Sau những ngày mưa lớn nước ngập nhà, ngập cửa thế rồi lũ rút, người dân Quảng Ngãi khẩn trương dọn dẹp vệ sinh môi trường để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên hôm nay (27/10) mưa lớn lại xảy ra trên diện rộng, khiến bà con lo sợ lũ chồng lũ.
Tại xã Bình Minh, huyện Bình Sơn khi nước lũ trên sông Trà Bồng bắt đầu rút xuống, người dân khẩn trương dùng vòi xịt nước để rửa trôi bùn non bám trên bề mặt sân vườn, đường bê tông để đảm bảo vệ sinh môi trường, công việc đang dang dở thì mưa lớn lại về khiến người dân hết sức lo lắng.
Hay như ở xã Hành Dũng, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi người dân, thầy cô đã khẩn trương dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, bàn ghế; sân trường để ổn định cuộc sống và việc dạy và học.
Công việc nặng nhọc mọi người phải dùng cuốc, xẻng làm thủ công để kéo lớp đất bùn non nhão nhẹt ra khỏi sân nhà, sân trường và các đường làng.
Thế nhưng, sáng 27/10, mưa lớn kèm theo lốc xoáy thổi tốc mái 54 nhà dân ở huyện Tư Nghĩa. Trong đó, xã Nghĩa Trung có 12 nhà thiệt hại dưới 30%. Còn tại thị trấn La Hà, có đến 42 ngôi nhà bị tốc mái một phần, thiệt hại gần 50%.
Rất nhiều cây trồng của người dân bị lốc xoáy quật ngã đổ. Trong khi mưa lớn lại xảy ra có nguy cơ lũ chống lũ, thật khó nói hết tâm trạng, nỗi lo, nỗi lo của người dân.
Ông Trần Thiên Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho hay: “Chính quyền địa phương đang tiếp tục thống kê tình hình thiệt hại, tổ chức khắc phục hậu quả mưa lũ. Bên cạnh đó, huy động lực lượng thanh niên, dân quân và các hội đoàn thể tham gia khắc phục thiệt hại giúp dân như di chuyển đồ đạc bị ướt về nơi khô ráo, sửa chữa mái và tường nhà bị hư hỏng, giúp bà con có nơi ở ổn định”.
Chúng tôi gặp vợ chồng bà Huỳnh Thị Ninh (71 tuổi) và ông Hồ Văn Hồng (73 tuổi), cùng trú xã Hành Dũng đang quét dọn nhà cửa.
Ông Hồng cho biết: “Đợt mưa lũ này bùn non đóng ngoài sân và trong nhà tôi dày lắm, mất cả buổi tôi mới dọn xong. Nếu lớp bùn non không khẩn trương dọn dẹp để có nắng lên thì rất khó dọn cho sạch sẽ. Thế mà chừ lại mưa lớn không biết tình thế như thế nào đây”.
Còn ông Nguyễn Tấn Thành, trú xã Bình Minh, huyện Bình Sơn nói: “Nước lũ rút xuống, tôi cùng người thân gia đình khẩn trương dọn vệ sinh nhà cửa. Nước lũ rút xuống tới đâu thì tôi dọn dẹp nhà cửa tới đó. Thế nhưng sáng 27/10, mưa lớn lại xảy ra trên địa bàn địa phương, tôi lo sợ nước sông Trà Bồng lại dâng cao trở lại, nguy cơ xảy ra lũ chồng lũ”.
Ông Võ Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết: “Ngay sau khi nước lũ rút xuống, lãnh đạo huyện chỉ đạo cho các lực lượng xung kích ở các xã, thị trấn ở địa phương cùng người dân dọn dẹp nhà cửa và ngành y tế phun thuốc khử khuẩn vệ sinh môi trường. Đồng thời, nhanh chóng thống kê thiệt hại do mưa lũ gây ra để hỗ trợ cho nhân dân. Chính quyền huyện cũng đến thăm hỏi, hỗ trợ cho gia đình có người thân tử vong trong đợt mưa lũ vừa qua”.
Thế nhưng theo ông Đồng, sáng 27/10, trên địa bàn huyện có xảy ra mưa lớn nên lo sợ nước sông, suối có thể dâng cao trở lại gây ngập úng nên lãnh đạo địa phương đã có phương án sơ tán người dân đến nơi ở an toàn trong trường hợp khẩn cấp.
Theo báo cáo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Ngãi, mưa lũ vừa qua gây ngập lụt nhà hơn 11.000 (trong đó huyện Bình Sơn 6.500, Tư Nghĩa 1.567, Sơn Tịnh 425, TP Quảng Ngãi 503, Nghĩa Hành 1.866, thị xã Đức Phổ 177).
Về nông nghiệp có hơn 345 ha rau màu của huyện Bình Sơn bị thiệt hại, huyện Sơn Tịnh có hơn 11 ha rau màu bị hư hỏng;…
Trước trận mưa trở lại lần này, Ban chỉ huy PCTT&TKCN Quảng Ngãi cho biết, đã lên kịch bản chi tiết ứng phó với tình huống mưa, lũ lớn, sạt lở đất có thể xảy ra trên địa bàn.
Tuy nhiên đối với việc di dời, sơ tán dân trong điều kiện phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 cần ưu tiên tổ chức thực hiện theo hướng xen ghép, dân xen ghép với dân, khu dân cư xen ghép với khu dân cư, hạn chế sơ tán tập trung; bố trí lực lượng canh gác 24/24 giờ, cắm biển cảnh báo và quyết liệt trong việc ngăn cấm người dân đi qua lại các khu vực nguy hiểm (ngầm, tràn, tuyến đường bị ngập sâu, sạt lở,…).
Đặc biệt lưu ý các khu vực đã bị sạt lở đất và có nguy cơ cao bị sạt lở đất do mưa, lũ vừa qua tại các huyện miền núi: Trà Bồng, Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long và khu dân cư vùng trũng, thấp thuộc các xã ven sông Vệ, Trà Bồng, Trà Câu. Thường xuyên theo dõi các hồ chứa nước do địa phương quản lý để kịp thời xử lý các sự cố có thể xảy ra.
Qua ghi nhận chúng tôi, ngày 27/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có xảy ra mưa lớn trên diện rộng, đặc biệt một số xã ở huyện Tư Nghĩa có xảy ra lốc xoáy làm hư hỏng nhiều nhà dân, cây cối ngã gãy đổ. Trong khi đó, huyện Trà Bồng, lực lượng chức năng đang khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở tại tuyến đường tại đèo Eo Chim đi Trà Nham sạt lở đã làm chia cắt, cô lập hoàn toàn 3 thôn Trà Huynh, Trà Vân, Cà Đam, thuộc xã Hương Trà, huyện Trà Bồng;…
Quả thật trận lũ vừa qua chưa khắc phục xong, nếu tiếp tục mưa lớn thì lũ sẽ chống lũ, khó nói hết nỗi khổ của người dân.