Lời giải cho những sự bùng nhùng trong quản lý đất đai tại các nông lâm trường trong suốt thời gian qua đã được Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình ông Nguyễn Tiến Sinh chia sẻ trong cuộc trò chuyện với Đại Đoàn Kết. Ông Sinh cho rằng: Phải dứt khoát tái cơ cấu lại các nông lâm trường. Nông lâm trường “ôm” đất mà hoạt động không hiệu quả thì phải giao cho dân.
Giao đất cho dân phải có cơ chế để dân phát triển. (Ảnh: minh họa).
PV:Thông qua các cuộc giám sát của Ủy ban Thường vụ QH về thực trạng của các nông lâm trường, ông đánh giá thế nào về việc sử dụng đất tại các nông lâm trường hiện nay?
Ông Nguyễn Tiến Sinh: Qua các cuộc giám sát có một thực trạng nổi lên ở các nông lâm trường đó là tình trạng thất thoát quỹ đất và tài sản của Nhà nước tại các nông lâm trường khá nghiêm trọng, kể cả với cơ quan đã chuyển đổi. Chẳng hạn, tại Sơn La, chúng tôi đến một công ty chè ở Mộc Châu, đang quản lý 4.800ha. Công ty này sau khi chuyển đổi thành công ty cổ phần, lên sàn thì thành sở hữu của cổ đông. Theo đó, người ta chi phối hàng ngàn ha đất của nông lâm trường.
Trong quá trình giám sát, chúng tôi đến lâm trường ở Mường La, Sơn La hiện nay đơn vị này không sống được mà nợ các dự án thêm vài tỷ đồng. Tương tự, lâm trường Văn Chấn, Yên Bái 10 năm nay không có giám đốc mà có một phó giám đốc phụ trách, mấy năm nay họ sống lay lắt bằng tiền dịch vụ nuôi trồng rừng, Nhiều tháng liền họ không có đồng nào trả người lao động.
Nông lâm trường hoạt động không hiệu quả tất nhiên quyền lợi chính đáng của người lao động ở một số nông lâm trường không đảm bảo. Người ta thấy có nghịch lý nông lâm trường hoạt động không hiệu quả nhưng vẫn cứ “ôm đất”, thậm chí xẻ đất của nông lâm trường cho dân thuê lại. Rút cục dân chẳng được gì, Nhà nước cũng chẳng thu được gì.
Đã có các giải pháp cụ thể để xử lý bài toán nông lâm trường, do giải pháp chưa trúng hay vì lý do gì mà những sự bùng nhùng liên quan đến đất nông lâm trường vẫn chưa được xử lý dứt điểm, thưa ông?
Với nông lâm trường vấn đề cần bàn đến là phải xác định nông lâm trường anh là ai? Trong cơ chế thị trường anh giữ vị trí nào? Phải xác định được những vấn đề này mới bàn được những cơ chế tiếp theo. Thời gian qua tình trạng nông lâm trường hoạt động không hiệu quả có một số ý kiến nói tại chính quyền địa phương.
Nói thế cũng chưa thỏa đáng, đất nông lâm trường trên Hòa Bình mà lại thuộc Tổng Công ty ở Hà Nội thì huyện, xã, tỉnh không quản lý là đúng rồi. Phải làm rõ những vấn đề như tôi vừa nói thì mới bàn đến các vấn đề tài chính, giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng thì mới có hiệu quả, mới có trách nhiệm.
Nếu cứ để Nhà nước “ôm” đất nông lâm trường mà hoạt động không hiểu quả thế này thì bất ổn. Tất nhiên, tôi không cỗ vũ tư nhân hóa nhưng không chuyển đổi mô hình mà cứ nói chung chung là giao đất thì quản lý khó hiệu quả.
Theo ông, phải chuyển đổi mô hình thế nào, Nhà nước có can thiệp tới các nông lâm trường nữa không thưa ông?
Tất nhiên Nhà nước vẫn can thiệp. Mô hình là tổ chức kinh tế của Nhà nước nên Nhà nước phải can thiệp. Nhưng nông lâm trường nào làm chức năng công ích thì phải tách ra, nông lâm trường làm chức năng kinh tế thì cũng phải rõ ràng. Cái nào cần ôm, cái nào phải thả, nghị quyết đã rõ rồi. Nếu thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới thì phải ôm đến khi nào vững rồi thì chuyển đổi. Còn như ở Hà Nội thì làm gì phải ôm nữa, mà thả hết đi thì tự nông lâm trường phải bươn trải theo đúng Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư thì sẽ phát triển thôi.
Có câu chuyện, bộ, ngành nào cũng muốn có một vài công ty thuộc đơn vị mình là không được. Rõ ràng, khi quản lý nhà nước mà lẫn sang cả kinh doanh thì sẽ có chuyện vừa đá bóng, vừa thổi còi. Ông điện, ông xăng dầu được coi là ngành kinh tế cấp quốc gia mà mình cũng đang tính cơ chế quản lý. Còn công ty nông nghiệp không giữ vai trò lớn như thế thì không cần phải vương vấn đến như vậy.
Đất giao cho nông lâm trường thì họ phải thuê, mà nếu thuê thì họ sẽ phải tính đến việc sử dụng sao cho hiệu quả, không thể để một doanh nghiệp có 30-40 người mà quản lý 10 nghìn ha thì quản lý kiểu gì? Cho nên mới sinh ra việc phát canh thu tô vì không làm hết, không quản lý xuể. Nhà nước còn ưu ái cho các nông lâm trường mà quản không chặt thì Nhà nước không thu được thuế mà dân lại thiệt.
Như vậy chắc chắn chúng ta phải rà soát lại để thu hồi phần đất nông lâm trường sử dụng không hiệu quả để giao cho người dân, thưa ông?
Điều này là đương nhiên. Phải tiếp tục rà soát lại đất. Tranh chấp đất nông lâm trường không chỉ giữa người dân với nông lâm trường mà còn cả địa phương với nông lâm trường. Tôi đi giám sát thấy, các địa phương cũng phản ứng thấy nông lâm trường phát canh thu tô nhiều quá. Huyện, kể cả tỉnh cũng không đồng ý với cách quản lý như vậy. Vì vậy, những công ty không thuộc chức năng quản lý nhà nước thì giao lại cho địa phương quản lý như doanh nghiệp khác bình thường.
Phải rà soát lại đất đai đã giao, xem họ thực quản lý bao nhiêu? Những vấn đề phát sinh, trách nhiệm của Nhà nước, các nông lâm trường thế nào. Giải quyết dứt điểm thì doanh nghiệp mới được ký hợp đồng cho thuê đất. Khi chuyển đổi mô hình quản lý là cổ phần hóa thì phải làm rõ về quyền sử dụng đất. Hiện nay, có thực trạng chưa cổ phần hóa quyền sử dụng đất vì chưa giải quyết được câu chuyện tài sản trên đất hiện hữu nên tắc, phải giải quyết khâu này.
Cuối cùng phải giải quyết đất cho người dân. Ngày xưa tất cả vì mục tiêu XHCN nên khoanh vùng giao đất cho nông lâm trường, lúc đó không chỉ đất hoang mà còn thu hồi đất của dân. Lúc đó, người dân đồng thuận, ủng hộ nhưng nay chuyển sang loại hình khác thì phải tính đến lợi ích của người địa phương về đất ở, đất sản xuất. Chứ nay tính giao đất, cho thuê đất, khoán cho người dân ở nơi khác, địa phương khác thì phát sinh tranh chấp.
Theo tôi, dù chậm nhưng vẫn phải giải quyết đất liên quan đến nông lâm trường. Song song với đó, không thể nói mồm tái cơ cấu mà Nhà nước phải bố trí nguồn lực để đo đếm, xác định mốc giới, giải quyết các vấn đề phát sinh.
Có ý kiến lo ngại sau khi giao đất, nhất là đất rừng thì dân sẽ bán, cuối cùng thì toàn rơi vào tay các “đại gia”?
Đây là câu chuyện khác. Luật Đất đai quy định, người quản lý, sử dụng đất có rất nhiều quyền. Nếu chỉ dùng biện pháp hành chính thì rất khó. Thực tế, điều này cũng xảy ra ở một số nơi, do người dân lâm vào tình cảnh khó khăn nên buộc phải chuyển nhượng cho các đối tác khác để, đáp ứng yêu cầu trước mắt mà chưa tính yếu tố lâu dài.
Khi bàn về vấn đề này, Hội đồng dân tộc đã kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ là có một số biện pháp để hạn chế chuyển nhượng quyền sử dụng đất như tuyên truyền vận động, thời gian giao đất bao lâu thì mới được chuyện nhượng. Nếu lo ngại sợ người ta chuyển nhượng thì không được, mà buộc phải giao cho dân. Tuy nhiên, giao cho dân phải có cơ chế để họ phát triển, gắn sinh kế với đất.
Trân trọng cảm ơn ông!