Quảng Ngãi từng là địa phương có số cặp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống khá cao. Nhưng từ năm 2016, khi UBND tỉnh thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, Quảng Ngãi đã chấm dứt được tình trạng hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời số cặp tảo hôn cũng đã giảm mạnh.
Tình trạng tảo hôn từng bước được hạn chế.
Huyện Ba Tơ từng là điểm nóng của tỉnh Quảng Ngãi về tình trạng tảo hôn. Do đó, từ năm 2016, khi bắt đầu thực hiện Đề án của UBND tỉnh Quảng Ngãi, chính quyền địa phương các xã phối hợp với các trường học trên địa bàn để tổ chức các buổi cập nhật, phổ biến kiến thức pháp luật có liên quan đến Luật Hôn nhân và gia đình; đồng thời đến từng hộ gia đình khảo sát số trẻ em trong độ tuổi vị thành niên. Nhờ đó, nếu như năm 2016, toàn huyện Ba Tơ có 161 trường hợp tảo hôn, thì năm 2018 chỉ còn 71 trường hợp.
Cách đây ba tháng, bà Phạm Thị Míp, xã Ba Tô, huyện Ba Tơ, muốn cưới chồng cho con gái khi con bà chỉ mới 16 tuổi. Biết được thông tin này, cán bộ tư pháp xã phối hợp với cán bộ phụ nữ và già làng đến nhà bà Míp để phân tích cho vợ chồng bà Míp biết tác hại của tảo hôn. Ban đầu gia đình bà Míp cũng bất hợp tác, nhưng sau một thời gian vận động, gia đình bà cũng hiểu được nên đồng ý chưa cho con kết hôn khi chưa đủ 18 tuổi. Bà Míp cho hay: “Do con mình chỉ học hết lớp 9 rồi nghỉ, nó cũng chỉ làm nương rẫy nên mình nghĩ gả bán nó sớm cho xong việc lớn. Nhưng sau khi được cán bộ tuyên truyền, mình cũng thấy con mình còn nhỏ quá nên đồng ý để nó lớn hơn thì mới cho đi lấy chồng”.
Tại huyện Sơn Hà, nếu năm 2016 có 92 cặp tảo hôn thì đến cuối năm 2018 chỉ còn 24 cặp. Theo đánh giá của lãnh đạo huyện, có được kết quả này là nhờ vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ tư pháp xã, cùng với hệ thống chính trị đã tích cực tuyên truyền vận động gia đình, đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt Luật Hôn nhân và gia đình, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ông Dương Viết Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho biết: Đối với huyện Sơn Hà, những người góp phần quan trọng trong việc giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống chính là cán bộ tư pháp xã, hội phụ nữ, già làng và đội ngũ giáo viên. Huyện tuyên truyền, vận động học tập làm theo những gương tiêu biểu, những thôn, bản đã chấm dứt tình trạng tảo hôn; yêu cầu các cấp phải bám sát cơ sở để giảm thiểu tối đa, dần dần chấm dứt tình trạng tảo hôn.
Tình trạng tảo hôn diễn ra khá phổ biến ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi, nhưng từ khi thực hiện đề án thì số cặp tảo hôn đã giảm mạnh. Nếu như trước năm 2016, 6 huyện miền núi: Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Tây Trà và Trà Bồng, cùng với một số xã miền núi của huyện Bình Sơn, Nghĩa Hành có đến 462 cặp tảo hôn, thì đến cuối 2018 chỉ còn 150 cặp. Đặc biệt, tình trạng hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đã được chấm dứt.
Ông Bùi Đức Chánh, Phó ban Dân tộc tỉnh, cho hay: Điều quan trọng nhất là tuyên truyền cho từng bậc phụ huynh và thanh, thiếu niên hiểu được Luật Hôn nhân và gia đình, những nguy hiểm, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, để chính họ biết phòng, tránh. Khi bà con chưa hiểu, cán bộ địa phương cần bám sát từng thôn, bản để kịp thời đưa ra giải pháp xử lý ngay khi có thông tin về nguy cơ tảo hôn của một thiếu niên nào đó, từ đó giảm thiểu tối đa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh.