Tại Quảng Nam sau bão lũ hiện người dân đang phải đối mặt với nguy cơ nhiều loại dịch bệnh bùng phát.
Đề phòng các dịch bệnh phổ biến
TS.BS Trần Văn Kiệm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam (CDC Quảng Nam) nhận định: “Chủ động phòng chống dịch bệnh là điều mà người dân cần phải làm ngay sau bão lũ để đảm bảo sức khỏe. Vì mưa bão, lũ lụt, làm cho vô số các vi sinh vật, rác, chất thải,… cuốn theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ tiềm ẩn các loại dịch bệnh”.
Theo TS.BS Trần Văn Kiệm, để phòng bệnh sau bão lũ, người dân cần chọn những thực phẩm hợp vệ sinh, ăn chín uống sôi; vệ sinh và làm sạch bàn chân khi tiếp xúc với nguồn nước nhiễm bẩn.
Sau mưa bão nước tồn đọng nước xung quanh nhà ở, dễ sinh sôi lăng quăng, bọ gậy, do vậy, người dân cần diệt loăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng, ngủ màn,… Vệ sinh nguồn nước giếng sinh hoạt theo đúng quy định; thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Thực tế nhiều năm qua cho thấy, người dân tại các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề sau mưa lũ thường mắc các bệnh về da (nấm da, ghẻ, chấn thương da và mô mềm,…), các bệnh đường ruột (tả, thương hàn, tiêu chảy do Rotavirus), các bệnh về đường hô hấp (cúm, cảm lạnh, viêm họng, viêm đường hô hấp). Đặc biệt là bệnh cúm, sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ,… thường tăng lên một cách đáng kể, nguy cơ lây lan nhanh, tạo thành dịch lớn gây nguy hiểm đối với sức khỏe cộng đồng.
“Do vậy, ngay sau bão lũ người dân cần cẩn trọng với các loại dịch bệnh này để phòng tránh và đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị khi nhận thấy những biểu hiện bất thường về sức khỏe” - BS Kiệm cho biết.
Vệ sinh nguồn nước và môi trường
Rác thải và nguồn nước bị ô nhiễm sau bão lũ là nguyên nhân hàng đầu gây ra các loại dịch bệnh. Để có nguồn nước sinh hoạt an toàn sau mưa lũ, bảo đảm sức khỏe và phòng tránh các dịch bệnh xảy ra ngành y tế Quảng Nam đưa ra khuyến cáo, hướng dẫn vệ sinh nguồn nước.
Theo cán bộ chuyên ngành của CDC Quảng Nam, để khử trùng nước sinh hoạt, hãy cho 1 viên Cloramin B 0,25g vào thùng đựng 25 lít nước đã được làm trong, khuấy đều, đậy nắp, chờ 30 phút sau có thể sử dụng làm nước sinh hoạt được.
Sau khi khử trùng ngửi thấy mùi Clo thì việc khử trùng mới có tác dụng, nếu lỡ cho quá nhiều Clo thì bà con mở nắp, chờ thêm nửa giờ hoặc một giờ nữa cho bớt mùi nồng rồi sử dụng. Tuy nhiên nước này vẫn phải đun sôi rồi mới uống trực tiếp.
Còn đối với khử trùng nước giếng, phải ước lượng nước trong giếng khoảng bao nhiêu m3 (1 bi tương đương 1m3) cứ 1m3 hoà tan 10-20gam Chloramine B tương đương 1 đến 2 thìa canh (tuỳ thuộc vào độ đục của nước).
Múc một gàu nước, hoà lượng Chloramine B này vào nước, khuấy đều cho tan hết, sau đó thả mạnh gàu xuống giếng, kéo gàu lên xuống khoảng 10 lần. Sau 30 phút múc nước lên ngửi có mùi Clo là dùng được.
Nếu không ngửi thấy mùi Clo trong nước thì cho thêm khoảng 1/3 thìa canh bột Chloramine B khuấy đều rồi cho vào giếng đến khi nào nước có mùi Clo mới đảm bảo. Lưu ý đối với nước giếng phải làm vệ sinh thành và nền giếng, khơi thông nước ngập lụt quanh giếng trước khi làm trong, khử trùng nước.
TS.BS Kiệm lưu ý thêm: “Bên cạnh vệ sinh, khử khuẩn nguồn nước bà con nên dọn vệ sinh môi trường, nhất là trong việc dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, khu vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi của gia đình. Xác động vật chết phải khử trùng và chôn đúng nơi quy định. Người dân cần lựa chọn các loại thực phẩm tươi, sạch. Thức ăn được nấu chín trước khi ăn, không sử dụng thực phẩm ôi thiu, nên ăn ngay sau khi nấu, cũng như bảo quản thức ăn đúng cách. Sử dụng nguồn nước đã được khử trùng và đun sôi trước khi uống. …”.