Tổ chức và quản lý hoạt động của lễ hội đang là vấn đề “nóng”, khi mà tình trạng lộn xộn và phản cảm tại lễ hội kéo từ năm này sang năm khác…Đó là những nhận định từ Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc làm việc mới đây với Bộ VHTT&DL. Điều đó cho thấy yêu cầu đưa lễ hội vào nề nếp là rất cần thiết, phải làm ngay chứ không thể đợi chờ.
Lễ hội tịch điền Đọi Sơn.
Không phải chuyện xảy ra trong vòng 1,2 năm gần đây, mà rất nhiều mùa lễ hội trôi qua song thực trạng lộn xộn, nhếch nhác, buông lỏng quản lý luôn là đề tài nóng của truyền thông và là mối quan tâm của dư luận.
Rất nhiều hội nghị, hội thảo bàn giải pháp siết tổ chức lễ hội đã được triển khai; Nhiều chuyên gia văn hóa đã đóng góp tiếng nói cho công tác tổ chức và quản lý lễ hội.
Thậm chí trong việc phục dựng lễ hội truyền thống, có sự tham gia tư vấn của không ít các chuyên gia về lễ hội… nhưng sự tiến bộ trong văn hóa của lễ hội vẫn chưa được như kỳ vọng.
Đơn cử như tại hội cướp phết Hiền Quan (tỉnh Phú Thọ). Trước mùa lễ hội năm 2017 cả Bộ VHTT&DL cùng nhà chức trách địa phương đều khẳng định rằng, năm nay, BTC kiên quyết không để tái diễn tình trạng hàng ngàn người giẫm đạp lên nhau, tranh cướp như trước.
Thay vào đó, mỗi thôn làng sẽ thành lập một tổ từ 4-5 người, đầu tư trang phục giống nhau trong một tổ, phân biệt với các làng khác, các thôn làng sẽ “cướp phết” trong trật tự, tạo hình ảnh đẹp, đúng chất văn hóa, không phản cảm như những năm trước… Nhiều người rất kỳ vọng đây có thể coi như một lễ hội “điểm” của năm 2017.
Nếu làm tốt đây sẽ là mô hình tổ chức và quản lý lễ hội được nhân rộng ở nhiều địa phương khác. Dẫu thế lễ hội này vẫn tái diễn cảnh hỗn loạn không khác gì những năm trước đó. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi: phải chăng nhà quản lý đang bất lực với bạo lực trong lễ hội?!
Vậy khó khăn đang nằm ở đâu? Làm thế nào để vừa gìn giữ được lễ hội văn hóa dân gian và vẫn đưa lễ hội vào nề nếp? Tại cuộc làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ vừa rồi, ông Huỳnh Vĩnh Ái- Thứ trưởng Bộ VHTT&DL cho hay: những lễ hội phản cảm thì Bộ chủ trương không tổ chức hoặc cắt bỏ.
Địa phương phản ứng nhưng Bộ đã cử cán bộ xuống làm việc, rồi mời Viện Văn hoá nghiên cứu lại lễ hội. Bảo tồn phát huy những lễ hội có giá trị, chỗ nào phản cảm cắt bỏ. Chọi trâu, đá gà… ngày xưa là trò chơi dân gian, pháp luật không cấm nhưng ngày nay có trường hợp lợi dụng chọi trâu, đá gà để đánh bạc thì chúng ta cấm. Về hiện tượng bạo lực trong lễ hội như đã nêu, phía Bộ VHTT&DL cũng chia sẻ: Bộ muốn phối hợp với Tổng cục TDTT tổ chức cướp phết như hoạt động thể thao nhưng đồng bào bảo không phải thế.
Hay đơn cử như ở những lễ hội chọi trâu, nhiều địa phương lâu nay tổ chức. Cái này có lợi về kinh tế. Doanh nghiệp đầu tư hàng trăm con trâu, phối hợp với địa phương tổ chức chọi trâu bán vé, ... Vì thế dù đã quyết liệt xử lý nhưng chưa dẹp được…
Những thực trạng đã kể trên cộng đồng biết, cả xã hội đều biết, coi đó như một thứ ung nhọt nhức nhối, Bộ VHTT&DL lại càng rõ hơn ai hết. Nhưng cơ quan quản lý cấp cao nhất về văn hóa cũng bộc bạch rằng: Quản lý lễ hội vô cùng khó! Nói như vậy há chẳng phải khó khăn đang nằm ở chỗ… rất khó đó sao?
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ rằng Bộ trưởng Bộ VHTT&DL phải có phát ngôn, phải lên tiếng chính thức về công tác quản lý lễ hội hiện nay.
Người đứng đầu Bộ VHTT&DL cho biết, sau khi sơ kết đánh giá công tác lễ hội vào tuần tới, Bộ sẽ có báo cáo chính thức với Thủ tướng.
Nhưng đó là công việc trước mắt. Về lâu dài để lễ hội đi vào nề nếp phải bàn tới Quy tắc ứng xử với lễ hội, Quy hoạch lễ hội dài hơi cho nhiều năm sau nữa…
Trước thềm Xuân Đinh Dậu 2017, Bộ VHTT&DL đã tổ chức tọa đàm về ứng xử văn minh trong lễ hội với sự tham gia của các địa phương, nhà khoa học, nhà nghiên cứu.
Tại đó các đại biểu đều thống nhất quan điểm là hướng tới xây dựng bộ khung về quy tắc ứng xử trong lễ hội, trong đó sẽ có quy định ứng xử của Ban tổ chức lễ hội, người tham gia lễ hội, ứng xử của cộng đồng địa phương với người tham gia lễ hội.
Đây sẽ là quy định khung để các địa phương, ban quản lý lễ hội xây dựng quy định cụ thể, yêu cầu người tham gia lễ hội thực hiện ở địa phương… Nhưng có lẽ việc ban hành bộ quy tắc ấy cũng không thể làm ngay trong một sớm một chiều.
Trong khi yêu cầu về quy hoạch lễ hội toàn quốc cũng được đặt ra đã lâu. Một trong những nội dung mà dự thảo quy hoạch đề cập là sẽ thực hiện giảm quy mô, tần suất của lễ hội.
Thậm chí, loại bỏ những lễ hội không phù hợp. Nhưng cho đến thời điểm này, Dự thảo quy hoạch lễ hội xem ra ít được nhắc đến.
Giới nghiên cứu phân tích, lễ hội dân gian do cộng đồng làng xã tạo dựng nên. Nó xuất phát từ nhu cầu, ước vọng của từng người dân, của cộng đồng đó từ ngàn đời truyền lại đến nay.
Mỗi cộng đồng, mỗi lễ hội đều có những đặc tính riêng, lễ hội là dân dã, đông vui, náo nhiệt. Lễ hội không phải là một cuộc duyệt binh phải chỉnh tề, đúng khuôn phép.
Vì thế hãy để người dân, cộng đồng đã sản sinh ra lễ hội đó tự làm việc này. Nhưng ngược lại cũng có những người cho rằng, quy hoạch lại lễ hội để lập lại trật tự trong hoạt động tâm linh là cần thiết.
Quản lý và tổ chức lễ hội cần phải có sự thay đổi trong tư duy và cách thức cho phù hợp; có những mô hình điển hình trong tổ chức và quản lý lễ hội để các địa phương học hỏi và áp dụng vào thực tiễn của địa phương mình.
Tất cả những tham vấn từ giới nghiên cứu, chuyên gia âu cũng chỉ hướng tới một mục đích để lễ hội thực sự mang ý nghĩa như tự thân nó vốn có.
Tuy nhiên, sự văn minh của lễ hội đang phụ thuộc rất nhiều vào cách thức điều tiết của cơ quan quản lý nhà nước, cùng sự vào cuộc của chính quyền địa phương.
“Siết” quản lý là một yêu cầu cấp thiết, không phải chuyện nói suông, không phải việc ban hành những văn bản cho có, hoặc trông chờ những báo cáo gửi về trên giấy.