Những ngày cận Tết nguyên đán Đinh Dậu năm 2017, chúng tôi tìm về những vùng đất trồng hoa phục vụ Tết của Quảng Nam, Quảng Ngãi, qua đó đã cảm nhận được nỗi buồn của bà con với một mùa thất bát. Bởi vì lũ dữ đã tàn phá tan hoang những cánh đồng hoa. Thế nhưng họ cũng đang nỗ lực hết mình để cố gắng phục vụ thị trường hoa tìm kiếm nguồn thu nhập cho gia đình.
Ông Nguyễn Văn Quy đang tưới nước cho vạn thọ còn sót lại sau lũ.
Chát đắng mùa hoa
Ngay trong lũ nhiều hộ dân trồng hoa ở huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức, Nghĩa Hành,… Quảng Ngãi hay Duy Xuyên, Tam Kỳ, Hội An,… Quảng Nam đã điêu đứng vì lũ dữ tàn phá vụ hoa cây cảnh phục vụ Tết Đinh Dậu – 2017. Chúng tôi vừa trở lại những làng hoa, tìm hiều về khắc phục hậu quả lũ và khó khăn của người dân mưu sinh về nghề này.
Sáng ngày 15/1, đang tưới nước một số chậu hoa vạn thọ con sống sót lại sau đợt lũ, ông Nguyễn Văn Quy (50 tuổi), trú thôn Đông Mỹ, xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa nói: “Năm 2016, gia đình tôi đầu tư số tiền gần 50 triệu đồng để trồng trên 500 chậu hoa cúc và hàng chục chậu hoa vạn thọ. Nhưng sau 4 đợt mưa lũ, khiến nhiều chậu hoa bị thối rễ và héo lá dẫn đến chết. Trong đời trồng hoa của tôi thì đây là đợt mưa lũ kéo dài, gây thiệt hại nặng cho người dân trồng hoa Tết ở vùng này”.
Ông Quy nói thêm, với số lượng 500 chậu hoa cúc, hoa vạn thọ của tôi bị chết do đợt mưa lũ, khiến tôi thiệt hại hơn gần 100 triệu đồng. Coi như vụ mùa hoa Tết năm nay tôi mất trắng. Nhưng giá bán hoa năm nay tăng từ 20-30% so với vụ hoa năm ngoái, để vớt vát chút ít, tôi và nhiều hộ trồng hoa khác đang chăm bón những chậu hoa còn sót lại.
Ông Tạ Dung Khỏe đang cột lại các chậu hoa cúc bị héo lá.
Cách đó không xa, ông Tạ Dung Khỏe (55 tuổi), trú thôn Hải Môn, xã Nghĩa Hiệp buồn rầu nói: “Tôi trồng được 320 chậu hoa cúc. Những đợt mưa lũ liên tiếp cuối năm 2016, khiến toàn bộ chậu hoa của tôi bị hư hỏng. Nhiều ngày nay, tôi kiên nhẫn chăm từng chậu hoa bị thối rễ, vàng lá nhưng khó có thể cứu vãn tình thế. Từ tháng 8/2016, thương lái đã đến xem hoa và đặt cọc tiền nhưng giờ sau lũ, hoa chết hết nên họ lấy lại tiền đặt cọc. Một năm cả gia đình tôi chỉ trồng chờ vào vụ hoa Tết này, để có nguồn thu nhập lo cho các con và mua sắm đồ Tết, nhưng giờ thì bao nhiêu công sức, tiền của mà tôi bỏ ra đã mất hết”.
Tại Quảng Nam tình thế cũng không khá gì hơn. Các hộ trồng hoa cũng đang đứng ngồi không yên vì nguy cơ lỡ vụ Tết đang hiển hiện trước mắt.
Chị Nguyễn Thị Hoa ở phường Cẩm Châu, TP Hội An cho biết: “Gia đình tôi trồng gần 1.000 chậu cúc đại đóa trên 5 sào diện tích vườn. Nhưng mưa lụt kéo dài đã khiến cho nhiều chậu hoa bị hư hại. Sau lũ đến rét hại đã khiến cho các chậu hoa còn lại không chịu bung to đầy đặn như mọi khi. Nếu tình trạng này kéo dài hết tuần tới thì chắc chắn thua lỗ nặng nề”.
Theo thống kê của UBND phường Cẩm Châu, đợt lũ lụt vừa qua đã gây thiệt hại đến 2/3 trong tổng số hơn 30.000 chậu cúc của gần 300 hộ trồng.
Tại TP Tam Kỳ, các hộ trồng hoa cũng chung số phận, ông Thái Tĩnh ở phường Trường Xuân, cho biết, gia đình trồng 500 chậu hoa ly ly cho vụ tết này thì đã có 440 chậu bị gãy đọt cách đây vài ngày. Cứ như vậy những người trồng hoa nơi rốn lũ năm nay đã gánh thiệt hại nặng nề.
Các chậu hoa cúc sau đợt mưa lũ bị héo lá chết dần.
Giá cao nhưng cung không đủ cầu
Đối với nhiều địa phương, trồng hoa, cây cảnh cho vụ Tết đã trở thành kinh tế mũi nhọn. Thậm chí nhiều hộ chỉ làm một vụ hoa Tết để sinh sống cho cả gia đình trong năm.
Như theo thống kê của Phòng Kinh tế TP Hội An, mỗi vụ hoa tết ở các năm trước đem lại lợi nhuận hơn 50 tỷ đồng cho các hộ nông dân. Thế nhưng năm nay bà con đối diện với mùa hoa thất thu. Giá hoa cao nhưng người trồng hoa không được hưởng lợi, bởi hoa đã bị tàn phá quá nặng nề.
Người dân đang chăm sóc các chậu hoa hồng còn lại sau đợt lũ vừa qua.
Theo nhiều người dân trồng hoa, hiện các thương lái ở các tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng và Tây Nguyên đã đến Quảng Ngãi, Quảng Nam bắt đầu đến tận các vườn để mua hoa.
Trung bình một cặp chậu hoa cúc có giá từ 150-200 nghìn đồng, các chậu hoa cúc có đường kính càng lớn thì giá thành càng cao.
Còn tại TP Hội An, hoa ly ly cũng tăng giá gần gấp đôi, từ 180 nghin đồng/chậu lên 230 nghìn đồng/chậu.
Vì thế, năm nay, nhà vườn nào còn cúc thì không lo sợ đầu ra. Thế nhưng đáng buồn vì số hoa còn lại quá ít, cung không đủ cầu, chưa nói tư thương lại chê bông không múp, cây không xanh lá, không đầy đặn… làm khó cho người trồng hoa.
Ông Trần Thiên Thanh, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Tư Nghĩa cho biết, đợt mưa lũ vừa qua, làm 300.000 chậu hoa cúc và nhiều loại hoa khác bị ngập nước hư hỏng hoàn toàn. Sau đó, chính quyền huyện đã đến thăm hỏi và hỗ trợ tiền cho bà con để sớm khắc phúc và chuyển đổi cây trồng. Dự kiến, do số lượng các chậu hoa cúc ít nên giá thành sẽ bán cao hơn so với mọi năm. Nhưng được giá thì thì hoa đã hư hỏng quá lớn.
Người dân thôn Hải Môn, xã Nghĩa Hiệp vận chuyển các chậu hoa cúc để bán cho thương lái.
Trước tình trạng hoa chậm phát triển, búp non trổ hoa trễ, các hộ trồng hoa đã kéo điện ra vườn, chong đèn sáng rực, tăng cường độ nóng, kích thích hoa sinh trưởng mạnh, tăng cường chăm bón. Nhiều nơi nông hộ dùng bạt phủ kín, tăng nhiệt độ cho hoa... Tuy nhiên dù cố găng hết sức và giá cả tăng đột biến nhưng người trồng hoa vẫn dối diện với một mùa thất thu.