Chiều ngày 7/9, TS.BS Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho phóng viên Đại Đoàn Kết biết, BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh xác định, trong thời gian đến tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Theo TS.BS Mười, tại Quảng Nam từ 27/4 đến ngày 6/9, ghi nhận 519 ca bệnh. Trong đó 12 ca bệnh cộng đồng, 309 ca lây nhiễm thứ phát (đã cách ly tập trung trước khi phát hiện), 159 ca xâm nhập từ các tỉnh và 39 ca nhập cảnh. Đã chữa khỏi bệnh 435 ca, đạt tỷ lệ 85% cao hơn so với cả nước. Tử vong 4 ca. “Đáng mừng có 3/18 huyện không ghi nhận trường hợp nhiễm Covid-19, đó là huyện Nam Trà My, Đông Giang, Tây Giang”, ông Mười cho biết.
Về công tác cách ly y tế, theo ông Mười: “Tổng tích lũy từ 18/7 đến nay 42.010 lượt người. Trong đó, cách ly tập trung 21.827 lượt người; Cách ly tại cơ sở y tế 731 lượt người; Cách ly tại nhà/nơi lưu trú: 19.452 lượt người”.
Khi được hỏi về tình hình tiêm vaccine, Giám đốc Sở Y tế cho biết, tính tới tháng 8/2021, Quảng Nam đã nhận được 138.050 liều vaccine, đã tiêm 110.420 liều, đạt tỷ lệ 79,9%. Tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 73%, tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt 27%. Vaccine chủ yếu được ưu tiên phân bổ cho các trung tâm kiểm soát bệnh tật, huyện Núi Thành, Tam Kỳ, Điện Bàn.
“Theo Kế hoạch của Chính phủ, mục tiêu đến Quý I/2022 đạt trên 70% dân số được tiêm vaccine phòng Covid-19. Riêng tại Quảng Nam có 1.495.812 người có nhu cầu tiêm vaccine phòng Covid-19, với lượng vaccine để tiêm đủ 2 mũi cho 70% dân số của tỉnh là khoảng 2 triệu liều. Tuy nhiên, tính đến hết ngày 16/8/2021, Quảng Nam mới được phân bổ 138.050 liều mới chỉ đáp ứng được 9,2% dân số trên địa bàn tỉnh”, ông Mười cho biết.
Để đáp ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh với số ca F0 ngày một tăng từ số lượng công dân nhập cảnh, số lượng công dân từ các tỉnh thành có dịch về Quảng Nam (đặc biệt là từ thành phố Hồ Chí minh và Đà Nẵng... Tỉnh Quảng Nam đã triển khai 3 cơ sở điều trị Covid-19 (2 đơn vị chuyển đổi điều trị và 1 bệnh viện dã chiến): Phòng khám đa khoa Điện Nam – Điện Ngọc thuộc Bệnh viện đa khoa Khu vực Quảng Nam, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Quảng Nam và Bệnh viện Y học cổ truyền Quảng Nam.
“Những phòng khám, bệnh viện nói trên với tổng công suất gần 800 giường bệnh và đội ngũ y bác sĩ đã được tập huấn nâng cao năng lực điều trị. Công tác điều trị đã có những kết quả tích cực trong việc đáp ứng nhu cầu điều trị các trường hợp F0 và hạn chế các trường hợp tử vong do Covid-19”, ông Mười nói.
Còn theo BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh, các địa phương đã quyết liệt, đẩy mạnh triển khai nghiêm túc các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, Chỉ thị 15/CT-TTg. Hoạt động giãn cách xã hội đã đạt được những kết quả nhất định, kiểm soát và hạn chế gia tăng số ca lây nhiễm trong cộng đồng, các ca mắc chỉ còn xuất hiện tại các khu phong tỏa và các F1 đã được cách ly.
BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh cũng đã xác định, để sớm kiểm soát dịch bệnh, trở về trạng thái “bình thường mới” trên toàn quốc, phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu tại Nghị quyết số 86/NQ-CP và các Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ.
Quảng Nam, tiếp tục nâng cao hiệu quả, hiệu lực lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, nhất là trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Trong thời gian giãn cách xã hội phải kiểm soát được dịch bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế, dứt khoát không để tình trạng giãn cách không triệt để, kéo dài mà không đạt được mục tiêu, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, gây bức xúc xã hội.
Kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm nếu buông lỏng quản lý, lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; kịp thời có các hình thức động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt.
Bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc. Bảo đảm mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, ngay tại xã, phường, thị trấn; khi người dân có yêu cầu, phải đáp ứng kịp thời. Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, an dân trên địa bàn. Tuyên truyền, vận động để dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm, cùng với hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch tích cực, hiệu quả.
Ông Mười cũng cho biết, về công tác y tế, sẽ tiếp tục chủ động xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm người nhiễm trong cộng đồng theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công điện số 1305/CĐ-BYT ngày 02/9/2021 để kịp thời triển khai cách ly, khoanh vùng, điều trị phù hợp; Chuẩn bị sẵn sàng các phương án đáp ứng nhanh, kịp thời với diễn biến dịch bệnh ngay khi phát hiện ca bệnh trong cộng đồng hoặc nếu có trường hợp số ca mắc tăng nhanh; Chủ động tập huấn, nâng cao năng lực giám sát, xét nghiệm, thu dung, điều trị về phòng, chống dịch Covid-19 cho nhân viên y tế;
Khẩn trương tổ chức tiêm vaccine ngay khi được phân bổ; ưu tiên tiêm cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, người có bệnh lý nền, công nhân tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh…; Cùng với đó là chủ động mua sắm vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị y tế, nhất là về máy thở, oxy y tế để kịp thời đáp ứng với các diễn biến dịch bệnh.
Các cấp ủy lãnh đạo, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể tại xã, phường, thị trấn thực hiện tốt mối quan hệ cấp ủy lãnh đạo, chính quyền quản lý, người dân làm chủ; tăng cường công tác vận động, huy động người dân, là chủ thể tham gia tích cực, hiệu quả công tác phòng, chống dịch; động viên, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách, tuân thủ đầy đủ yêu cầu 5K của Bộ Y tế. Tiếp tục vận động, huy động cộng đồng, doanh nghiệp tham gia đóng góp, hỗ trợ để đảm bảo nguồn lực cần thiết cho các hoạt động phòng, chống dịch.
Tiếp tục đảm bảo cung cấp thông tin về dịch bệnh minh bạch, kịp thời đến người dân; tuyên truyền, vận động, kêu gọi nhân dân phòng, chống dịch để người dân yên tâm và tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Trong nỗ lực thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch; cần chủ động, nghiên cứu, chuẩn bị các kịch bản thích ứng an toàn với dịch bệnh khi có nhiều vắc xin hơn trong một hai tháng tới, nhất là ở những nơi đã tiêm đủ vắc xin.