Ngày 9/9, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc xử lý hậu quả sự cố vụ cháy tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông: Yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan trực tiếp chỉ đạo, tiếp tục khẩn trương triển khai các công việc xử lý hậu quả vụ cháy ở Công ty này.
Cán bộ Viện Hóa học môi trường quân sự phân tích mẫu tại phòng thí nghiệm.
Thủ tướng chỉ đạo phải thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân ở khu vực bị ảnh hưởng do sự cố vụ cháy; đôn đốc, hướng dẫn, giám sát thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố môi trường, đồng thời điều tra, xác định nguyên nhân gây cháy nổ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Sự chỉ đạo kiên quyết của Thủ tướng chắc chắn sẽ đẩy nhanh việc giải quyết sự cố, trong đó hệ trọng nhất là việc xác định rõ vụ cháy có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân trong vùng hay không, khi một lượng thủy ngân không nhỏ đã lan ra môi trường. Đó là điều tất cả mọi người đều quan tâm.
Cho tới thời điểm này, nhìn lại sự cố, dư luận vẫn không khỏi bất bình. Bởi lẽ vụ việc tuy được nhiều cơ quan, ban ngành vào cuộc nhưng thông tin có độc hại hay không lại không thống nhất, thiếu rõ ràng. Chiều 28/8, đám cháy bùng phát, ngọn lửa bao trùm, cột khói bốc cao hàng trăm mét. Hôm sau, UBND phường Hạ Đình ra thông báo khuyến cáo người dân trong khu vực về tác hại có thể có của hóa chất được nhà máy sử dụng trong quá trình sản xuất (cụ thể là thủy ngân). Nhưng sau đó không lâu, chính UBND quận Thanh Xuân lại thu hồi thông báo của phường, thậm chí còn yêu cầu kiểm điểm Chủ tịch phường vì đã ra văn bản khuyến cáo không đúng thẩm quyền, gây hoang mang dư luận. Cùng với việc thu hồi văn bản của phường, UBND quận đã ban hành văn bản thông báo cho biết Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường thuộc Sở TNMT Hà Nội đã lấy mẫu, phân tích, đánh giá chất lượng môi trường xung quanh khu vực, cho thấy ở mức độ bình thường. Trong văn bản này, UBND quận Thanh Xuân còn nêu rõ thông tin ban đầu của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường thuộc Bộ Y tế cho biết các chỉ số đều trong ngưỡng cho phép, an toàn với người dân. Tuy nhiên, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường đã lên tiếng phủ nhận việc cung cấp kết quả quan trắc cho quận Thanh Xuân.
Cũng vào thời điểm đó, phát biểu trên báo chí, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ thực phẩm - Đại học Bách khoa Hà Nội) lại cho rằng trong đèn huỳnh quang có thủy ngân và Ion có khả năng phát xạ. Việc khuyến cáo người dân phòng độc là việc nên làm để đảm bảo sức khoẻ con người. “Khi có nguy cơ thì phải phòng ngừa, còn nếu sau này khảo sát không có nguy cơ phơi nhiễm thì việc phòng ngừa cũng không mất gì”- theo PGS Thịnh.
Tại buổi họp báo Chính phủ (4/9), trả lời về sự ảnh hưởng môi trường sau vụ cháy, Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân cho biết, theo báo cáo của Công ty Rạng Đông thì lượng thuỷ ngân bị phát tán là 15,1kg. Nhưng theo số liệu của các nhà khoa học thì khối thuỷ ngân bị phát tán khoảng 27,2 kg. “Chúng tôi xác định từ 15,1 đến 27,2 kg thủy ngân đã phát tán ra môi trường”- ông Nhân nói. Tuy nhiên kết quả lấy mẫu nước, trầm tích xung quanh nhà máy cho nhiều kết quả khác nhau.
Rồi tới lượt Viện Hóa học môi trường quân sự (Binh chủng Hoá học, Bộ Quốc phòng) vào cuộc, tiến hành lấy mẫu tại hiện trường vụ cháy để phân tích, đến ngày 9/9 đã có kết quả giám định. Viện đã gửi kết quả giám định lên cấp trên và chờ các bước chỉ đạo tiếp theo. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Viện, với mức ô nhiễm như vậy thì việc tẩy độc, xử lý môi trường là cần thiết và chắc chắn phải làm trong thời gian tới.
Như vậy, rõ ràng môi trường khu vực xung quanh Công ty Rạng Đông đã bị ảnh hưởng từ sau vụ cháy. Thế nhưng, có vẻ như nhà máy lẫn chính quyền quận đã lúng túng, không nhìn nhận đúng mức độ nguy hại để cảnh báo người dân và có hướng xử lý ô nhiễm môi trường.
Sở dĩ phải điểm lại diễn biến của sự cố cháy tại Công ty Rạng Đông là để cùng nhìn nhận những cách hành xử khác nhau trong cùng một sự việc. Đặc biệt đó là sự việc ảnh hưởng tới hàng chục ngàn người xung quanh khu vực cháy. Với một sự cố nghiêm trọng như vậy thì thông tin nhanh, rõ ràng, minh bạch là vô cùng cần thiết. Không thể để người dân hoang mang do không biết thực hư. Người dân quanh khu vực cháy bị lạc vào ma trận thông tin những ngày qua đã phải sống trong nơm nớp lo âu. Trách nhiệm trước hết thuộc về Công ty Rạng Đông, tiếp đó là UBND quận Thanh Xuân. Không gây hoang mang trong nhân dân, nhưng không thể lấy lý do đó để giấu tác hại của thủy ngân đến sức khỏe người dân, đến môi trường. Trước mỗi sự cố, tinh thần trách nhiệm và dám chịu trách nhiệm trước xã hội là vô cùng quan trọng. Chính cách hành xử lúng túng đã tạo ra vụ “khủng hoảng thông tin”, làm hoang mang dư luận ngược với ý định ban đầu là để “an dân”.
Rồi đây, khi đã có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, cơ quan chức năng sẽ đưa ra kết luận cuối cùng; sinh hoạt của người dân trong khu vực sẽ sớm ổn định. Nhưng vẫn cần phải nhắc lại một cách nghiêm khắc rằng: Trước hết và quan trọng nhất chính là thái độ đối với dân, luôn luôn lo cho dân không chỉ đợi đến khi có sự cố.