Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam số ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) từ đầu năm 2019 đến nay đã bùng phát mạnh. Hai địa phương đang quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch nói trên.
Lực lượng chức năng đang phun thuốc phòng bệnh sốt xuất huyết.
Theo đó, từ đầu năm 2019 đến nay, số ca bệnh SXH ở tỉnh Quảng Ngãi gia tăng chóng mặt trên 700 ca, còn tại Quảng Nam, Tiến sĩ Y khoa, bác sĩ Trần Văn Kiệm, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Quảng Nam cho biết, số ca mắc bệnh SXH năm 2019 trên địa bàn tỉnh đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Hiện nay, Quảng Nam đang xếp thứ 6 trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Hầu hết, ở các huyện đều có người bị mắc SXH. Trong đó ở thị xã Điện Bàn số ca mắc SXH lên đến hơn 230 ca.
Theo ngành y tế, nguyên nhân khiến ca bệnh SXH tăng cao là do thời tiết và chu kỳ dịch SXH. Theo đó, khoảng thời gian từ tháng 6/11 trong năm là thời điểm dễ bùng phát của dịch bệnh SXH. Với khí hậu ẩm, có mưa bất thường là môi trường thuận lợi để muỗi đẻ trứng và phát triển thành bọ gậy, gây bệnh cho người.
Trước tình hình này, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi đã chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh, tổ chức các chiến dịch phun thuốc diệt lăng quăng, bọ gậy trên quy mô rộng, phun thuốc diệt muỗi chủ động trên phạm vi bán kính rộng để tiêu diệt mầm bệnh. Đồng thời, hướng dẫn người dân cách phòng bệnh, hạn chế số ca mắc SXH và nguy cơ bệnh bùng phát trong cộng đồng.
Bác sĩ Hồ Minh Nên, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo: “Bệnh SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do vậy, nếu phát hiện bệnh muộn, hoặc không đưa đến các cơ sở y tế kịp thời có thể dẫn đến sốc, xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, tê liệt, trụy tim mạch, hôn mê;…
Tại Quảng Nam, ngành y tế thị xã Điện Bàn đã tiến hành xử lý 13 ổ dịch tại 9 xã, phường có đông dân cư như: Điện Minh, Điện Hòa, Vĩnh Điện;…
Tiến sĩ Y khoa, bác sĩ Trần Văn Kiệm cho biết, trước thực trạng này, lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Quảng Nam đã chỉ đạo cho các địa phương tích cực và chủ động hơn trong công tác phòng chống dịch.
Đặc biệt, tại một số địa phương đã có những cuộc họp do UBND huyện, thị xã chủ trì để đưa ra những biện pháp nhằm khống chế lây lan dịch SXH.
Từ đầu năm đến nay, ngành y tế đã xử lý hóa chất dập dịch tại 33 ổ dịch và hiện đang tiếp tục phun hóa chất ở những địa phương có nguy cơ bùng dịch.