Do ảnh hưởng của những đợt mưa bão vừa qua, bờ biển Cửa Đại (Hội An) bị sóng đánh tan tành gây sạt lở nghiêm trọng, có nơi dài hơn 1 km, ăn sâu vào đất liền đe dọa nhà cửa, công trình, đất đai...
Ông Lê Nho ở phường Cửa Đại cho biết: “Sóng biển đánh quá mạnh gây sạt lở nhiều nơi, ăn sâu vào bên trong bờ làm sụp đổ cây cối, bờ kè. Nguy cơ hàng quán bị cuốn trôi ra biển nên nhiều người đã sức gia cố, nhưng chỉ là biện pháp tạm thời thôi. Sóng đánh mạnh thế này cái gì chống chọi cho được”.
Sáng 22/10, qua quan sát của chúng tôi, sóng biển đã đánh mạnh khoét sâu vào quán của ông Nho hơn 4 m, nhiều nhà hàng, khách sạn cũng bị sạt lở nghiêm trọng, có nơi sạt lở ăn sâu vào bờ từ 4-5 m, tạo thành vách đứng cao từ 3-5 m, nguy hiểm nhất sạt lở đã tạo hàm ếch dưới móng các công trình xây dựng.
Sóng biển cũng đánh ngã đổ nhiều bờ kè đá, cây dừa, dương liễu cuốn trôi xuống biển. Hệ thống kè mềm bằng bao cát cũng bị sóng biển đánh tan tành.
Trước tình thế trên, những ngày qua chính quyền địa phương đã huy động hàng trăm cán bộ, Dân quân, Bộ đội, Công an, Biên phòng cùng với người dân địa phương và sự hỗ trợ của phương tiện cơ giới ra quân gia khẩn cấp gia cố nhiều đoạn xung yếu.
Bất chấp mưa gió hàng trăm con người đã trải vải bạt, dùng hàng trăm túi bạt, mỗi túi khoảng 2 m3 để chứa các bao tải cát tạo đê mềm chống lại sự tấn công của triều cường để giữ bờ biển. Công việc khẩn trương cấp bách để chạy đua cùng sóng biển và mưa to, gió lớn.
Khu vực bãi tắm Cửa Đại, các dãy nhà hàng, công viên vườn tượng và khu vực bờ biển sau lưng UBND phường Cẩm An,… là những nơi xung yếu mà mọi người đang nỗ lực bảo vệ để chống lại sự tàn phá của thiên nhiên.
Vừa vát các bao cát tham gia chèn chống sạt lở, ông Nguyễn Văn Thanh, trú phường Cẩm An cho hay: “Dù chính quyền TP Hội An và tỉnh Quảng Nam đã có nhiều giải pháp như xây kè cứng, kè mềm, đê ngầm chắn sóng từ xa nhưng sóng biển vẫn đánh tan tành gây sạt lở ngày càng nặng”.
Anh Nguyễn Văn Tâm, một tình nguyện viên tham gia công tác cứu cửa biển cho biết: “Trong khi chờ đợi các cấp có biện pháp khả thi thì chúng tôi chung sức dùng bao cát để ngăn chặn sóng biển. Có chứng kiến mới thấy sự hung hãn của triều cường. Nếu không khẩn cấp, không nỗ lực, sóng biển sẽ đánh sập các công trình, mất đất, mất cây cối, hàng quán đồng nghĩa mất cả sự mưu sinh”.
Còn ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND phường Cẩm An cho biết, để hạn chế sự sạt lở, chính quyền đã dùng các biện pháp như bao cát bỏ xuống vị trí sạt lở, hoặc chất thành kè để ngăn chặn sự tàn phá của triều cường. Những khu vực nguy hiểm chính quyền dùng dây thừng hoặc tấm lưới giăng không cho người dân vào.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết: “Song song với việc triển khai kè chắn ở những đoạn sạt lở nặng dọc biển Cửa Đại, Cẩm An, chúng tôi khuyến cáo và hỗ trợ bà con di dời tài sản đến địa điểm an toàn. Đồng thời kiến nghị lên UBND tỉnh để có biện pháp khắc phục. Nhưng trước mắt chúng tôi tập trung triển khai mọi biện pháp có thể, cố gắng hết sức để cứu bờ biển Cửa Đại”.