Quảng Nam: Làm rõ việc dùng đất san lấp trái phép để thi công công trình

Thành Nhân - Chi Mai 01/11/2023 16:21

Một số đối tượng múc, vận chuyển đất vườn để san lấp công trình cầu Sông Trường và cầu Nước Oa, vi phạm Luật Khoáng sản 2010, lãnh đạo phòng Tài nguyên - Môi trường Bắc Trà My, Quảng Nam cho hay.

Ngày 30/10, trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, có việc “một số đối tượng đã múc, vận chuyển đất vườn trái phép ra san lấp công trình cầu Sông Trường và cầu Nước Oa”.

Theo ông Thông, kết quả kiểm tra của Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện cho thấy: Lợi dụng một số gia đình có nhu cầu cải tạo đất vườn, một số đối tượng đã múc, vận chuyển đất này ra san lấp công trình cầu Sông Trường và cầu Nước Oa. Việc làm trên vi phạm Luật Khoáng sản 2010 và sẽ bị xử lý theo Điều 47 Nghị định 36/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

Đường dẫn của cầu Sông Trường chưa hoàng thành.

UBND huyện Bắc Trà My đề nghị Ban quản lý dự án 2 - Bộ Giao thông vận tải - đơn vị chủ đầu tư dự án kiểm tra, làm rõ việc sử dụng lượng đất san lấp trái phép phục vụ thi công công trình cầu Sông Trường và cầu Nước Oa để “xử lý nghiêm theo quy định”.

UBND huyện Bắc Trà My yêu cầu UBND xã Trà Tân và Trà Sơn kiểm điểm, chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, quản lý khoáng sản, không để tái diễn tình trạng các hộ gia đình cải tạo đất không đúng quy định và sử dụng đất san lấp trái phép trên địa bàn.

Cầu Sông Trường vẫn chưa thi công xong phần đường dẫn.

Trước đó, Đại Đoàn Kết có bài “Quảng Nam: Cần làm rõ có hay không việc đổ đất lậu vào 2 cây cầu trọng điểm” phản ánh, các bên thi công cầu Sông Trường và cầu Nước Oa có khả năng sử dụng nguồn đất không rõ nguồn gốc.

Theo bài báo, một số người dân cho biết có nhu cầu cải tạo đất gò đồi để làm vườn. Có người đến thỏa thuận, làm hợp đồng lấy đất và họ đồng ý. “Bên đơn vị thi công đến đặt vấn đề lấy đất và san ủi để mình có mặt bằng, còn thủ tục thì họ tự xin các đơn vị liên quan. Họ múc nhiều đất chở đi, tôi không tính được là bao nhiêu xe. Không chỉ ở đây mà họ còn lấy đất tại một vườn nhà người khác ở gần UBND xã Trà Tân”, một người dân nói.

Phía ngoài đường dẫn lên cầu Sông Trường.

Chủ đầu tư dự án cho hay, nhu cầu đất đắp của dự án là khoảng 50.000 m3. Tuy nhiên, các mỏ dự tính cung cấp đất cho dự án không còn sử dụng được và không được UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép khai thác. Chủ đầu tư đã đưa ra các phương án để giải quyết nguồn đất đắp cho công trình tuy nhiên đều bị bác bỏ do vi phạm Luật Khoáng sản. Huyện Bắc Trà My đề nghị chủ đầu tư tìm kiếm nguồn vật liệu ở các mỏ được UBND tỉnh cấp phép.

Ông Hoàng Ngọc Lân, Phó Giám đốc điều hành BQL dự án cầu Sông Trường và cầu Nước Oa cho hay: "Thông tin người dân phản ánh đơn vị thi công đưa nguồn đất tận dụng từ việc cải tạo mặt bằng làm vườn nhà của người dân, chúng tôi chưa nắm được nhưng sẽ tìm hiểu vấn đề cụ thể".

Theo phản ánh, đã có người múc đất vườn của người dân để làm đường dẫn vào cầu.

Theo Bộ Giao thông vận tải, công trình cầu Sông Trường và cầu Nước Oa thuộc dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ (giai đoạn 1), sử dụng vốn vay của chính phủ Hàn Quốc. Hai công trình nằm trên tuyến đường huyết mạch kết nối Tam Kỳ (Quảng Nam) với các huyện Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quảng Nam: Làm rõ việc dùng đất san lấp trái phép để thi công công trình