Trong nhiều vụ phá rừng tại Quảng Nam, CQĐT đã khởi tố vụ án nhưng rất ít khởi tố bị can. Như vụ phá rừng phòng hộ ở Tiên Phước chỉ khởi tố một hộ… nghèo.
Tàn phá rừng phòng hộ ở Sông Kôn.
Ngày 30/3, Công an huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện đã ra quyết định khởi tố vụ án về hành vi hủy hoại rừng phòng hộ Sông Kôn để điều tra xử lý theo quy định pháp luật. Đây là vụ phá rừng mà Đại Đoàn Kết đã có bài phản ánh “Tan nát rừng phòng hộ Sông Kôn” (số ra ngày 29/3/2018).
Khởi tố vụ án
Theo Đại tá Trần Đình Hùng, Trưởng Công an huyện Đông Giang, qua nhiều ngày theo dõi, ngày 8/3, Công an huyện Đông Giang bắt quả tang 2 đối tượng có hành vi khai thác gỗ trái phép tại khu vực rừng giáp ranh địa bàn xã Jơ Ngây và xã Tà Lu là Vũ Văn Cưng và Vũ Văn Trứng (cùng trú xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang).
Tiếp đến ngày 21 đến 22/3, Công an huyện, Viện kiểm sát cùng một số cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã tiến hành khám nghiệm hiện trường. Theo đó, khu vực xảy ra phá rừng thuộc khoảnh 8, 9, 10, 11 Tiểu khu 41 xã Tà Lu; khoảnh 1, 3 Tiểu khu 140 xã Zà Hung, huyện Đông Giang.
Tại hiện trường có 33 gốc cây bị chặt hạ, trong đó có 28 gốc thuộc địa bàn xã Tà Lu; 5 gốc thuộc địa bàn xã Zà Hung với tổng khối lượng gỗ quy tròn khoảng 72 m3.
Đến nay, bước đầu cơ quan Công an xác định có 5 đối tượng liên quan đến vụ phá rừng này gồm Vũ Văn Cưng, Vũ Văn Trứng, Nguyễn Hồng, Bhnướch Hồng, A Ting Bnóc (cùng trú xã A Ting, huyện Đông Giang).
Với vụ phá rừng này, Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Nam vừa có báo cáo số 39/BC-CCKL về kết quả điều tra vụ khai thác gỗ trái phép tại huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam.
Những cây cổ thụ Sông Kôn bị tàn phá.
Theo báo cáo này, có 5 đối tượng đã khai nhận hành vi khai thác một số gốc trong 33 số gốc chặt hạ ở rừng phòng hộ Sông Kôn.
Hiện này, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện đã ra quyết định khởi tố vụ án về hành vi hủy hoại rừng phòng hộ Sông Kôn để điều tra xử lý theo quy định pháp luật.
Máu rừng vẫn chảy
Chiều ngày 29/3, trả lời câu hỏi của phóng viên báo Đại Đoàn Kết tại cuộc họp báo thường kỳ, tại sao ở Quảng Nam tình hình phá rừng vẫn tiếp tục nóng ? Cụ thể sau những vụ tàn phá rừng ở Bắc Trà My, huyện Tiên Phước thì gần đây đến huyện Nam Giang và mới nhất là vụ tàn phá rừng ở Sông Kôn huyện Đông Giang. Trong khi đó lực lượng chức năng liên tiếp bắt các vụ vận chuyển gỗ lậu cả đường thủy và đường bộ. Vậy phá rừng, vận chuyển gỗ lậu vẫn rất nóng thì do đâu,? Tại sao không kiểm soát chấn chỉnh triệt để tình trạng này ?
Những tấm gỗ kích cỡ lớn còn nằm tại hiện trường.
Càng đáng nói nhiều vụ phá rừng, đã khởi tố vụ án nhưng rất ít khởi tố bị can. Như vụ phá rừng phòng hộ ở Tiên Phước chỉ khởi tố một hộ… nghèo. Vụ phá rừng pơ mu ở biên giới các đối tượng bị khởi tố đa số là dân lao động thuê vận chuyển gỗ ?
Ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh văn phòng UBND tỉnh khẳng định: “Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quyết tâm với công tác bảo vệ phát triển rừng. Cụ thể đã từng tổ chức cuộc họp với bí thư, Chủ tịch UBND 9 huyện miền núi, yêu cầu đề ra phương án bảo vệ rừng. Cùng với đó là hàng loạt văn bản chỉ đạo cụ thể và đã tổ chức rất nhiều cuộc tuần tra, kiểm soát lâm sản và truy quét phá rừng, khai thác lâm, khoáng sản, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép”.
Ông Quang cũng cho rằng: Do địa bàn rộng lớn, lực lượng mỏng và một số cán bộ tại địa phương chưa thực hiện tốt chức năng của mình. Nhưng khẳng định, UBND tỉnh luôn luôn nêu cao quyết tâm bảo vệ rừng. Những ai làm sai, tiếp tay cho lâm tặc nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm minh”.
Còn đại diệnChi cục Kiểm lâm cho biết, lực lượng Kiểm lâm và các ngành chức năng đã tổ chức được trên 208 đợt tuần tra, kiểm soát lâm sản và truy quét phá rừng, khai thác lâm, khoáng sản, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Đã khởi tố 6 vụ án; tiếp tục điều tra 20 vụ; trong đó đã kết thúc điều tra, đề nghị Viện Kiểm sát truy tố 4 vụ.
Thành Nhân - Chi Mai