Sáng 8/8, ông Lê Văn Ninh, Phó Bí thư Huyện ủy Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam cho biết, ông đã tự nguyện tháo dỡ toàn bộ nhà cửa nơi trang trại của mình mà báo Đại Đoàn Kết online đã phản ánh. Đây là phần đất vào năm 2005 UBND xã Tam Thành, huyện Phú Ninh tổ chức đấu giá công khai và ông đã đấu giá trúng. Tuy nhiên trải qua nhiều năm cơ quan chức năng vẫn chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho ông.
Sáng 8/8, chúng tôi có mặt tại đây và nhận thấy, ngôi nhà ở cấp 4, khoảng 80m2 dành cho công nhân, bảo vệ làm việc để nghỉ ngơi và gia đình kết hợp ở để quản lý trang trại đã được tháo dỡ toàn bộ. Các hạng mục như mái ngói, cửa, thanh sắt, la phông, rào chắn... được chất lại chờ vận chuyển đi nơi khác, công việc vẫn đang được tiếp diễn.
Ông Lê Văn Ninh, cho biết, trước đây mua đất làm trang trại và để quản lý trang trại gia đình có làm một cái nhà ở cấp 4 trên nền nhà cũ trước đó đã có người làm nhưng hư hỏng, diện tích khoảng 80m2 cho công nhân, bảo vệ làm việc ở đây để nghỉ ngơi và gia đình kết hợp ở để quản lý trang trại. Thế nhưng khi báo chí phản ánh, gia đình có cho kiểm tra lại các hạng mục, trong đó có một số nội dung về nhà ở chưa đảm bảo quy định pháp luật nên gia đình quyết định tháo dỡ toàn bộ ngôi nhà này.
“Qua việc báo chí phản ánh và đối chiếu theo quy định pháp luật, xét thấy ngôi nhà dù hết sức cần thiết để ở làm trang trại đúng với mục đích chính quyền địa phương đặt ra cho khu đất là đầu giá để làm trang trại, nhưng thấy chưa đảm bảo quy định pháp luật nên gia đình tôi đã tự giác tháo dỡ toàn bộ công trình nhà ở dù kinh phí gia đình bỏ ra để cải tạo là rất lớn”, ông Lê Văn Ninh nói.
Được biết, năm 2005 UBND xã Tam Thành tổ chức đấu giá công khai khu đất này với số tiền hơn 11 triệu/ha, hồ sơ thể hiện toàn khu đất khoảng 3,2ha mục đích để người trúng đấu giá làm trang trại phát triển kinh tế nông thôn. Theo quy định, đấu giá trúng sẽ nộp khoảng 70% số tiền, sau đó được hoàn thiện thủ tục pháp lý cấp sổ đỏ thì nộp 30% số tiền còn lại. Thế nhưng theo ông Ninh, ông đã thực hiện đúng theo quy định nhưng mỏi mòn chờ đợi vẫn chưa được cấp sổ đỏ.
“Tôi đấu giá trúng khu đất và cải tạo từ năm 2005 đến nay. Đây là khu đất hoang hóa, cây cối um tùm, để biến thành trang trại trồng được cây ăn trái, làm trại chăn nuôi là vô cùng gian nan, nhưng đam mê trang trại nên tôi đã cố gắng. Còn sổ đỏ, tôi nghĩ dân thì có trách nhiệm đấu giá, nộp đủ số tiền, còn lại thủ tục pháp lý, hồ sơ thì trách nhiệm của chính quyền cấp sổ đỏ cho dân. Tuy nhiên, tôi ủy quyền cho em gái vận hành xây dựng vừa chờ đợi thế nhưng nhiều năm qua nhưng chưa được cấp sổ đỏ”, ông Ninh nói.
Trước đó, Đại Đoàn Kết Online đã có bài: “Quảng Nam: Phó Bí thư huyện xây trang trại trên đất chưa có sổ đỏ, cơ quan chức năng nói gì?” (số ra ngày 4/4/2023), phản ánh vụ việc trên, trong đó, ông Huỳnh Xuân Chính, Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết: “Đất đó ngày xưa xã tổ chức đấu giá công khai và đã có quy hoạch làm trang trại. Ông Ninh làm trang trại này là phù hợp, kể cả công trình kiên cố cũng đã có trong phương án được duyệt khi đấu giá, có điều là chưa có thủ tục kịp thời, nên giờ hướng dẫn làm thủ tục đảm bảo theo quy định cho ông Ninh”.
Còn ông Vũ Văn Thẩm, Bí thư Huyện ủy Phú Ninh cho biết: “Ông Ninh đam mê làm trang trại là tốt và đất đã đấu giá trúng, thực hiện đúng với quy hoạch làm trang trại, nhưng điều đáng tiếc là thủ tục chậm quá trở thành sai. Huyện ủy đã chỉ đạo các biện pháp khắc phục ở mức tốt nhất với thái độ cầu thị, đầu tiên là dừng hoạt động. Còn lại sẽ kiểm tra các bước về quy trình thủ tục đất đai để cấp cho ông Ninh”.
Khi đặt câu hỏi, vì sao ông Ninh đấu giá trúng vẫn phải chờ gần 10 năm trời năm trời mà chưa được cấp sổ đỏ nguyên nhân do đâu, ông Huỳnh Tấn Nhật, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) huyện Phú Ninh cho biết: “Do hồi đó xã tổ chức đấu giá và không gửi hồ sơ lên Phòng TNMT để tiến hành thủ tục, sau đó hồ sơ bị thất lạc. Cách đây 1 tuần xã đã lục được bản gốc như quy chế đấu giá, hóa đơn nộp tiền, biên bản đấu giá và các giấy tờ liên quan và mới gửi lên. Hiện, chúng tôi đang tiến hành làm các thủ tục để cấp sổ đỏ cho ông Ninh”.
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Đại Nam ở huyện Phú Ninh cho rằng: “Tôi được biết ông Ninh đấu giá đất thành công khi ông mới chỉ là chuyên viên, còn làm trang trại đúng với mục đích, kế hoạch của chính quyền đưa ra. Để làm được điều dó, những năm qua ông cải tạo đồi núi, gai góc này từng tí một mới có được như ngày hôm nay. Nhưng nói chưa có sổ đỏ đã làm là sai, điều này theo luật đất đai tôi không biết, nhưng thiết nghĩ nếu là người dân mà cải tạo được đồi núi, xây dựng được trang trại như thế này thì đáng khen, còn việc chậm sổ đỏ thực ra lỗi không phải do ông Ninh nên mong chính quyền, các cơ quan chức năng hãy giải quyết vấn đề sao cho có lý, có tình”.
Khi phóng viên trao đổi với luật sư Phạm Xuân Linh, Văn phòng luật sư Thanh An thuộc Đoàn luật sư tỉnh Quảng Nam về việc ông Ninh xây dựng trang trại khi đất khi chưa có sổ đỏ và các hạng mục kiên cố có được phép hay không? Luật sư Phạm Xuân Linh cho rằng, căn cứ điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND ngày 29/9/2021 của HĐND tỉnh Quảng Nam quy định cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025 quy định: “Đất sản xuất phải đảm bảo sử dụng ổn định, lâu dài, không tranh chấp, không vi phạm các quy định pháp luật về đất đai và được UBND xã xác nhận…”.
Vì thế ông Ninh đấu giá trúng, sử dụng đúng mục đích làm trang trại như quy hoạch thì được quyền làm trang trại. “Đất làm trang trại không bắt buộc là phải có sổ đỏ, miễn là không tranh chấp, thuộc chủ quyền của mình và làm trang trại đúng với quy hoạch, được xây dựng các hạng mục kiên cố”, luật sư Linh cho biết.
Luật sư Phạm Xuân Linh còn cho rằng, Quyết định số 3361/QĐ-UBND về việc triển khai thực Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND cũng đã nói rõ, đất sản xuất (đất vườn, trang trại) thuộc diện ổn định lâu dài thì cần tháo gỡ những vướng mắc, trong khi ông Ninh đã đấu giá trúng từ năm 2005, nên các cơ quan chức năng liên quan cần tháo gỡ vướng mắc cho ông Ninh.
“Đất sử dụng vào mục đích trang trại là được phép xây dựng theo đề án của chủ trang trại và nhóm đất nông nghiệp vẫn được phép xây dựng để phục vụ cho mục đích sản xuất nông nghiệp, nên được phép xây dựng các hạng mục như: Làm các công trình, nhà cấp 4 để dụng cụ lao động, máy móc thiết bị phục vụ cho trang trại, để cho người lao động nghỉ ngơi, để chăn nuôi, để sơ chế, bảo quản những sản phẩm nông nghiệp làm ra. Đồng thời, người sử dụng đất còn có thể kết hợp với du lịch sinh thái như để cho du khách đến tham quan, mua các sản phẩm, học hỏi trao đổi kinh nghiệm…”, luật sư Linh khẳng định.
“Tôi khẳng định trang trại không bắt buộc là phải có sổ đỏ, việc ông Ninh làm không có gì sai trái. Thiết nghĩ, đây là chủ trương lớn của tỉnh và khi triển khai thực hiện trên thực tế có thể có những bất cập, vướng mắc cần được chính quyền địa phương kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ cho người dân để đưa Nghị quyết vào cuộc sống”, luật sự Linh nói.