Quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật: Nghệ sĩ bị xử lý ra sao?

Minh Quân 06/09/2023 07:40

Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng đã có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Lâm Đồng về việc hiện nay, có nhiều nghệ sĩ tham gia quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật.

Nhiều nghệ sĩ tham gia quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật.

Trước việc cử tri đề nghị phải có chế tài xử lý cũng như quản lý thuế với các quảng cáo đồng thời phải chịu trách nhiệm về việc những quảng cáo do nghệ sĩ thực hiện, Bộ VHTTDL cho biết khi quảng cáo, tham gia thực hiện quảng cáo thực phẩm (trong đó có thực phẩm chức năng), các tổ chức, cá nhân đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quảng cáo cũng như các hành vi bị cấm trong quảng cáo, phương tiện quảng cáo, tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo...

Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về quảng cáo, đặc biệt là đối với các nghệ sĩ tham gia quảng cáo thực phẩm chức năng, Bộ VHTTDL có ý kiến cụ thể như sau: Tại Luật Quảng cáo hiện hành có khái niệm về “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo”, do đó, khi tham gia vào hoạt động quảng cáo, “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” sẽ phải chịu trách nhiệm nếu có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo. Tuy nhiên, để xác định cụ thể trách nhiệm của nghệ sĩ khi tham gia quảng cáo, cần phải căn cứ vào từng trường hợp, mối quan hệ giữa người chuyển tải sản phẩm quảng cáo với người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo (tự thực hiện hoặc được thuê), từ đó áp dụng các chế tài xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Hiện Chính phủ giao Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Sau khi tổng kết, lấy ý kiến, Bộ VHTTDL đã đề xuất đưa quy định về “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng” (trong đó có nghệ sĩ) vào nội dung dự kiến của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo nhằm tạo hành lang pháp lý quản lý chặt chẽ hơn đối với chủ thể này khi tham gia hoạt động quảng cáo, phát huy lợi thế về sức ảnh hưởng tích cực đồng thời và giảm thiểu những tác động tiêu cực đến xã hội. “Về nội dung liên quan đến quản lý thuế, khi thực hiện quảng cáo, các tổ chức, cá nhân tham gia phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế” - văn bản trả lời cử tri của Bộ VHTTDL.

Với sự bùng nổ của các nền tảng mạng xã hội, thời gian qua nhiều nghệ sĩ đã tham gia các quảng cáo, đóng vai trò “đại sứ thương hiệu” cho nhiều sản phẩm, trong đó có các mặt hàng thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, bên cạnh các sản phẩm uy tín, khá nhiều mặt hàng bị giả danh, chất lượng không đảm bảo làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, gây bức xúc trong xã hội. Thậm chí, nhiều sản phẩm còn sử dụng danh nghĩa, hình ảnh bác sĩ, người nổi tiếng, diễn viên... để thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng như “thần dược”... Một số nghệ sĩ bị cắt ghép hình ảnh, gắn giọng nói vào để quảng cáo sản phẩm. Bên cạnh đó, họ còn mạo danh của cơ quan báo chí lớn để tạo sự tin tưởng của người dân, gắn logo của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) vào clip quảng cáo. Chèn hình ảnh MC nổi tiếng của VTV, miệng nói một kiểu nhưng nội dung phát ra theo quảng cáo. Điều này gây hiểu lầm lớn cho người dân, người sử dụng dịch vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật: Nghệ sĩ bị xử lý ra sao?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO