Những ngày cận Tết Nguyên đán 2023, từ sáng sớm cho đến đêm khuya các cơ sở làm bánh thuẫn ở xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi tất bật làm bánh phục vụ thị trường Tết cổ truyền của dân tộc.
Lò bánh thuẫn gia truyền hàng chục năm của vợ chồng ông Bùi Đình Phùng và bà Võ Thị Ba, trú thôn Đông Thuận, xã Bình Trung luôn đỏ lửa để kịp đúc bánh thuẫn bán cho các đơn hàng trong dịp Tết Nguyên đán 2023.
Đang làm bánh thuẫn ông Phùng cho hay, ông đã hơn 40 năm gắn bó với nghề làm bánh thuẫn. Lúc đầu ông chỉ làm lấy ngày công theo yêu cầu của khách hàng, sau đó ông tìm mối bỏ hàng ở TP Quảng Ngãi và các huyện lân cận và dần mở rộng quy mô sản xuất.
“Nghề làm bánh thuẫn có từ lâu đời, do ông bà cha mẹ truyền lại, rồi gia đình tôi vẫn giữ nghề làm truyền thống bằng thủ công sử dụng lò củi than đốt để làm chín bánh”, ông Phùng chia sẻ.
Theo ông Phùng, từ tháng 11 đến tháng 12 (âm lịch), lò bánh của ông luôn đỏ lửa từ sáng sớm cho đến đêm khuya, để kịp đơn hàng trong những ngày tết. Ngày thường lò bánh của ông sản xuất từ 4.000-5.000 cái, còn những ngày Tết thì tăng lên gấp đôi từ 8.000 đến 10.000 cái. Các tiểu thương đến cơ sở lấy bánh bỏ sỉ ở các chợ, tạp hóa trên địa bàn Quảng Ngãi, Quảng Nam.
Bà Võ Thị Ba (vợ của ông Phùng) cho hay, để có những chiếc bánh thuẫn thơm ngon, đạt chất lượng và đảm bảo về an toàn thực phẩm. Thì trước hết từ khâu trộn nguyên liệu lại với nhau cho đều rồi được đổ vào khuôn, xong đem bánh đi sấy khô;… Nguyên liệu làm bánh thuẫn cũng khá đơn giản gồm: trứng gà, bột mì, sữa và gừng rồi đều hoặc đánh nhuyễn bằng máy xay bột và cho đường trắng vừa đủ, để bánh không quá ngọt cũng không quá khô. Nếu muốn bánh thuẫn có mùi vị độc lạ hơn có thể cho thêm gừng, mè, dừa.
“Tiếp theo, bắt lò than nhỏ, đưa khuôn bánh (bằng đồng, có hình bầu dục, đường kính 25-35mm, phía trong chia thành nhiều ô) lên lò cho nóng rồi dùng dầu xoa một lớp mỏng để chống dính, sau đó dùng muỗng đổ hỗn hợp đã đánh vào từng khuôn rồi đậy nắp lại. Than củi được đặt trên cả nắp khuôn để bánh được nở đều. Bánh được nướng trong khuôn từ 5 đến 7 phút rồi tháo nắp vung ra, thấy bánh nở cao gấp đôi khuôn và ngả màu vàng là bánh đã chín, sau đó gắp khỏi khuôn cho vào lò sấy”, bà Ba chia sẻ.
Theo nhiều người làm bánh thuẫn ở xã Bình Trung, ngày xưa Tết đến ở thôn này có đến hàng chục hộ làm bánh thuẫn.Thế nhưng, bánh thuẫn truyền thống không cạnh tranh được với các loại bánh ngoại, bánh công nghiệp nên người dân nơi đây từ bỏ nghề hết, chỉ đến Tết còn vài hộ làm bánh này.
Hiện nay, ngoài món bánh để cúng ông bà trong ngày Tết, bánh thuẫn được yêu thích vì có mùi thơm ngon, lại không quá ngọt như các loại bánh khác. Với nhiều người, mùi bánh thuẫn đã gắn vào ký ức tuổi thơ khi mỗi dịp đến Tết cổ truyền của dân tộc.