Ngày 27/9, nhiều hộ dân tại Quảng Nam, Quảng Ngãi ở vùng nguy cơ cao về ngập lụt, sạt lở núi đã được lực lượng chức năng sơ tán đến nơi trú tránh bão số 4 an toàn.
Sáng ngày 27/9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đến kiểm tra tình hình neo đậu tàu thuyền và công tác sơ tán dân tránh bão tại một số địa phương ở huyện Núi Thành và TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh, ông Lê Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho hay, công tác sơ tán dân trên địa bàn huyện được triển khai quyết liệt sẽ hoàn thành chậm nhất trước 15h ngày 27/9. Hiện tại các lực lượng tình nguyện đã sẵn sàng để hỗ trợ người dân trong thời gian bão số 4 đổ bộ vào đất liền.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu chính quyền huyện Núi Thành tiếp tục tập trung cho việc sơ tán, yêu cầu hoàn thành theo hạn định. Huyện Núi Thành cần nhanh chóng tổng kiểm tra tàu thuyền, lồng bè, không để người dân ở lại phương tiện khi bão đổ bộ. Địa phương cần khuyến cáo ngư dân tăng cường các biện pháp giằng buộc, chống va đập để bảo vệ tàu thuyền.
“Phải làm mọi biện pháp, hết sức có thể và khẩn trương nhất, hoàn thành trước 15h cùng ngày. Đặc biệt, ưu tiên bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân trong bão”, ông Lê Trí Thanh nói.
Trong khi đó tại thôn Long Thạnh Tây, xã Tam Hải, huyện Núi Thành, gần 50 cán bộ, chiến sĩ đã sử dụng thuyền tiếp cận hỗ trợ gần 100 hộ dân, với 285 nhân khẩu di chuyển vào đất liền trú tránh bão. Sau đó, xe của Sư đoàn 315 đã đưa người dân đến tránh trú bão tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, xã Tam Giang, huyện Núi Thành. Đến 9h sáng cùng ngày, công tác sơ tán đã hoàn thành.
Ông Nguyễn Tấn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết: “Đến thời điểm này, địa phương đã tiến hành vận động sơ tán nhân dân đến các nhà tránh trú bão và các công trình kiên cố, tập trung 231 hộ, với 721 nhân khẩu và xen ghép số lượng sơ tán 378 hộ, 825 nhân khẩu. Lực lượng tham gia sơ tán hiện nay được bố trí giúp dân là 20 thành viên, trong đó lực lượng xung kích xã 12 thành viên và các lực lượng vũ trang khác 5 chiến sĩ, bố trí 1 phương tiện ca nô có công suất lớn 1 phà vận tải và các phương tiện của nhân dân thực hiện tiến hành sơ tán”.
Trong khi đó, tại Quảng Ngãi, nhiều hộ dân ở vùng nguy cơ cao đã được vận động, hỗ trợ di dời tính mạng, tài sản đến nơi khác. Chính quyền địa phương cũng kiên quyết di dời người dân ra khỏi nhà không đảm bảo an toàn trước khi bão, lũ xảy ra.
Ông Bùi Văn Hiển, trú xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, được lực lượng chức năng đến vận động, hỗ trợ di dời trước khi bão đến. Ông Hiển đã đưa toàn bộ tài sản có giá trị của gia đình đến nơi an toàn.
“Bão số 4 sắp đổ bộ vào đất liền, mà nhà tôi nằm trong vùng trũng ngập, gần biển nên rất lo. Ở đây không an toàn chút nào, nên giờ lo di dời đồ đạc trong nhà trước. Cả gia đình tôi sẽ đến chỗ di dời để tránh bão”, ông Hiển chia sẻ.
Ngoài ra, tại các bến cảng, âu neo đậu tàu thuyền trên đảo Lý Sơn, người dân hối hả kiểm tra tàu thuyền lần cuối để ứng phó bão số 4. Nhận thức được đây là cơn bão mạnh nên ngư dân huyện đảo hết sức cẩn thận, sau khi tăng cường dây thừng chằng buộc lại tàu thuyền nhiều ngư dân quyết định lên bờ để đảm bảo an toàn.
Ông Phan Hòa Hiệp, trú thôn Tây An Hải, huyện Lý Sơn nói: “Mấy năm nghe có bão chúng tôi cũng chằng chống bình thường, nhưng năm nay nghe bão lớn quá gia đình buộc phải gia cố thêm để bảo vệ tài sản gia đình”.
Ông Đặng Tấn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: “Đến thời điểm này, công tác sơ tán người dân trên đảo Lý Sơn đến ở xen ghép cơ bản đã hoàn thành. Hiện tại trên đảo Lý Sơn có sức gió khoảng cấp 9, biển động rất mạnh. Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản nghiêm cấm tất cả người tại Lý Sơn không được ra khỏi nhà sau 10h trưa 27/9 để đảm bảo an toàn”.