Khi chiếc Không lực Một của Tổng thống Mỹ Barack Obama hạ cánh tại sân bay Hàng Châu chiều thứ Bảy tuần trước, giới chức Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu lao vào một cuộc tranh cãi, điều cho thấy tín hiệu căng thẳng giữa hai cường quốc vẫn chưa bao giờ ngừng lại.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đi ra từ phần bụng Không lực Một trong khi không có thảm đỏ tiếp đón tại Hàng Châu, Trung Quốc. (Nguồn: Reuters).
Quá trình tiếp đón Tổng thống Obama của phía chủ nhà Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh G20 đã nhanh chóng biến thành một câu chuyện mà trong đó ông Obama trở thành một vị lãnh đạo ít được chào đón nhất tại đây. Thực tế này được giới quan chức và ngoại giao Mỹ đánh giá là vừa đơn giản lại vừa phức tạp.
Sự việc bắt đầu từ việc chuyên cơ của Tổng thống hạ cánh xuống thành phố Hàng Châu của Trung Quốc. Trước chuyến bay này, Nhà Trắng đã nhận được sự chấp thuận của phía Trung Quốc cho phép họ sử dụng loại thang cuốn mà Tổng thống Obama vẫn hay dùng để xuống Không lực Một trong các chuyến công du nước ngoài. Nhưng đến thời điểm ngay trước khi máy bay của ông Obama tới nơi, phía Trung Quốc đột ngột thay đổi quyết định.
Trước đó, phía Mỹ luôn sẵn sàng sử dụng loại thang máy bay mà Trung Quốc cung cấp, nhưng phía Trung Quốc khẳng định rằng chiếc thang này được đưa tới máy bay bởi một tài xế mà họ chỉ định, người mà phía phái đoàn Mỹ cho hay là không thể giao tiếp với đội ngũ của Nhà Trắng do không biết tiếng Anh. Bởi vậy, phía Nhà Trắng yêu cầu thay thế người này bằng một tài xế biết tiếng Anh, nhưng lại bị Trung Quốc từ chối.
Khi Không lực Một hạ cánh, phía Trung Quốc nói với đội ngũ của Nhà Trắng rằng họ có thể sử dụng thang riêng của mình. Nhưng sau đó, không có thời gian để đổi thang nữa nên phía Mỹ quyết định phải sử dụng phần cửa ở phần bụng máy bay, vốn chỉ sử dụng trong các chuyến công du được bảo đảm an ninh ở mức độ không cao, như ở Afghanistan.
Chính quyết định này đã khiến cho Tổng thống Obama không thể có một màn xuất hiện hoành tráng từ phần cửa trước máy bay, cùng thảm đỏ bên dưới được nữa. Vị Tổng thống Mỹ bước xuống thang máy bay trong một khung cảnh khá hỗn loạn, khi các quan chức an ninh Trung Quốc ngăn chặn các phóng viên đi cùng đoàn tháp tùng ông được ghi hình và chụp ảnh.
Thậm chí ngay cả cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, bà Susan E. Rice, cũng bị các quan chức an ninh Trung Quốc gây phiền nhiễu.
“Đó là một phần trong văn hóa chủ nghĩa dân tộc mà phía Trung Quốc áp dụng ở mọi mức độ, kiểu như: “Mỹ không được phép bảo chúng tôi phải làm gì”” - Jorge Guuajardo, cựu đại sứ Mexico tại Trung Quốc, nói với tờ New York Times.
Ông Guajardo hay bản thân ông cũng từng nhận được những yêu cầu thái quá từ phía Trung Quốc khi ông còn làm việc với họ trong lúc diễn ra hội nghị thượng đỉnh G20 ở Los Cabos, Mexico, năm 2012.
“Sự cố về chiếc thang máy bay là cách để họ thể hiện quan điểm và khiến người Trung Quốc tự hào rằng họ không phải người dễ nghe theo người khác chỉ bảo” - ông Guajardo nói.
Giới quan chức chính phủ Mỹ hiện vẫn còn tranh cãi xem liệu sự cố thang máy bay có phải một phần kế hoạch nhằm làm bẽ mặt Tổng thống của họ hay không. Nhưng họ cho rằng sự cố trên đã phản ánh cách thức mà Trung Quốc tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay, một sự kiện lớn có sự góp mặt của hàng chục lãnh đạo thế giới.
Nhiều hãng truyền thông Mỹ cho hay, chính quyền Trung Quốc đã “dọn dẹp” sạch thành phố 10 triệu dân để phục vụ cho kỳ họp, trả tiền để người dân ở Hàng Châu đi nghỉ. Hàng Châu là một thủ phủ cấp tỉnh, nên nó chưa từng có kinh nghiệm trong việc tiếp đón các quan chức hàng đầu thế giới như vậy.
Ngoài ra, báo giới Mỹ cũng phàn nàn về việc chính quyền Trung Quốc hạn chế các hãng truyền thông quốc tế tiếp cận Tổng thống Obama khi ông tới đây. Cơ quan phụ trách báo chí của Nhà Trắng, thường vẫn được cho phép có mặt tại các sự kiện công chúng của Tổng thống dù ở bất cứ nơi nào ông tới, lại bị đẩy lên một chiếc xe buýt ở cách khá xa với địa điểm diễn ra hội nghị G20, trong khi không được tiếp cận với nhà vệ sinh hay thực phẩm.
Tuy nhiên, trong ngày 5/9, Tổng thống Obama đã lên tiếng làm nhẹ tính nghiêm trọng của sự cố này, nói rằng đó là một phần bình thường trong quá trình trao đổi về khả năng tiếp cận của đội ngũ an ninh và truyền thông mà Mỹ từng phối hợp với nhiều quốc gia khác.
Ông Obama cũng nhấn mạnh rằng các phái đoàn nước ngoài cũng thường cảm thấy bị tổn thương vì cách đối xử mà họ nhận được khi đến thăm nước Mỹ. Và ông cũng nói rằng phía Nhà Trắng cùng từng đưa ra quá nhiều yêu cầu đối với các quốc gia mà ông đến thăm, cũng vì lý do tầm cỡ của chuyến công du và công tác đảm bảo an ninh.
“Một phần của sự việc cũng do chúng tôi có phái đoàn lớn hơn nhiều các quốc gia khác” - ông Obama nói - “Chúng tôi mang theo rất nhiều máy bay, trực thăng, xe hơi và đội ngũ đi cùng, và nếu các bạn là một nước chủ nhà, đôi lúc các bạn sẽ cảm thấy thế là quá nhiều”.