ân xá quốc tế nói rằng chính quyền đã tạo nên một bầu không khí đáng sợ ngay trước cuộc bỏ phiếu bằng các vụ bắt giữ này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quân đội Thái Lan củng cố quyền lực bằng Hiến pháp mới?