Để chủ động phòng tránh, hạn chế thiệt hại do bão số 5 gây ra, UBND tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam đã có công điện đề nghị các Sở, ngành, đoàn thể Tỉnh ủy và UBND các huyện, thành phố tập trung ứng phó với bão và diễn biến mưa, lũ trên đất liền.
Nhiều tàu thuyền Quảng Nam, Quảng Ngãi vào đất liền trú tránh bão an toàn.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương về cơn bão số 5. Do ảnh hưởng hoàn lưu phía Tây của cơn bão số 5 (có tên Matmo) tại đảo Lý Lơn (Quảng Ngãi) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.
Hồi 4h, ngày 30/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,3 độ vĩ bắc; 112,7 độ kinh đông, trên khu vực phía tây bắc quần đảo Trường Sa, cách đất liền các tỉnh Bình Định - Ninh Thuận khoảng 350 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 110 km tính từ tâm bão.
Ông Nhâm Xuân Sỹ, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, 24 giờ qua do ảnh hưởng không khí lạnh kết hợp với rìa bắc hoàn lưu bão số 5 nên khu vực Quảng Ngãi có mưa rào lượng mưa từ 7h/29-7h/30/10 phổ biến 5-15 mm.
“Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợ với cơn bão số 5 nên từ trưa 30/10 đến 1/11 tỉnh Quảng Ngãi có khả năng cao xuất hiện một đợt mưa to đến rất to trên diện rộng với tổng lượng mưa phổ biến từ 300-500 mm, có nơi trên 600 mm. Ngoài ra, cần chú ý đề phòng có lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng ở vùng trũng thấp trong khoảng thời gian này”, ông Nhâm Xuân Sỹ nói.
Theo Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ngãi, vào 5h, ngày 30/10, tổng số tàu thuyền của tỉnh Quảng Ngãi đang hoạt động trên các vùng biển là 418 tàu/5.050 lao động, trong đó ở vùng biển Hoàng Sa 111 tàu/820 lao động, vùng biển Trường Sa là 118 tàu/2.626 lao động, vùng biển phía bắc là 16 tàu/111 lao động, vùng biển phía nam là 36 tàu/302 lao động, vùng biển tỉnh Quảng Ngãi 137 tàu/ 1.191 lao động.
Trước tình hình này, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu tiếp tục theo dõi tình hình mưa, lũ thực tế tại địa phương để chủ động triển khai phương án ứng phó thiên tai năm 2019 các cấp theo phương
châm “4 tại chỗ”, đặc biệt lưu ý các biện pháp ứng phó với tính huống: lũ lớn, đặc biệt lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra vùng ven biển, ven sông, suối; chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện các nhiệm vụ như: kiểm tra, rà soát và cắm biển cảnh báo khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất từ từ thôn, bản, công trình;…
Ngoài ra, UBND tỉnh giao cho Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi triển khai phương án phòng, chống mưa lũ, đảm bảo an toàn công trình hồ, đập thuộc phạm vi quản lý; đôn đốc các địa phương thực hiện công tác đảm bảo an toàn hồ đập thủy lợi, sẵn sàng các điều kiện cần thiệt để chủ động ứng phó sự cố đập, đê điều.
Ngư dân Nguyễn Ngọc Dũng (trú xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi) nói: “Những ngày qua, tôi nghe thông tin trên biển có cơn bão số 5 đang tiến vào đất liền từ Quảng Ngãi đến tỉnh Khánh Hòa. Do vậy, tôi cùng các anh, em thuyền viên đã cho tài chạy vào cảng trú tránh bão, chờ đến khi nào thời tiết trên biển ổn định rồi mới vươn khơi trở lại”.
Ngoài ra, tuyến vận tải Sa Kỳ - Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đã chính thức tạm dừng hoạt động vào ngày 28/10. Việc cho tạm dừng hoạt động vận tải khách, vận tải hàng hóa từ đất liền ra đảo Lý Sơn sẽ kéo dài cho đến khi thời tiết trên biển ổn định trở lại.
Qua trao đổi với, bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: “Từ ngày 28 đến nay, chính quyền huyện Lý Sơn đã triển khai, theo dõi diễn biến thời tiết trên biển, hướng dẫn cho các tàu thuyền vào đảo trú tránh bão đảm bảo an toàn. Chính quyền huyện cũng ban hành lệnh cấm các tàu thuyền, tàu vận tải ra biển vào thời điểm này, chờ đến khi nào thời tiết ổn định mới hoạt động trở lại nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân”.
Các ngư dân Quảng Nam đã neo đậu tàu thuyền tại cảng Kỳ Hà tránh bão.
Còn tại Quảng Nam, ngay từ ngày 29/10, UBND tỉnh đã có Công điện số 08/CĐ-UBND về việc chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão và tình hình mưa lũ.
Theo công điện này, từ ngày 30/10 đến 4/11, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có khả năng cao xuất hiện một đợt mưa to đến rất to trên diện rộng, dự báo tổng lượng mưa cả đợt từ 300-500 mm, có nơi từ 600-800 mm.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão và tình hình mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương ven biển, cửa sông sẵn sàng phương án sơ tán dân cư
khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu; rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch dọc ven biển và trên đảo; hướng dẫn các tàu thuyền đã vào bờ hoặc vào khu neo đậu tránh bão trên địa bàn tổ chức sắp xếp neo đậu chắc chắn, an toàn nhằm tránh va đập do ảnh hưởng của gió bão.
Các địa phương cần tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở các vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các tuyến đường đi qua ngầm, tràn… để thực hiện các biện pháp cảnh báo…cùng với đó yêu cầu các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện thực hiện trực ban 24/24h; kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố.
Theo báo cáo Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Nam, vào 5h, ngày 30/10, tổng số tàu cá tỉnh Quảng Nam là 4.399 tàu/15.323 lao động; tổng số tàu cá đang hoạt động xa bờ là 30 tàu/802 lao động; hoạt động khu vực Trường Sa là 13 tàu/598 lao động; hoạt động khu vực Hoàng Sa 17 tàu/204 lao động và tàu cá hoạt động gần bờ 9 tàu/46 lao động (cách bờ biển Quảng Nam khoảng 5-15 hải lý).
Hiện nay các tàu cá của tỉnh Quảng Nam đã nhận được các thông báo về cơn bão số 5 và đang di chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng.