Quảng Ngãi: Nhiều diện tích keo chết khô

Tấn Thành - Khánh Duy 18/04/2023 06:58

Thời gian gần đây, tại tỉnh Quảng Ngãi xuất hiện những rừng keo bị nhiễm bệnh khô lá lây lan nhanh rồi chết khô khiến cho người dân khốn đốn.

Người dân lo lắng khi cây keo bị chết khô trên diện tích rộng.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, tỉnh Quảng Ngãi có diện tích trồng keo trên 225.000ha. Cây keo được trồng chủ yếu tập trung ở các huyện miền núi như Trà Bồng, Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây,...

Nhiều năm qua, cây keo đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế của các địa phương ở Quảng Ngãi, giúp xóa đói, giảm nghèo, thậm chí vươn lên khá giả. Thế nhưng giờ đây bà con trồng keo đang đứng trước nỗi lo keo bị nhiễm bệnh chết khô.

Chị Phạm Thị Se - người dân ở thôn 1, xã Nghĩa Sơn, huyện Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, cơn bão cuối năm 2020 đã khiến cho 1,5ha trồng keo của gia đình bị gãy, đổ toàn bộ. Đến giữa năm 2021, chị Se đầu tư gần 50 triệu đồng để trồng lại cây keo trên diện tích rừng của mình. Keo mới 2 năm, chưa đến thời điểm khai thác thì cách đây khoảng 1 tháng, chị Se phát hiện một số cây bất ngờ bị chết khô, gãy ngang thân rồi sau đó lây lan trên diện rộng khiến cho gia đình chị vô cùng lo lắng. Người dân thì không thể biết nguyên nhân do đâu, nên chị rất mong các cơ quan chuyên môn sớm tìm hiểu, xác định nguyên nhân và hướng dẫn biện pháp xử lý.

“Mới đầu phát hiện thấy một số cây, nhưng đến nay rẫy keo trồng nhà tôi đã bị chết trên 50% diện tích. Do keo mới chỉ trồng được hơn 2 năm nên không thể bán mà chỉ chặt làm củi, những cây nhỏ hơn thì vứt bỏ. Không riêng gì gia đình tôi mà hầu hết những vườn keo của các hộ gần đây cũng gặp phải tình trạng tương tự” - chị Se nói.

Nhiều hộ dân cho biết, đa phần keo bị nhiễm bệnh rồi chết khô đều đang ở độ tuổi từ 1 đến 2 năm, những diện tích kéo có độ tuổi từ 3 năm trở lên ít bị hơn. Biểu hiện triệu chứng chung ban đầu là giữa phần thân cây xuất hiện các đám nấm màu trắng, lá vàng héo dần. Đến khoảng 1 tuần sau thì cây chết khô, gãy ngang vị trí bị nấm, đáng lo hơn khi hiện tượng này đang lây lan nhanh mà chưa có giải pháp trị bệnh nên diện tích keo chết ngày càng tăng.

Ông Phạm Văn Thếch - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Sơn cho hay: Toàn xã có khoảng 1.200ha trồng keo, trong đó có 300ha keo từ 2 năm tuổi trở xuống thì qua thống kê sơ bộ đã có 12ha cây keo bị chết. Tuy diện tích keo chết không đồng loạt mà phân bố rải rác nhưng tình trạng này cũng khiến người dân lo lắng và thiệt hại về kinh tế. Bởi tại địa phương, ngoài cây sắn thì đời sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào cây keo”.

Không chỉ riêng ở huyện Tư Nghĩa mà nhiều huyện, khác của tỉnh Quảng Ngãi xảy ra hiện tượng keo chết.

Ông Đinh Văn Chi - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) huyện Sơn Hà cho biết: Thông tin từ người dân thì sau Tết Nguyên đán đến nay, cả 14 xã, thị trấn của huyện đều có diện tích keo bị nhiễm bệnh và chết. Còn tổng hợp báo cáo sơ bộ ban đầu của các xã, thị trấn thì toàn huyện có đến 1.074ha keo bị nhiễm bệnh. Tới đây chúng tôi sẽ tiến hành rà soát lại nhằm có con số chính xác, thực tế nhất để báo cáo lên UBND huyện cũng như Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay, diện tích keo bị nhiễm bệnh đã xuất hiện ở các xã Trà Bồng, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, thị xã Đức Phổ và TP Quảng Ngãi. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đơn vị vẫn đang trong quá trình tổng rà soát lại để nắm tổng số diện tích cây bị nhiễm bệnh và chết. Cùng với đó, Chi cục cũng đã phối hợp với Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung lấy mẫu gửi giám định chờ kết quả.

Theo ông Phạm Bá - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Ngãi, sau khi đi kiểm tra tình hình thực tế ở nhiều địa phương. Chi cục cũng đã lấy mẫu gửi Trung tâm bảo vệ thực vật miền Trung để kiểm tra, qua đó xác định nguyên nhân là do nhiễm nấm Ceratocystis sp. Dẫn đến tình trạng này là do thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra các đợt mưa kéo dài, từ các điểm tổn thương trên cây keo, nấm đã xâm nhập gây hại và lan rộng.

Ông Nguyễn Thế Vĩnh - Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi đưa ra khuyến cáo: Những nơi có keo bị bệnh, chủ vườn, cần chặt, thu gom những cây bị bệnh đem ra ngoài tiêu hủy; không tận thu, vận chuyển qua những nơi khác nhằm hạn chế lây lan; dùng vôi bột rải vào các vị trí cây bị bệnh để xử lý mầm bệnh. Đồng thời khơi thông mương rãnh, tránh tình trạng ngập úng nước sau mưa để hạn chế mầm bệnh phát tán. Về vấn đề trồng mới thì cần tuân thủ đúng mật độ trồng, chọn cây keo giống rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng và chăm sóc theo đúng quy trình hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quảng Ngãi: Nhiều diện tích keo chết khô

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO