Để đảm bảo an toàn cho người dân các vùng miền núi Quảng Ngãi (nơi thường xảy ra sạt lở trong mùa mưa bão), chính quyền địa phương đang rà soát từng điểm có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét và các vị trí đứt gãy địa chất trên địa bàn… để chủ động ứng phó khi có mưa, lũ xảy ra.
Từ nhiều năm qua, cứ đến mùa mưa lũ, các hộ dân sống dưới chân núi Vang Cà Vãi, tổ dân phố Làng Dầu, thị trấn Di Lăng, huyện miền núi Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi) lại lo sợ trước nguy cơ sạt lở núi, để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân, chính quyền huyện Sơn Hà đang triển khai xây dựng bờ kè dưới chân núi này.
Bà Trần Thị Thọ (tổ dân phố Làng Dầu) cho biết: Những năm qua, mỗi khi trời mưa lớn, có nhiều khối đất đá cùng cây cối từ trên núi Vang Cà Vãi đổ sập xuống khu vực dân cư dưới chân núi gây hư hỏng nhà cửa. Chúng tôi rất lo lắng, mong các cấp chính quyền sớm quan tâm di dời các hộ dân sinh sống ở đây đến địa điểm khác để sớm ổn định cuộc sống.
Những người dân ở đây cho biết, trời mưa lớn, bà con trong khu dân cư phải qua nhà hàng xóm gần đó để ở tạm, chứ họ không dám ở trong nhà vì lo sợ mùa mưa bão sạt lở núi bất cứ lúc nào. Chính quyền địa phương đang triển khai xây dựng bờ kè phía sau chân núi Vang Cà Vãi nên bà con cũng có phần yên tâm. Nhưng nguyện vọng của người dân là mong muốn được chuyển đến nơi an toàn, có đất sản xuất để ổn định cuộc sống lâu dài.
Ông Dương Đình Cường - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Di Lăng (huyện Sơn Hà) cho biết: Hiện nay UBND huyện đang triển khai xây kè chống sạt lở dưới chân núi Vang Cà Vãi, dự kiến cuối tháng 12/2024 sẽ hoàn thành. Còn khu vực này có 5 hộ dân, với 24 nhân khẩu đối diện với nguy cơ sạt lở núi nguy hiểm nhất đã được chính quyền thị trấn thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở bà con đề phòng sạt lở đất đá.
Theo ông Đinh Văn Chi - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Hà, UBND huyện đã phê duyệt phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn huyện. Ngoài ra, địa phương cũng rà soát các điểm trên địa bàn huyện có nguy cơ xảy ra sạt lở đất đá vào mùa mưa bão để tuyên truyền, nhắc nhở người dân, đồng thời có kế hoạch hay phương án sơ tán người dân trong trường hợp khẩn cấp.
Tại huyện miền núi Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi), ông Cao Văn Chung - Chủ tịch UBND xã Sơn Bua cho biết: Hiện tại các ngọn núi quanh khu dân cư Nước Toa, thôn Mang Tà Bể, nằm trong điểm nguy cơ sạt lở cao của địa phương trong mùa mưa lũ. Những ngọn núi này cao 300 - 500m và đã từng xảy ra sạt lở vào năm 2006 và năm 2019 nên địa phương luôn chú trọng đến công tác phòng, chống mưa bão, đề phòng sạt lở đất đá ở khu vực này.
Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Trường Giang - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây thông tin: Sau cơn bão số 3, ngày 9/9, huyện tổ chức tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong đó, nhấn mạnh rà soát lần nữa tất cả các điểm sạt lở đã thống kê trước đó theo phương án huyện kiểm tra xã, xã kiểm tra thôn, rà soát điểm sạt lở cũ, điểm nguy cơ mới và điểm nghi ngờ nguy cơ sạt lở. Phân công bố trí lực lượng túc trực, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt tích trữ lương thực, nhu yếu phẩm, chọn địa điểm như trường học có nhà bán trú, nhà ở kiên cố để thực hiện di dời, xen ghép.
Ngày 14/9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang đã ký Công văn số 4930 về việc chỉ đạo các giải pháp triển khai ứng phó sạt lở núi, đồi và ngập úng đô thị trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Theo đó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố rút kinh nghiệm từ công tác ứng phó bão số 3 và mưa, lũ sau bão vừa qua tại các tỉnh phía Bắc, tiếp tục quán triệt, triển khai đầy đủ các nội dung chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy và chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi tại các chỉ thị có liên quan. Chủ tịch UBND cấp huyện chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống lụt, bão và triển khai ứng phó sạt lở núi, đồi, ngập úng đô thị trên địa bàn quản lý; kịp thời cập nhật tình hình thời tiết để có chỉ đạo phù hợp.