Quảng Nam, Quảng Ngãi: Chủ động phòng dịch đau mắt đỏ ở trường học

Tấn Thành - Chí Đại 22/09/2023 08:56

Từ sau lễ khai giảng năm học mới, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đã bùng phát dịch đau mắt đỏ. Sau khi ghi nhận nhiều ca đau mắt đỏ là học sinh, ngành y tế và các địa phương đã tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Nỗi lo bùng phát dịch

Sáng 22/9, TS. BS Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết: “Tại Quảng Nam, tính từ ngày 1/9 đến đến 20/9 đã có khoảng 41.800 ca bệnh, trong đó các trường hợp viêm kết mạc cấp tới khám và điều trị tại các cơ sở Khám, chữa bệnh 12.800 ca; tính riêng từ ngày 18/9/2023 đến nay số ca bệnh tới khám các cơ sở y tế 1.877 ca, trong đó khám và điều trị tại bệnh viện Mắt Quảng Nam là 300 ca.

Giáo viên Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, TP Tam Kỳ, hướng dẫn phòng chống đau mắt đỏ.

Còn theo báo cáo của Trung tâm Y tế TP Tam Kỳ, từ ngày 12 đến 21/9, TP Tam Kỳ có hơn 2.000 trẻ em trường mầm non, tiểu học, Trung học cơ sở bị đau mắt đỏ. Thời tiết nắng nóng chuyển qua mưa, độ ẩm không khí tăng cao là điều kiện thuận lợi cho bệnh đau mắt đỏ phát triển và bùng phát thành dịch.

Ghi nhận thực tế của chúng tôi, thời gian gần đây nhiều trường học trên địa bàn TP Tam Kỳ, huyện Phú Ninh… số học sinh đau mắt đỏ tăng nhanh. Có trường học đã có 100 học sinh bị đau mắt đỏ, sự việc này đã khiến cho phụ huynh, học sinh lo lắng. Như tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, TP Tam kỳ có hơn 180 em học sinh mắc bệnh đau mắt đỏ, chiếm 17% tổng số học sinh nhà trường.

Chị Trịnh Thị Kim H., phụ huynh học sinh trường THCS Nguyễn Du, TP Tam Kỳ cho biết: “Tuần học đầu tiên con trai 11 tuổi của tôi đã bị lây mắt đỏ từ bạn cùng lớp. Vừa điều trị khỏi cho cháu thì con nhỏ 3 tuổi và hai vợ chồng tôi lại bắt đầu có triệu chứng đau mắt đỏ. Hiện tại, nhiều khu phố của TP Tam Kỳ nhiều trẻ em và người lớn mắc đau mắt đỏ do lây lan”.

Các em học sinh vào lớp học với nỗi lo dịch đau mắt đỏ

Trước tình hình bệnh lan nhanh và tăng cao, các nhà trường đã đẩy mạnh tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh tích cực phòng chống bệnh. Đồng thời khuyến cáo phụ huynh có con em mắc bệnh nên đến cơ sở y tế khám, điều trị và tạm thời không đến trường. Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm sẽ phối hợp với phụ huynh, học sinh hướng dẫn học từ xa và có kế hoạch bổ sung kiến thức khi các em hết bệnh, đến trường trở lại.

Trong khi đó tại Quảng Ngãi, tình trạng bệnh đau mắt đỏ lây lan nhanh trong trường học đã khiến nhiều học sinh phải nghỉ học. Điển hình như, Trường Tiểu học Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi (tổng số 622 học sinh thuộc 24 lớp), trong 2 tuần qua đã có khoảng hơn 120 học sinh bị đau mắt đỏ.

Thầy Lê Văn Trí, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tịnh Hiệp cho biết: “Bệnh đau mắt đỏ đã xuất hiện hầu hết các lớp học của trường. Tỷ lệ học sinh mắc bệnh chiếm tới 20%. Nhà trường có thông báo đến tất cả các phụ huynh học sinh phải theo dõi sát sức khỏe của con em mình. Trường hợp nào có triệu chứng bị đau mắt đỏ thì phải nghỉ học ở nhà điều trị cho đến khi khỏi hẳn, nhằm tránh lây lan mầm bệnh trong trường học. Các học sinh sau khi đi học lại thì nhà trường đã chỉ đạo giáo viên lên kế hoạch dạy bù nhằm đảm bảo chương trình dạy và học”.

Một trong những bệnh nhân bị đau mắt đỏ đi khám ở bệnh viện.

Theo thống kê của Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi, tháng 6/2023 có gần 200 bệnh nhi đau mắt đỏ đến khám tại bệnh viện. Đến tháng 8, con số này đã tăng lên hơn 300. Số lượng bệnh nhi trong những ngày đầu tháng 9 đã vượt hơn nhiều so với những tháng trước. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận 40 - 50 bệnh nhi có biểu hiện của đau mắt đỏ đến khám và điều trị, tăng gấp 3 - 4 lần so với ngày thường.

Tích cực phòng chống

Trước dịch đau mắt đỏ bùng phát, các địa phương đã khẩn cấp triển khai các biện pháp chống dịch. TS.BS Mai Văn Mười cho biết: “Dưới sự chỉ đạo mạnh mẽ từ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Nam, cùng với sự phối hợp của các Sở, Ban, ngành, chính quyền địa phương tại các huyện, thị xã, thành phố và sự vào cuộc đồng bộ của các cơ sở y tế trên địa bàn, về cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, không để trường hợp nào diễn biến nặng, nguy kịch”.

Cũng theo ông Mười, bên cạnh những kết quả đạt được và để tránh sự chủ quan lơ là ở người dân, Sở Y tế đề nghị các đơn vị tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp chống dịch, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về bệnh đau mắt đỏ để người dân hiểu được nguyên nhân, đường lây và các biện pháp phòng bệnh tại cộng đồng.

Học sinh Trường Tiểu học Tịnh Hiệp tìm hiểu về phòng chống lây lan bệnh đau mắt đỏ.

Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp, chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan tăng cường thanh tra đột xuất các cơ sở bán lẻ thuốc; phát hiện xử trí kịp thời các trường hợp tăng giá bán, đặc biệt chú ý giá bán thuốc nhỏ mắt, các cơ sở quảng cáo điều trị không đúng chuyên môn, không để ảnh hưởng tới an ninh, trật tự xã hội. Trung tâm Y tế trên địa bàn thống kê số liệu các trường hợp mắt đỏ trong cộng đồng tại địa phương báo cáo hàng tuần về Sở Y tế.

Giao Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn trong giám sát, điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch đau mắt đỏ. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch đau mắt đỏ trên địa bàn...

Tại 2 địa phương nói trên, UBND các huyện đã yêu cầu các xã, phường và ngành liên quan chủ động khống chế dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài.

Một Lớp học ở Quảng Ngãi có nhiều học sinh vắng do bị đau mắt đỏ.

Bác sĩ Lê Thị Thảo Nguyên ở Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo, khi trẻ có các biểu hiện mắt sưng đỏ, chảy nước mắt, đổ ghèn nhiều, thì cha mẹ nên cho trẻ đến các cơ sở y tế để khám và điều trị. Tránh sử dụng các biện pháp dân gian hoặc tự ý mua thuốc để tự điều trị, rất dễ gây ra các biến chứng như: Viêm giác mạc, sẹo giác mạc làm giảm thị lực của trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quảng Nam, Quảng Ngãi: Chủ động phòng dịch đau mắt đỏ ở trường học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO