Chính quyền xã đặc biệt khó khăn Sơn Thủy thuộc huyện vùng cao Quan Sơn (Thanh Hóa) đã phải dành dụm nguồn vốn từ Chương trình 135 suốt 2 năm trời mới đủ tiền đầu tư xây dựng con đập phục vụ nước tưới cho hơn 12ha đất trồng lúa bản Chanh. Vậy nhưng, công trình vừa hoàn thành đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết, không phát huy tác dụng. Hơn 3 tỷ đồng có nguy cơ trôi theo nước con suối Mương Dò.
Toàn bộ thân đập đã bị vùi lấp xuống lòng suối
Dân bản Chanh bức xúc
Năm 2009, khi đường vành đai biên giới được triển khai thi công xuyên qua con suối Mương Dò cũng là lúc toàn bộ cánh đồng ít ỏi của người dân bản Chanh rộng hơn 12ha phải bỏ hoang. Nguyên nhân dẫn tới sự việc trên là do nhà thầu đắp bờ be phục vụ việc thi công cây cầu Suôi Se bắc qua con suối Mương Dò. Khi cầu xây xong, cũng là lúc con đập do bà con bản Chanh tự tạo không còn nữa, những khối đá lớn nặng hàng chục tấn án ngữ lòng suối khiến cho dòng nước đổi chiều khó đoán. Sự việc trên dẫn tới hệ lụy, hơn 12ha đất nông nghiệp được coi là cứu cánh của người dân nghèo sinh sống ở vùng đất rẻo cao này trở nên hoang hóa. Sau đó, UBND xã Sơn Thủy nhiều lần “kêu cứu” đến chính quyền cấp huyện, ngành chức năng cấp tỉnh và nhận được sự đồng ý cho đầu tư xây dựng con đập kiên cố nhằm chủ động nguồn nước tưới đồng ruộng.
Vậy nhưng khi công trình vừa hoàn thành, chưa kịp bàn giao thì phần thân đập đã bị lòng suối Mương Dò vùi lấp. Hai bên vai đập có dấu hiệu xuống cấp. Cửa lấy nước vào đường ống bị tống đầy cát…
Anh Vi Văn Thánh - Bí thư Chi bộ kiêm cán bộ Mặt trận bản Chanh phản ánh: Vụ thu đông vừa rồi, UBND xã Sơn Thủy chỉ đạo nhân dân chủ động ngâm mạ chuẩn bị gieo trồng. Bà con khấp khởi vui mừng vì rồi đây cuộc sống sẽ đổi khác. Có nước, nhân dân cấy lúa, câu chuyện miếng cơm, manh áo bớt phần khó khăn. “Nhưng chúng tôi phản đối. Bởi chắc chắn con đập sẽ không phát huy hiệu quả. Nếu có ngâm mạ cũng chỉ tốn tiền giống. Đập thi công xong, họ cho vận hành thử. Bữa đầu tiên nước dâng lên theo đường ống đã rất yếu ớt. Sau đó thì tịt hẳn. Cả xã phải chắt bóp nguồn vốn hỗ trợ suốt hai năm trời mới có đủ hơn 3 tỷ đồng xây đập, giờ đang đứng trước nguy cơ “chìm” xuống suối”- anh Thánh bức xúc.
Mắc nhiều sai phạm
Trước sự việc trên, Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã thành lập đoàn kiểm tra công tác nghiệm thu đưa đập Mương Dò vào sử dụng. Kết quả kiểm tra cho thấy, đơn vị thi công mắc nhiều sai phạm. Cụ thể, tại văn bản số 2313/SNN&PTNT-QLXDCT do ông Phạm Đức Luận - PGĐ Sở NN&PTNT Thanh Hóa ký cho thấy: Toàn bộ khu vực thượng lưu ngưỡng tràn, bể tiêu năng và sân sau bể tiêu năng bị bồi lấp. Hiện tượng này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình lấy nước vào kênh và đường ống. Nguyên nhân, do sau thi công xong phần xây lát, các hạng mục công trình đầu mối, toàn bộ lượng đất, đá để quây thượng, hạ lưu chưa được thanh thải hết. Việc gia cố mái vai tả thượng lưu đập và đào kênh dẫn thượng lưu cửa lấy nước chưa thi công theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt. Nhà thầu chưa thi công, lắp đặt cánh cửa và ổ khóa cửa cống lấy nước. Do đó, dòng chảy mang theo bùn cát lấp đầy kênh, bể lắng cát và đường ống dẫn. Phần tuyến đường ống thép dẫn nước dài 150m, theo hồ sơ thiết kế phê duyệt phải được chôn xuống lòng suối với độ sâu từ 30-40cm. Nhưng thực tế, toàn bộ đoạn đường ống này hiện nằm nổi trên lòng suối, nhiều đoạn nằm cao hơn đáy suối, khi mưa lũ về dịch chuyển vị trí dẫn tới các mối nối ống không kín. Cần đỡ tay quay van xả cát bị gãy không vận hành được...
Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã giao cho nhà thầu thi công phải khẩn trương triển khai công tác thanh thải toàn bộ khối lượng đất, đá bồi lấp trong phạm vi thi công công trình. Thông thoát tuyến ống bị lấp, tắc để đảm bảo dẫn nước. Thực hiện các nội dung khác đã được phê duyệt mà chưa thi công. Đơn vị tư vấn giám sát phải bố trí người có năng lực thường xuyên liên tục có mặt trên công trường giám sát chặt chẽ tiến độ, khối lượng, chất lượng, kỹ mỹ thuật. Vậy nhưng, thời gian trôi qua đã gần 3 tháng, công trình đập Mương Dò vẫn án binh bất động, trong khi chủ đầu tư (UBND xã Sơn Thủy) đã cho nhà thầu ứng vốn hơn 2 tỉ đồng.