Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ tại Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, có nhiều bệnh nhân không điều trị hoặc chỉ điều trị trong một thời gian ngắn khi thấy chỉ số huyết áp giảm. Theo các chuyên gia y tế, đây là một quan niệm sai lầm.
Chia sẻ bên lề tọa đàm "Những đổi mới trong chăm sóc sức khỏe và điều trị đột quỵ" trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai cho biết hiện nay tỷ lệ đột quỵ mới mắc ở Việt Nam là cao nhất thế giới, trên 200.000 ca đột quỵ một năm. Đồng thời tỷ lệ tử vong của đột quỵ ở Việt Nam hiện nay cũng còn cao, đặc biệt là tỉ lệ tàn tật do đột quỵ.
Trước nguy hại về đột quỵ gây ra, ông và các cộng sự mong muốn đề xuất với Bộ Y tế để có một chương trình quốc gia về phòng, chống, quản lý bệnh nhân đột quỵ với ba mục tiêu chính là: Giảm tỷ lệ mắc mới về đột quỵ ở Việt Nam, Giảm được tỷ lệ tử vong do đột quỵ và Giảm được tỷ lệ tàn phế do đột quỵ.
Đối với các giải pháp để làm sao giảm được số ca mắc mới, theo PGS.TS Mai Duy Tôn, vấn đề quan trọng nhất là dự phòng tiên phát. Trong đó, một trong những giải pháp quan trọng đó là nâng cao nhận thức của người dân về bệnh đột quỵ, sự nguy hiểm của đột quỵ. Mỗi người phải nhận biết được các yếu tố nguy cơ về đột quỵ của bản thân, và phải điều chỉnh những yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được. Ví dụ như lối sống lành mạnh, từ bỏ các thói quen xấu như hút thuốc lá, nghiện rượu, những người mà ít vận động, ít thể dục thể thao hàng ngày, thay đổi chế độ ăn.
Hiện nay rất nhiều người Việt Nam có chế độ ăn rất mặn, vậy phải làm sao để giảm được lượng muối đưa vào cơ thể hàng ngày, rồi người bệnh béo phì thì phải giảm được cân. Đó là những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi.
Bên cạnh đó những người có bệnh nền thì phải điều trị, ví dụ như tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ tại Việt Nam hiện nay. Có rất nhiều bệnh nhân tăng huyết áp nhưng lại không điều trị. Họ cho rằng đó là bình thường. Bên cạnh đó, họ thường chỉ điều trị trong một thời gian ngắn. Khi chỉ số huyết áp trở về bình thường thì họ nghĩ là đã ổn rồi nên dừng thuốc. Đó là một quan niệm rất sai lầm.
Hiện nay rất nhiều người, đặc biệt người trẻ, bị đột quỵ là do có bệnh nền tăng huyết áp không được điều trị, hoặc điều trị một thời gian ổn định thì tự động bỏ thuốc. Hay những người mắc rối loạn chuyển hóa lipid máu bắt buộc phải điều trị, để làm sao giảm được nguy cơ xơ vữa mạch máu – yếu tố có thể gây ra đột quỵ và các bệnh lý tim mạch khác.
Một trong các biện pháp khác hiện nay là vai trò của công nghệ. Sẽ có những phần mềm cho phép một người khi nhập dữ liệu bản thân vào thì sẽ ước tính được các nguy cơ về bệnh lý tim mạch, trong đó có đột quỵ, đồng thời có thể đưa ra các giải pháp để người đó tự thay đổi, và sau một thời gian định kỳ sẽ đánh giá lại.
“Đó là một trong những chiến lược mà chúng tôi sẽ thảo luận với Bộ Y tế. Bộ Y tế phải cho phép sử dụng phần mềm nêu trên với người dân Việt Nam thì chúng tôi mới được phép thí điểm” – Giám đốc Trung tâm Đột quỵ cho biết.
Chia sẻ thêm, PGS.TS Mai Duy Tôn cho biết trong chương trình quốc gia về phòng, chống đột quỵ, ông và các cộng sự mong muốn đề xuất với Bộ Y tế sẽ có một Ban cố vấn, gồm các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới về lĩnh vực đột quỵ, và thứ hai là Ban cố vấn trong nước, gồm các nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực đột quỵ tại Việt Nam. Đấy là hai Ban cố vấn rất quan trọng để đưa ra các giải pháp, lộ trình triển khai thực hiện để trình cho Bộ Y tế, để chúng ta triển khai áp dụng cho người dân Việt Nam.
Chúng ta có thể áp dụng những thành quả đã được triển khai ở các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển hoặc các nước kém phát triển ở trên thế giới. Những nước đã có mô hình nào đó được ứng dụng thành công, chúng ta sẽ thảo luận áp dụng vào điều kiện tại Việt Nam, với mong muốn làm sao đạt được hiệu quả tốt nhất.
Với việc tham gia mạng lưới toàn cầu này, chúng ta sẽ biết được những nhà khoa học hàng đầu về các lĩnh vực, ví dụ như công nghệ thông tin, AI, các nhà dịch tễ học, các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực đột quỵ trên thế giới, và mời được họ tham gia vào Ban cố vấn của chương trình về phòng, chống đột quỵ mà có thể triển khai ở Việt Nam trong tương lai.