Công tác xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở các khu dân cư, nhất là khu dân cư ở đồng bào công giáo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình luôn được MTTQ các cấp quan tâm đặc biệt. Để thực hiện tốt việc này, MTTQ các cấp đã thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào công giáo trên địa bàn tỉnh.
Khu dân cư thôn 3 Phúc Đồng (xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch) là vùng bán sơn địa với 97% dân số là đồng bào công giáo. Những năm qua, thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, gắn với mô hình “Xứ, họ đạo bình yên, gia đình hòa thuận”, cuộc sống của bà con nơi đây ngày càng cải thiện và từng bước được nâng cao. Trong đó, nhiều hộ gia đình đã tự nguyện hiến đất, đóng góp công sức, tiền của để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, bê tông hóa đường làng, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp.
Ông Đỗ Xuân Anh - Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn 3 Phúc Đồng, cho biết các thành viên Ban Công tác Mặt trận kết hợp với hội đồng giáo xứ đã đi từng ngõ, gõ từng nhà, vận động bà con giáo dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị, nông thôn mới kiểu mẫu. Bên cạnh đó, còn vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và hương ước của địa phương. Trong quá trình thực hiện, bà con nhân dân luôn đồng thuận, đóng góp kinh phí để xây dựng các tuyến đường nông thôn và các mô hình nông thôn mới. Nhờ đó, đến nay, thôn 3 Phúc Đồng đã có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, không chỉ khai thác tiềm năng của vùng đất, làm giàu chính đáng mà còn giải quyết việc làm cho người lao động ở địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã Phúc Trạch.
Có thể nói rằng, từ thành công của mô hình “Xứ, họ đạo bình yên, gia đình hòa thuận” ở thôn 3 Phúc Đồng đã góp phần làm lan tỏa để bà con giáo dân yên tâm, tin tưởng và hăng hái chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các hương ước, quy ước của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Lương - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Phúc Trạch cho biết, được sự chỉ đạo của cấp ủy, sự phối hợp của chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể đã vận động nhân dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh gắn với phương châm hướng về cơ sở, gần dân, sát dân và luôn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Ngoài ra, MTTQ cũng thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, đặc biệt quan tâm đến đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Không chỉ riêng thôn 3 Phúc Đồng, hiện nay việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh vùng đồng bào công giáo cũng đang được MTTQ các cấp trên địa bàn huyện Bố Trạch quan tâm, thực hiện. Được biết, Ủy ban MTTQ huyện Bố Trạch là đơn vị khởi sướng và kết nối khu dân cư vùng đồng bào công giáo có điều kiện về kinh tế để giao lưu, gắn kết với 7 khu dân cư công giáo còn gặp nhiều khó khăn trên địa bàn huyện để giúp đỡ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo cũng như trao đổi kinh nghiệm của cấp ủy, chi bộ và Ban Công tác Mặt trận giữa các thôn. Qua đó, mở rộng giao lưu, học hỏi, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Duy Hưng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Bố Trạch cho biết, để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn huyện nói chung và vùng đồng bào công giáo nói riêng, thời gian qua, MTTQ huyện đã thực hiện đồng bộ các giải pháp như, hướng các hoạt động đến các khu dân cư, đến từng hộ gia đình cũng như triển khai công tác tuyên truyền, vận động bà con nhân dân hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng về khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bên cạnh đó, thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể đã triển khai quyết liệt các hoạt động trên mọi lĩnh vực. Trong đó, thành công nhất là mô hình giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các khu dân cư để đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.
Có thể khẳng định, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, tiêu biểu là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, trong thời gian qua đã được Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh hưởng ứng tích cực và cụ thể hóa bằng 5 nội dung cơ bản đó là đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng; chung sức xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh; xây dựng và phát huy đời sống văn hóa, phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế cùng các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, từ thiện nhân đạo; tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng cộng đồng dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp… Các nội dung này đã góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho bà con, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Nhờ đó, diện mạo của các xứ, họ đạo ngày càng khang trang, sạch đẹp. Bà con giáo dân ngày càng phấn khởi, yên tâm giữ đạo và chu toàn trách nhiệm công dân.
Ông Phạm Văn Hạnh - Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Quảng Bình cho biết, có được thành quả đó là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và MTTQ các cấp, sự đồng tình chia sẻ, ủng hộ của các vị linh mục, sự nỗ lực, vượt khó vươn lên của mỗi giáo dân; đặc biệt sự chỉ đạo sát sao của MTTQ tỉnh và Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh để triển khai các nội dung, văn bản và thực hiện tốt các chương trình phối hợp. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh còn thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con giáo dân, các tổ chức xã hội, để từ đó đưa ra các giải pháp nhằm khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực trong giáo dân.
Có thể thấy, việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Bình thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó đồng bào Công giáo luôn sống tốt đời, đẹp đạo, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.