Tại Quảng Nam thời gian gần đây, bệnh dại trên động vật diễn biến phức tạp tại một số địa phương. Đáng lo, tình trạng chó bị dại lên cơn cắn gia súc, vật nuôi của các hộ dân trong khu vực, thậm chí cắn cả người dân gây hoang mang trong dư luận xã hội.
Theo ông Nguyễn Hữu Sơn, Chủ tịch UBND xã Bình Lâm (Hiệp Đức, Quảng Nam), từ đầu năm đến nay, địa phương ghi nhận 3 con chó bị bệnh dại. “Cái khó là lâu nay người dân nuôi hay thả rông chó, mèo nên khó khăn cho việc bắt giữ và tiêm phòng bệnh dại” – ông Sơn cho biết.
Trước tình hình trên, nhiều địa phương thuộc tỉnh Quảng Nam đã công bố bệnh dại động vật trên địa bàn. Trong đó chính quyền các địa phương lưu ý, cấm các hoạt động nuôi thả rông chó; phải nuôi nhốt, cách ly đàn chó có biểu hiện khác thường; đồng thời tập trung cán bộ, phương tiện, vật tư, hóa chất,… để dập bệnh và chủ động giám sát chặt chẽ, xử lý kịp thời khi xuất hiện bệnh dại.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam, tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo nuôi đến hết tháng 5/2021 đạt rất thấp. Trong khi đó theo CDC Quảng Nam, 4 tháng đầu năm 2021 toàn tỉnh có 1.556 người đến các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh để điều trị phòng bệnh dại.
UBND tỉnh Quảng Nam mới đây đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật. Theo đó, các địa phương nếu có ổ dịch dại động vật cần khẩn trương công bố dịch theo quy định của pháp luật thú y, tập trung mọi lực lượng, áp dụng đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch để khống chế ổ dịch. Khẩn trương chỉ đạo rà soát, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung, thực hiện Kế hoạch phòng, chống bệnh dại động vật giai đoạn 2017-2021. Chỉ đạo UBND cấp xã đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng bệnh dại động vật, đảm bảo đúng thời gian, đạt tỷ lệ theo Kế hoạch của UBND tỉnh. Thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung, để đảm bảo miễn dịch quần thể đàn chó, mèo nuôi.
Chỉ thị cũng yêu cầu, hộ nuôi chó, mèo, cam kết thực hiện nghiêm túc việc khai báo, đăng ký chó, mèo nuôi, tiêm vaccine dại cho chó, mèo nuôi; chấp hành xích, nhốt chó và đeo rọ mõm khi dắt chó ra đường, nơi công cộng; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho chó, mèo nuôi. Thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định số 90/2017/NĐ-CP.