Dự án Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A đoạn huyện Bình Sơn và Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi có tổng mức đầu tư là 734,4 tỷ đồng. Sau 3 năm thi công với 6 lần gia hạn tiến độ vẫn chưa hoàn thành. Mới đây chính quyền địa phương quyết định cưỡng chế một số hộ để giải quyết vấn đề.
Quốc lộ 1A đoạn qua Bình Sơn còn ngổn ngang công việc.
3 năm không hoàn thành
Dự án nói trên là công trình hết sức quan trọng, góp phần cải thiện mạng lưới giao thông và thúc đẩy kinh tế - xã hội. Thế nhưng hơn 3 năm thi công vẫn ì ạch. Nguyên nhân chính là do người dân không đồng tình với giá cả bồi thường đất. Mặc dù chính quyền địa phương đã làm rất kỹ từ công bố dự án đến họp dân hơn 200 cuộc để đối thoại, giải thích nhưng bất thành, thậm chí đã nhiều lần ra quyết định cưỡng chế.
Bà Nguyễn Thị Phụng (SN 1977), trú tại xóm Trung Hòa, thôn Xuân Biên, xã Bình Hiệp, huyện Bình Sơn cho biết: “Phần đất mặt tiền của gia đình tôi là 40m2 họ đền bù với giá 500 ngàn đồng/m2, còn cái nhà gần 43m2 và thêm các khoản tiền hỗ trợ khác nhưng tổng số tiền đền bù là 132 triệu đồng. Giá đền bù quá thấp nên tôi không thể đồng ý”.
Còn ông Nguyễn Văn Luận gần đó cho biết: “Dự án thu hồi của gia đình tôi 107m2 cũng chỉ với giá 500 ngàn đồng/m2, tính ra là hơn 53 triệu đồng, quá thấp so với giá trị trường; đồng thời tôi yêu cầu địa phương bố trí 1 lô đất tái định cư nhưng chưa được chấp thuận”.
Các hộ trên cũng cho rằng, so với mức giá đền bù đất ở phía Bắc cầu Cháy, cách nhà họ chưa đến 30 mét được nhận tiền cao hơn nhiều lần. Vì thế Dự án đoạn qua địa bàn huyện Bình Sơn, có nhiều thiết bị, máy móc đành phải nằm chờ. Một số đoạn đường thi công nham nhở, giăng dây, cắm biển báo rất mất mỹ quan. Người dân cũng cho rằng, đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra trên đoạn đường thi công Dự án này.
Ông Đỗ Thiết Khiêm- Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết: “Vướng mắc nhất hiện nay là công tác giải phóng mặt bằng đoạn từ phía Nam cầu Cháy đến giáp xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh. Các hộ dân cho rằng, giá bồi thường đất mặt tiền Quốc lộ 1A quá thấp so với thị trường, hiện giá đất khu vực này là 500 ngàn đồng/m2. Trong khi đó, bên phía Bắc cầu Cháy có giá 1.320.000 đồng/m2”. Ông Khiêm cũng cho biết, huyện đã có văn bản gửi UBND tỉnh về ý kiến người dân đối với giá cả đền bù, nhưng UBND tỉnh có công văn trả lời giữ nguyên giá đất đền bù vì áp dụng cho toàn tuyến, không điều chỉnh cục bộ được”.
Cưỡng chế để hoàn thành
Qua tìm hiểu, Dự án này có đoạn qua huyện Bình Sơn được triển khai thi công từ tháng 8/2016, toàn tuyến có 1.517 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng với diện tích đất thu hồi là 45,4ha, tổng chiều dài giải phóng mặt bằng dọc hai bên tuyến là 24,56 km. Đến nay đã chi trả tiền bồi thường cho 1.494/1.517 hộ, còn lại 23 hộ chưa nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng.
Trước tình hình trì trệ của Dự án, mới đây chính quyền huyện Bình Sơn đã phối hợp với các đơn vị tổ chức cưỡng chế 2/16 hộ không bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án đoạn qua huyện Bình Sơn. Theo đó, sáng 6/11, đã cưỡng chế hộ ông Nguyễn Tân Minh và ông Võ Thanh Dũng (xã Bình Hiệp, huyện Bình Sơn), đối với hộ ông Minh là 161m2, hộ ông Dũng là 97m2. Vài phút trước khi bị cưỡng chế, qua sự vận động và thuyết phục của các cấp ngành huyện, tỉnh, hộ ông Minh đã đồng ý giao đất, đồng thời đề nghị lực lượng chức năng có mặt hỗ trợ tháo dỡ vật dụng kiến trúc trên phần đất bị thu hồi. Đối với hộ ông Dũng, người thân gia đình không chống đối nhưng yêu cầu lực lượng chức năng phải thực hiện đầy đủ các bước đúng trình tự thủ tục theo quy định trước khi cưỡng chế.
Sau 2 trường hợp này, huyện Bình Sơn sẽ thực hiện cưỡng chế đối với 14 trường hợp còn lại.