Đợt mưa trái mùa và lũ dữ đã làm người nông dân Quảng Nam, Quảng Ngãi thiệt hại nặng nề, hiện tại bà con đang ra đồng thu hoạch diện tích hoa màu còn sót lại và tiếp tục dọn dẹp đồng ruộng để gieo trồng vụ mới.
Thiệt hại nặng vì mưa trái mùa
Đợt mưa trái mùa những ngày vừa qua tại Quảng Nam, Quảng Ngãi đã khiến hàng nghìn ha hoa màu bị ngã đổ hay bị nước lũ cuốn đi. Như tại xã Đại Lãnh, xã Đại Hồng huyện Đại Lộc, hay Phú Ninh, Núi Thành, tỉnh Quảng Nam hay như xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi và nhiều địa phương khác liên tiếp gánh chịu những trận mưa lớn, khiến nhiều diện tích lúa, dưa hấu, đậu lạc và các loại rau màu khác bị ngã đổ, ngập úng.
Bà Văn Thị Mỹ Dung, thôn Hà Hiệp Đông, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc vừa dọn dẹp ruộng dưa hấu vừa cho biết: “Trời mưa trái mùa, quá bất thường và mưa quá lớn, vì thế 5 sào dưa hấu của gia đình tôi bị ngập nước dẫn đến héo, thối rễ, hư hại hết”.
Ông Nguyễn Xu Bảy, trú xã Đại Lãnh cho biết: “Để trồng 10 sào dưa này tôi đã bỏ ra 30 triệu đồng mua phân bón, chưa tính tiền công chăm sóc. Nhưng mưa trái mùa, dưa bị ngập nước hư hỏng hết”.
Còn tại tỉnh Quảng Ngãi, bà Trần Thị Xuân Hương, trú xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, gặp chúng tôi ngay trên ruộng lúa của mình bà nói: “Vụ lúa Đông xuân 2021 - 2022 gia đình tôi làm được 6 sào, giờ đây lúa đã ngã đổ hết rồi, ngã xuống nước sẽ nảy mầm hư hỏng, hy vọng vài ngày tới trời nắng lên để có thể thu hoạch được gì hay nấy”.
Cứ như thế những người nông dân Quảng Nam, Quảng Ngãi đã khóc với vụ mùa thất thu. Năm nào họ cũng đối diện với thiên tai bão lũ nhưng năm nay mưa trái mùa, không ai ngờ đến tháng 4 mà vẫn còn lụt. Bây giờ bà con lâm cảnh trắng tay trong khi hàng trăm khoản chi của gia đình trông chờ vào vụ mùa.
Theo thống kê tại tỉnh Quảng Nam đã có 2.963 ha lúa bị thiệt hại hoàn toàn; 1.585 ha bị thiệt hại từ 50 đến 70%; 174 ha bị thiệt hại từ 30 đến 50%; còn lại, khoảng hơn 8.400 ha bị ngập nước, lúa đang trổ bông nên khả năng hư hại rất cao, các địa phương đang tiếp tục kiểm tra, rà soát, báo cáo. Trong khi đó hoa màu có 495 ha bị thiệt hại hoàn toàn; 318 ha bị thiệt hại từ 50 đến 70%; 71 ha bị thiệt hại từ 30 đến 50%, còn lại khoảng hơn 4.500 ha bị ngập nước, ngã đổ, các địa phương đang tiếp tục kiểm tra, rà soát, báo cáo.
Dựng lại từng bó lúa
Trước tình hình trên, ông Tư Thanh Thẩm - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hồng cho biết: “Chính quyền xã đã báo cáo số liệu thiệt hại về hoa màu lên UBND huyện để có chính sách hỗ trợ cho nhân dân. Dù thế nào đi nữa bà con cũng phải bước vào vụ mùa mới, do đó rất cần sự hỗ trợ để bà con tăng gia sản xuất”.
Ông Bùi Văn Vàng - Trưởng phòng NNPTNT huyện Tư Nghĩa cho biết: “Đợt mưa này gây thiệt hại nặng nề, bởi nhiều diện tích lúa đang trong thời kỳ trổ đòng bị ngã đổ, ngập nước. Chờ thời tiết nắng trở lại chúng tôi sẽ hướng dẫn bà con thu hoạch hoa màu còn sót lại để chuyển đổi cây trồng và tiếp tục gieo trồng vụ mới”.
Còn ông Nguyễn Tâm, trú thôn Phước Lâm, xã Đại Hồng - người có đến 7 sào dưa hấu bị nước lũ dâng cao càn quét thiệt hại nặng tâm sự: “Lũ càn quét dưa hư hỏng hết, tôi phun nước rửa dưa sống được cây nào hay cấy đó. Bây giờ phải xác định tinh thần là tiếp tục canh tác, có điều khó nhất là vốn liếng để làm ăn, nhưng dù thế nào đi nữa vì cuộc sống mình phải đứng lên thôi”.
Đó cũng là nỗi niềm chung của nhiều nông dân bị mất mùa do mưa lũ trái mùa lần này gây nên. Họ xác định, cái mất đã mất rồi nhưng cuộc sống phải tiếp diễn, vì thế họ lao ra đồng ruộng, dựng lại từng bó lúa chờ trời nắng thu hoạch; họ lội trong nước để nhổ từng bó đậu, dọn dẹp lại đồng ruộng để tiếp tục sản xuất, nhưng ai nấy rất mong rằng, sẽ sớm được hỗ trợ giống, cây trồng, con vật nuôi, được vay vốn để đầu tư làm ăn.
Hiện nay các địa phương đang tăng cường kiểm tra, thống kê thiệt hại để có hướng hỗ trợ người dân, hướng dẫn giúp nông dân thu hoạch các diện tích lúa vụ Đông xuân 2021 - 2022 đã chín; huy động phương tiện hỗ trợ tiêu úng trên các cánh đồng để hạn chế thiệt hại về sản xuất. Đối với những diện tích lúa đang bị đổ ngã nhưng chưa đến ngày thu hoạch thì phải có biện pháp sớm giữ cho mặt ruộng khô ráo để hạn chế hạt lúa lên mộng. Đối với diện tích lúa chín, hạt đã chắc trên 85% các địa phương tiến hành thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” nhằm giảm thiểu thiệt hại.