Theo PGS Nguyễn Chu Hồi, phương pháp quản lý tổng hợp sông và vùng bờ dựa trên cách tiếp cận 2R (từ đầu nguồn tới biển) không còn là phương thức quản lý mới trên thế giới nhưng ở Việt Nam, nó hiện mới đang ở bước khởi đầu.
PGS Nguyễn Chu Hồi.
Theo các nhà khoa học, lưu vực sông và vùng bờ biển là hai hệ thống tự nhiên liên kết với nhau về mặt không gian và có tầm quan trọng đặc biệt đối với tài nguyên nước và các dạng tài nguyên thiết yếu khác phục vụ sự phát triển của quốc gia và đời sống con người.
Tuy nhiên, cách quản lý truyền thống, thiếu liên ngành, liên vùng và chưa xem xét ảnh hưởng của lưu vực sông tới vùng bờ biển hiện nay đang đẩy các lưu vực sông và vùng bờ biển vào thế phát triển thiếu bền vững. Phương thức quản lý tài nguyên này theo phương thức truyền thống phổ biến vẫn là bị chia cắt theo ngành, chú trọng nhiều đến lợi ích trước mắt, bỏ qua các lợi ích lâu dài.
Trong thực tế, giữa lưu vực sông, vùng bờ và biển có mối quan hệ dẫn xuất và tương tác. Thượng nguồn là nơi “tạo lũ”, còn vùng bờ là nơi “chịu lũ”, từ trên lưu vực các con sông cần cù tải ra biển nước ngọt, phù sa nhưng cũng đồng thời tải ra cả các chất gây ô nhiễm.
Theo PGS Nguyễn Chu Hồi, khoảng 40 đến 70% các nguồn thải gây ô nhiễm biển và vùng bờ là từ đất liền, hay nói đúng hơn là từ các hoạt động phát triển trên các lưu vực sông.
Do “trăm sông đều đổ về biển cả” nên có thể xem lưu vực sông đóng vai trò yếu tố “đầu đường ống”, còn vùng bờ là đoạn “cuối đường ống”. Cho nên vùng bờ chịu tác động rất mạnh từ các hoạt động trên lưu vực sông, cũng như các tai biến môi trường và thiên tai từ biển.
Nếu các tác động tiêu cực trên lưu vực sông không được xử lý hiệu quả, thì các vùng biển bên ngoài sẽ gánh chịu hậu quả cuối cùng của “luỹ kế” các tác động từ lưu vực sông. Ngược lại, các hoạt động phát triển trên lưu vực sông ven biển cũng luôn chịu các tác động tiêu cực từ biển thông qua vùng bờ của nó như bão, triều cường, xâm nhập mặn…
Nói cách khác, quan hệ tương tác giữa lưu vực sông, vùng bờ và biển mang dấu ấn của vấn đề xuyên ranh giới, mà việc quản lý chúng không phụ thuộc vào ranh giới hành chính giữa các vùng, các địa phương hoặc thậm chí là giữa các quốc gia (đối với những con sông chảy qua nhiều nước).
Điều này đòi hỏi sự phối hợp của các bên liên quan để có một cơ chế điều phối liên kết vùng hoặc quốc gia. Tránh việc mạnh bên nào bên đấy đầu tư phát triển dự án lưu vực sông, vùng bờ hoặc biển. Bất chấp hậu quả môi trường bị đe doạ, xung đột lợi ích và xung đột không gian sử dụng của các bên.
Trước tình hình đó, quản lý tổng hợp lưu vực sông và vùng bờ biển với cách tiếp cận “Từ đầu nguồn xuống biển” đã được khởi xướng và được nhiều tổ chức quốc tế thúc đẩy và áp dụng thí điểm.
Đây là phương thức quản lý theo không gian nhấn mạnh đến hai nguyên tắc then chốt, đó là: tính phụ thuộc lẫn nhau của hệ thống lưu vực sông, vùng bờ biển; tính lồng ghép về thể chế và cơ chế chính sách, tính liên vùng, liên tỉnh trong quản lý lưu vực sông và vùng bờ biển.
Tại Việt Nam, hiện nay lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ biển Quảng Nam - Đà Nẵng được lựa chọn nghiên cứu nhằm áp dụng thử nghiệm phương thức quản lý mới này. Theo PGS Nguyễn Chu Hồi: “Lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn là một trong số lưu vực sông lớn ở nước ta có ảnh hưởng trực tiếp xuống vùng bờ biển Quảng Nam-Đà Nẵng.
Các hoạt động phát triển kinh tế mạnh mẽ cùng với cách tiếp cận quản lý tài nguyên nước hiện nay chưa hoàn toàn phù hợp với lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam-Đà Nẵng.
Đây chính là nhân tố làm suy giảm chức năng và sự sống của lưu vực, là yếu tố trở ngại cho phát triển kinh tế - xã hội của TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam trong tương lai.”
Bởi vậy, việc tăng cường cơ chế phối hợp giữa tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng, giữa các ngành và các bên liên quan để quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và vùng bờ biển Quảng Nam-Đà Nẵng nếu thực hiện tốt, đây sẽ là mô hình nên nhân rộng cho các lưu vực sông khác có điều kiện tương tự ở nước ta.
Trong buổi đối thoại mới đây giữa hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam, 2 bên đã tập trung thảo luận để đi đến thống nhất thỏa thuận về “Quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và vùng bờ biển Quảng Nam-Đà Nẵng”.
Đây là bước tiến quan trọng đối với việc quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và vùng bờ biển Quảng Nam-Đà Nẵng, nói riêng. Đồng thời tiến tới phát triển và thúc đẩy mô hình quản lý đối với các con sông khác trong cả nước.