Xã hội

Quảng Nam: Nỗ lực ngăn chặn bùng phát dịch tả lợn Châu Phi

Tấn Thành - Chí Đại 17/04/2024 10:56

Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang bùng phát trở lại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, đã có hàng trăm con lợn mắc bệnh, bị chết và tiêu hủy, khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.

anhbaiduoi(3).jpg
Cán bộ thú y khử trùng khu chăn nuôi có lợn bị chết. Ảnh: Chí Đại.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Nam, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 17 ổ dịch bệnh DTLCP ở 34 hộ, 18 thôn, 14 xã/phường của 9 huyện, thành phố (Tam Kỳ, Hiệp Đức, Tiên Phước, Núi Thành, Nông Sơn, Đông Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My và Đại Lộc); với tổng số lợn mắc bệnh, chết tiêu hủy là 239 con, tổng khối lượng tiêu hủy 7.440kg. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn 4 ổ dịch chưa qua 21 ngày. Trước tình hình bùng phát DTLCP trở lại như thế này người chăn nuôi rất lo lắng.

Ông Trần Bốn (xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) cho hay, gia đình ông đứng ngồi không yên khi 3 con lợn nái đến kỳ sinh nở thì không may bị DTLCP phải tiêu hủy 2 tuần trước, còn 1 con hiện đang có dấu hiệu bỏ ăn, xuất hiện nốt đỏ trên thân, khiến ông lo sợ đã báo cho chính quyền địa phương.

“Đàn lợn nái là cả một gia tài của gia đình tôi, tuy nhiên toàn bộ số lợn bị nhiễm bệnh DTLCP phải đem đi tiêu huỷ gây thiệt hại nặng cho gia đình tôi hơn 100 triệu đồng” - ông Bốn tâm sự.

Đáng nói là có những đàn lợn được tiêm phòng vẫn xảy ra trường hợp bị DTLCP khiến người dân càng lo lắng, như tại huyện Thăng Bình, bà Trà Thị Lý, ở xã Bình Định Nam cho biết, đàn lợn của gia đình bà đã được tiêm phòng đầy đủ, chăm sóc kỹ lưỡng nhưng vẫn bị nhiễm DTLCP và chết. Lúc đầu lợn có triệu chứng bỏ ăn, thân phát đỏ rồi sau đó tím tái khi chết. “Tôi đã trình báo sự việc với chính quyền địa phương và mong chính quyền hỗ trợ để có thể mua con giống về nuôi lại” – bà Lý chia sẻ.

Ông Nguyễn Xuân Bảy - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) huyện Thăng Bình thông tin: “Trước tình hình DTLCP bùng phát, chúng tôi cho tiến hành thực hiện tổng vệ sinh khử trùng tiêu độc liên tục. Phân công từng thành viên đứng điểm hướng dẫn tuyên truyền, vận động chỉ đạo trong công tác phòng, chống DTLCP. Đến nay dịch đã được khống chế trên địa bàn huyện cơ bản, không có lợn chết xảy ra. Công tác phòng, chống dịch bệnh vẫn đang được tiếp tục triển khai”.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam, DTLCP bùng phát trên địa bàn tỉnh chủ yếu là do lợn chưa được tiêm vaccine phòng bệnh; người chăn nuôi chưa thật sự quan tâm đến áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn như: Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi, khu vực chăn nuôi; con giống không rõ nguồn gốc, không tiêm phòng bệnh DTLCP.

“Hiện nay cán bộ thú y ở các địa phương tổ chức phun thuốc tiêu độc, khử trùng, giám sát dịch bệnh, nhất là tại khu vực có nguy cơ cao, kiểm soát chặt khâu vận chuyển, buôn bán lợn ngăn chặn nguy cơ dịch lây lan. Đơn vị cũng chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tái đàn chăn nuôi lợn. Chủ động giám sát tổng đàn lợn trên địa bàn, nhất là khu vực xảy ra DTLCP khu vực có nguy cơ cao. Đồng thời tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn đối với những khu vực đang có dịch, tập trung các nguồn lực áp dụng đồng bộ các giải pháp để xử lý dứt điểm ổ dịch ngay khi phát hiện mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh” - ông Vũ nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quảng Nam: Nỗ lực ngăn chặn bùng phát dịch tả lợn Châu Phi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO