Thời điểm này, nhiều tàu câu mực của ngư dân tỉnh Quảng Nam liên tiếp cập cảng đem về mỗi tàu hàng tấn mực khô, trong khi đó năm nay mực lại được giá, mỗi tàu có nguồn thu tiền tỷ khiến ngư dân vô cùng phấn khởi.
Sáng 24/3, chúng tôi có mặt tại cảng cá Tam Quang (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), nơi đây có nhiều tàu câu mực khơi liên tiếp trở về cập cảng sau chuyến đi biển dài ngày. Còn trên cảng, mực đã mua được tư thương thuê nhiều nhân công ngồi phơi và phân loại để cho vào từng thùng xuất đi bán cho các bạn hàng ở trong và ngoài nước, không khí rất sôi động.
Nhiều chủ tàu cho biết, các chuyến đi biển đầu năm nay đều đánh bắt trúng đậm mực khơi, khi cập cảng lại bán được giá cao nên ngư dân rất vui mừng, phấn khởi. Bởi, họ không chỉ có tiền lo cho cuộc sống gia đình mà còn là nguồn động lực để tiếp tục vươn khơi.
Đang vận chuyển mực khô lên cảng để bán cho thương lái, ngư dân Trần Tấn Sinh, ở xã Tam Giang (huyện Núi Thành) - chủ tàu cá QNa 91769 TS cho biết: “Chuyến biển này tàu của tôi có 10 thuyền viên đi hành nghề câu mực. Sau hơn 20 ngày đánh bắt hải sản trên biển, thu về được 5 tấn mực khô. Thương lái thu mua với giá 140.000 đồng/kg, thu về 700 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí cho chuyến biển 300 triệu đồng thì mỗi thuyền viên trên tàu thu nhập được từ 15 - 30 triệu đồng. Còn riêng tôi cũng lãi được hơn 100 triệu đồng”.
Còn ngư dân Trần Văn Thành, ở xã Tam Giang - chủ tàu QNa 91679 TS cho biết: Tàu tôi đi biển câu mực khơi chuyến này về cập cảng tròn 20 ngày, đánh bắt được hơn 10 tấn mực khô và mực tươi, thu về hơn 1 tỷ đồng, mỗi thuyền viên có thu nhập 25 triệu đồng để trang trải cuộc sống. Thời điểm này nhiều tàu câu mực khơi cập cảng đều thu về hàng tấn mực khô. Cùng với đó giá bán mực cao, chi phí thấp, lãi cao nên ngư dân rất vui.
Trước đó, những tàu câu mực thu về càng khủng hơn, như tàu của ông Huỳnh Minh Trí, ông Hoàng Triệu Vĩ, ở thôn Đông Xuân, xã Tam Giang, huyện Núi Thành cũng đã cập bến sau gần 80 ngày ngày đêm khai thác mực khơi, mỗi tàu khai thác được 23 tấn mực khô. Hay như tàu câu mực khơi của ông Phạm Hùng, ở thôn Đông Mỹ (xã Tam Giang, huyện Núi Thành) đạt được 28 tấn mực khô, tàu câu mực khơi của ông Lương Văn Cam đạt sản lượng 51 tấn mực khô và rất nhiều tàu khác đã đem về hàng chục tấn mực khô có doanh thu hàng tỷ đồng.
Những thương lái thu mua mực khô ở cảng Tam Quang cho biết, trong những ngày qua, trung bình mỗi tàu cập cảng bán từ 5 đến 10 tấn mực khô các loại, giá thu mua từ 130.000 đến 150.000 đồng/kg. So với năm 2023, giá mực tăng hơn 20.000 đến 30.000 đồng/kg. Sau khi thu mua mực khô của ngư dân, thương lái sẽ thuê nhân công phơi khô và phân loại mực rồi đóng vào bao rồi vận chuyển qua bán cho các bạn hàng ở trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Ngọc Vinh - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang cho biết: “Toàn xã có 32 tàu thuyền hành nghề chụp mực, giải quyết được việc làm cho hơn 1.500 lao động địa phương. Hiện tại giá mực khô vẫn giữ mức ổn định khoảng 130.000 đến 140.000 đồng/kg nên nhiều chủ tàu có nguồn thu nhập cao ngay từ đầu năm. Dự kiến thời gian tới có nhiều tàu câu mực khơi sẽ tiếp tục cập cảng”.
Ở Quảng Nam, nghề câu mực xa khơi là nghề truyền thống, tập trung nhiều nhất ở xã Tam Quang, Tam Giang. Mỗi năm ngư dân ra khơi khoảng 3 chuyến biển, thời gian đánh bắt kéo dài hàng tháng, công việc nặng nhọc, vì thâu đêm lênh đênh trên những chiếc thúng chênh vênh giữa đại dương nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đơn cử như vụ sóng lớn nhấn chìm tàu câu mực QNa 90129 TS xảy ra ngày 16/10/2023 do ngư dân Lương Văn Viên, ở xã Tam Giang làm chủ, trên tàu có 54 lao động, hay vụ chìm tàu câu mực QNa 90927 TS ngày 17/10/2023 do ông Trần Công Trường, ở xã Tam Giang, có 39 thuyền viên, cả 2 vụ này, tuy lực lượng chức năng ứng cứu kịp thời nhưng vẫn không tránh khỏi mất mát. Nhưng vì mưu sinh để lo cho cuộc sống và mang lại thu nhập cao nên ngư dân vẫn bám biển vươn khơi.